Do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ dẫn đến việc áp dụng và thi hành trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Nhất là việc tổ chức thi hành án “Giao con chưa thành niên cho người được nuôi dưỡng” và việc xử lý hình sự đối với người có hành vi “Không chấp hành án”.
Tôi xin đưa ra một trường hợp cụ thể:
Bản án sơ thẩm số 05/HNGĐ-ST ngày 16/10/2012 của Tòa án huyện H giải quyết ly hôn giữa chị Nguyễn Thị Hồng N và anh Nguyễn Văn T đã quyết định: “Giao chị N nuôi con chung là Nguyễn Hải P, sinh ngày 17/11/2011”.
Bản án sơ thẩm bị anh T kháng cáo. Ngày 23/01/2013, Tòa án tỉnh B đã đình chỉ xét xử phúc thẩm lý do vắng mặt bị đơn ( người kháng cáo). Bản án có hiệu lực pháp luật.
Sau khi nhận được bản án, chị N có đơn yêu cầu thi hành án. Chi cục trưởng chi cục THADS huyện H ra quyết định thi hành án dân sự số 07/QĐ-CCTHA ngày 25/01/2013. Chấp hành viên đã tổ chức thi hành đúng quy định của pháp luât nhưng anh T không tự nguyện thi hành.
Ngày 09/4/2013, Chấp hành viên đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt anh T bằng hình thức phạt tiền 200.000 đồng. Anh T đã nhận quyết định và nộp phạt. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, anh T vẫn không thực hiện việc giao con. Chị N nhiều lần gửi đơn đến các ngành yêu cầu giúp đỡ. Chấp hành viên đã 03 lần phối hợp với Hội phụ nữ huyện và các ban ngành của UBND xã để động viên, thuyết phục anh T giao con cho chị N nhưng không đạt kết quả.
Ngày 20/4/2013, Chi cục THADS huyện H ra quyết định cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng đối với anh T. Ngay trong ngày hôm đó, anh T đến Chi cục THADS huyện H tự nguyện giao con cho chị N. Chấp hành viên lập biên bản về việc giao con. Khi 2 mẹ con chị N đi được một đoạn, anh T bảo với chị N cho bế cháu P để chào ra về. Chị N đồng ý. Nhưng ngay sau đó, anh T bế cháu P và chạy ra nơi có xe ô tô của gia đình đợi sẵn, ngồi vào trong xe. Chị N kêu cứu và chặn đầu xe ô tô lại đòi con nhưng anh T vẫn điều khiển xe ô tô đưa cháu P về nhà và tiếp tục nuôi dưỡng.
Chị N có đơn đề nghị Chi cục THADS huyện H tiếp tục thi hành án việc giao con và đề nghị Công an huyện H khởi tố anh T về tội “ Không chấp hành án”. Từ đó có nhiều ý kiến khác nhau:
- Có ý kiến cho rằng Nguyễn Văn T đã thực hiện xong việc giao con cho chị N được lập thành biên bản, có sự chứng kiến của Chấp hành viên, chị N đã nhận được cháu P và ra về. Vì vậy, anh T không phạm tội “Không chấp hành án”.
- Có ý kiến lại cho rằng đã có đầy đủ các yếu tố cấu thành để xử lý Nguyễn Văn T về tội “Không chấp hành án”. Bởi lẽ:
Về dấu hiệu pháp lý: Anh T là người có nghĩa vụ phải chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Về mặt khách quan: Tội không chấp hành án có cấu thành tội phạm hình thức, thể hiện dưới hình thức không hành động, đó là không chấp hành. Anh T có điều kiện nhưng không chấp hành nên phải chịu trách nhiệm hình sự về không hành động của mình.
Về mặt chủ quan: Anh T biết mình có nghĩa vụ phải chấp hành bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đã biết bị cưỡng chế buộc phải chấp hành án, nhưng lại giả vờ đến Cơ quan THADS tự nguyện giao con, ký nhận vào biên bản (về thủ tục pháp ý đã xong) nhưng lại có hành động giằng con đưa về nhà tiếp tục nuôi dưỡng.
Tôi có quan điểm: Nguyễn Văn T đã cố ý không chấp hành bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định thi hành án của Chi cục THADS và đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế như: Quyết định xử lý vi phạm hành chính, Quyết định cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo quyết định thi hành án nên có đầy đủ yếu tố cấu thành tội “Không chấp hành án” theo Điều 304 Bộ luật hình sự.
Đề nghị các bạn độc giả cùng nghiên cứu và phân tích để đi đến thống nhất việc xử lý cho đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Giáp Thị Thủy - VKSND huyện Hiệp Hòa