Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì tình tiết “Phạm tội đối với người già yếu” được quy định là tình tiết định khung của một số tội phạm. Trên thực tế việc áp dụng tình tiết này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn cho việc áp dụng.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam mới chỉ có khái niệm “Người cao tuổi” quy định Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009 đó là người từ 60 tuổi trở lên. Tại Tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì“Người già” được xác định là người từ 70 tuổi trở lên và tại điểm a tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “Người quá già yếu” được xác định là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm.
Tuy nhiên, khái niệm về “Người quá già yếu” là “người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm” lại chưa thống nhất với khái niệm “Người già” theo Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 51 (tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) và điểm i khoản 1 Điều 52 (tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự) BLHS thì không nhắc đến tình tiết “người già” hay “người già yếu” mà chỉ có tình tiết “người đủ 70 tuổi trở lên”. Riêng đối với khái niệm “Người già yếu” quy định tại một số Điều luật của Bộ luật Hình sự vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Qua thực tiễn áp dụng thấy nhiều vấn đề vướng mắc đó là: Người từ 70 tuổi trở lên thì xác định là người già hay là người quá già yếu? Ngoài ra việc xác định người thường xuyên đau ốm như thế nào? "Thường xuyên đau ốm" là bao nhiêu lần và được xác định trong khoảng thời gian nào? Người 70 tuổi trở lên nhưng vẫn tự lao động, tạo ra thu thập, tự phục vụ sinh hoạt hàng ngày thì có phải người già yếu hay không? Việc chưa có quy định cụ thể về tình tiết “người già yếu” dẫn đến khó khăn trong áp dụng pháp luật đối với một số tội phạm.
Ví dụ: Nguyễn Văn A đi bộ thực hiện cướp giật túi xách bên trong có số tiền 500.000 đồng của bà Lê Thị B. Tại thời điểm này, bà B 80 tuổi nhưng vẫn sống tự lập không phụ thuộc ai, tự sinh hoạt cá nhân, vẫn lao động (bán hàng tạp hóa) tạo ra thu nhập. Trường hợp này, nếu áp dụng tình tiết “phạm tội đối với người già yếu” thì A phạm tội theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 171 BLHS có khung hình phạt 3 đến 10 năm tù; nếu không áp dụng tình tiết “phạm tội đối với người già yếu” thì A chỉ phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều 171 BLHS có khung hình phạt 01 đến 05 năm tù).
Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc đưa ra tình tiết “Người già yếu’” để làm căn cứ định khung nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc nhận thức và áp dụng trong thực tiễn còn chưa thống nhất. Đề nghị liên ngành Trung ương cần có văn bản hướng dẫn theo hướng “Người già yếu” là người từ đủ 70 tuổi trở lên hoặc là người đủ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi nhưng thường xuyên đau ốm, phải đi chữa trị, cấp phát thuốc định kỳ tại các cơ sở y tế.
Trên đây là một số ý kiến cá nhân thông qua nghiên cứu các quy định của pháp luật, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp./.
Nguyễn Thùy Trang- VKSND huyện Việt Yên