ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -16:54 PM

Một số nguyên nhân quyết định thi hành án phạt tù đối với người bị xử phạt tù đang tại ngoại chậm được thi hành hoặc chưa thi hành được và giải pháp khắc phục

 | 

Thông qua công tác thanh tra đột xuất đối với quyết định thi hành án phạt tù đối với người bị xử phạt tù đang tại ngoại nhưng chậm thi  hành hoặc chưa được thi hành, thấy xuất phát từ một số nguyên nhân và chia sẻ  biện pháp, giải pháp khắc phục như sau:

I. TRƯỜNG HỢP LÝ LỊCH CỦA NGƯỜI BỊ XỬ PHẠT TÙ CÓ SAI SÓT.

1. Nội dung bản án và kết quả tổ chức việc thi hành án 

- Theo Bản án hình sự sơ thẩm số 58/2019/HSST ngày 24/7/2019 của TAND huyện L, tỉnh Bắc giang xử phạt Nguyễn Xuân T 06 tháng tù về tội đánh bạc; chuyển hình phạt còn lại của bản án số 39/2019/HSST ngày 17/5/2019 của TAND huyện C, tỉnh S là 10 tháng 24 ngày cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù 03 tháng 18 ngày, buộc bị cáo phải chịu hình phạt chung cho cả 2 bản án là 09 tháng 18 ngày, được trừ 03 ngày tạm giữ vào thời gian thụ hình.

Ngày 03/9/2019 Chánh án TAND huyện L ra quyết định thi hành án (đối với người bị kết án đang tại ngoại) đối với Nguyễn Xuân T.

Ngày 05/9/2019, TAND huyện L giao quyết định thi hành án phạt tù trên cho Viện KSND; đến ngày 27/9/2019, TAND huyện L mới giao quyết định thi hành án phạt tù trên cho bị án Nguyễn Xuân T.

Ngày 01/10/2019, công an huyện L tiếp nhận bị án Nguyễn Xuân T để đưa đi thi hành án nhưng không được tiếp nhận vì lý lịch của bị án tại 2 bản án có mâu thuẫn. Cùng ngày công an huyện L có công văn gửi TAND đề nghị đính chính bản án, cụ thể như sau:

+ Bản án số 39/2019/HSST ngày 17/5/2019 của TAND huyện C, tỉnh S ghi đối tượng là Nguyễn Văn T, sinh năm 1987  có mẹ đẻ là Nguyễn Thị Sật;

+ Bản án số 58/2019/HSST ngày 24/7/2019 của TAND huyện L ghi đối tượng là Nguyễn Xuân T, sinh năm 1988  có mẹ đẻ là Hà Thị Sần.

- Ngày 11/11/2019, Viện KSND huyện L có công văn gửi TAND huyện L đề nghị đính chính bản án do có sai sót trong lý lịch bị can Nguyễn Xuân T; cùng ngày TAND huyện L có thông báo sửa chữa, bổ sung bản án, sửa tên mẹ của bị án là bà “Hà Thị Sần” thành “Hà Thị Sật”.

- Ngày 13/11/2019 TAND huyện L có công văn gửi TAND huyện C, tỉnh S đề nghị đính chính bản án, vì qua xác minh thì mẹ của Nguyễn Văn T là Hà Thị Sật chứ không phải Nguyễn Thị Sật.

- Công an huyện C, tỉnh S tiến hành xác minh tại Phòng CSQLHC về TTXH- Công an tỉnh Bắc Giang xác định Nguyễn Văn T sinh ngày 03/02/1988, có mẹ là Nguyễn Thị Xật. Ngày 17/12/2019 TAND huyện C có thông báo sửa chữa, bổ sung bản án gửi TAND huyện L xác định Nguyễn Văn T sinh ngày 03/02/1987, có mẹ là Nguyễn Thị Xật (TAND huyện C ghi năm sinh của bị án T là 1987, không đúng với kết quả xác minh của công an là 1988).

- Ngày 09/3/2020 VKSND và TAND huyện L (do KSV và Thẩm tra viên tiến hành) phối hợp xác minh về lý lịch của Nguyễn Xuân T thì được ông H là Trưởng công an xã cung cấp: Nguyễn Xuân T sinh năm 1988, có mẹ là Hà Thị Sật, còn có tên khác là Nguyễn Thị Xật.

- Ngày 09/4/2020 TAND huyện Lạng Giang có công văn số 77 đề nghị TAND huyện C, tỉnh S đính chính sai sót về năm sinh của Nguyễn Xuân T; đến nay chưa có đính chính bản án về năm sinh của TAND huyện C, tỉnh S nên chưa đưa được đối tượng đi chấp hành án phạt tù.

2. Bài học kinh nghiệm về công tác kiểm sát:

Từ việc tổ chức thi hành án hình sự trên, thấy rằng Cán bộ, Kiểm sát viên được phân công cần hực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc soát xét bản án, xác minh lý lịch và yêu cầu đính chính bản án, cụ thể  như sau:

- Thứ nhất: Đối với Kiểm sát viên được phân công KSĐT, KSXX sơ thẩm vụ án phải kiểm sát chặt chẽ việc lấy lý lịch của bị can bảo đảm khách quan, chính xác; chú trọng kiểm tra đổi chiếu lý lịch bị can trong trường có nhiều bản án để yêu cầu sửa chữa khắc phục ngay từ giai đoạn điều tra, xét xử vụ án.

- Thứ hai: Đối với Kiểm sát viên được phân công kiểm sát về thi hành án hình sự khi nhận QĐ THA phạt tù của Tòa án cần đối chiếu, rà soát kỹ lý lịch của bị án trong bản án (đặc biệt chú ý trường hợp có nhiều bản án) và trong quyết định thi hành án. Nếu phát hiện vi phạm cần yêu cầu khắc phục, sửa chữa ngay trước khi đưa đối tượng đi thi hành án.

- Thứ ba: Trường hợp phát hiện có sự mâu thuẫn về lý lịch giữa các bản án, việc đầu tiên là phải yêu cầu cơ quan đã lập lý lịch bị can xác minh làm rõ lý lịch đúng của bị án. Trường hợp cần thiết Viện kiểm sát có thể cử Kiểm sát viên phối hợp cùng xác minh; việc xác minh phải căn cứ vào các tài liệu lưu giữ tại cơ quan chức năng như sổ đăng ký hộ khẩu, đăng ký khai sinh, tờ khai chứng minh nhân dân... và sao chụp các giấy tờ, tài liệu đó để làm căn cứ. Tránh tình trạng xác minh chỉ ghi biên bản một cách chung chung dựa vào thông tin cung cấp của Công an xã, Trưởng thôn... nhưng không căn cứ sổ sách, tài liệu và không sao chụp làm căn cứ chứng minh.

- Thứ tư: Sau khi xác định lý lịch đúng của người bị kết án, Viện kiểm sát cần ban hành văn bản yêu cầu Tòa án có sai sót, nhầm lẫn về lý lịch của bị án đính chính bản án; việc yêu cầu đính chính cần nêu cụ thể sai sót nội dung gì, của bản án nào. Tránh tình trạng chỉ yêu cầu đính chính một cách chung chung, không nêu cụ thể dẫn đến việc đính chính không đầy đủ và phải yêu cầu đính chính lại như trường hợp trên.

 II. TRƯỜNG HỢP BỊ ÁN VIỆN LÝ DO ĐỂ CỐ TÌNH KHÔNG ĐI CHẤP HÀNH ÁN.

1. Nội dung bản án và kết quả tổ chức việc thi hành án 

Theo Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2018//HSST ngày 06/7/2018 của TAND huyện Y, tỉnh Bắc Giang xử phạt Nguyễn Văn T sinh năm 1990, trú tại thôn N, xã H, huyện V 07 năm tù về tội “Cướp tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 23/01/2017 đến 22/5/2017 vào thời gian chấp hành hình phạt tù. Ngày 18/7/2018, đại diện hợp pháp của bị cáo là bà Nguyễn Thị T là mẹ bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bản án hình sự phúc thẩm số 128/2018//HSPT ngày 31/10/2018 của TAND tỉnh Bắc Giang không chấp nhận kháng cáo; xử phạt Nguyễn Văn T 07 năm tù về tội “Cướp tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 23/01/2017 đến 22/5/2017 vào thời gian chấp hành hình phạt tù.

- Ngày 30/11/2018, TAND huyện Y quyết định ủy thác THA cho TAND huyện V để ra quyết định thi hành án đối với Nguyễn Văn T.

- Ngày 03/12/2018, Viện KSND huyện Y thông báo việc Tòa án ủy thác THAHS cho Viện KSND huyện V; ngày 20/12/2018, Viện KSND huyện V nhận được thông báo ủy thác của Viện KSND huyện Yên Dũng (theo dấu công văn đến).

- Ngày 07/12/2018 Chánh án TAND huyện V ra quyết định thi hành án số 01 (đối với người bị kết án đang tại ngoại) đối với Nguyễn Văn T, sinh năm 1990; ngày 10/12/2018 TAND huyện V giao quyết định THAHS cho bị án T, do bà Trần Thị T là mẹ của bị án nhận thay; cùng ngày bà T có đơn gửi TAND huyện V đề nghị hoãn THA cho Nguyễn Văn T, lý do xin hoãn để đưa T đi chữa bệnh do trước đây Thi bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Kèm theo đơn là bản sao giấy chứng nhận bệnh của bệnh viện tâm thần Hà Nội; bản sao giấy chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu gia đình Nguyễn Văn T, các giấy tờ đều thể hiện Nguyễn Văn T năm 1991. Ngày 12/12/2018, TAND huyện V có công văn gửi TAND huyện Y đề nghị kiểm tra lại hồ sơ, đính chính bản án, quyết định ủy thác để TAND huyện V chuyển QĐ cho Viện kiểm sát thực hiện quyền giám sát và Cơ quan THAHS để thi hành. Ngày 16/01/2019, TAND huyện Y có công văn gửi Phòng CS QLHS về TTXH- CA tỉnh Bắc Giang đề nghị xác minh thông tin cá nhân đối với Nguyễn Văn T; ngày 18/01/2019, công an tỉnh Bắc Giang có công văn gửi TAND huyện Y, nội dung: Nguyễn Văn T sinh ngày 27/7/1990 được cấp số CMTND 121925253 lần đầu ngày 13/02/2007. Ngày 13/8/2017 công an tỉnh Bắc Giang làm thủ tục cấp và điều chỉnh thông tin theo quy định cho Nguyễn Văn T từ sinh ngày 27/7/1990 thành 27/7/1991.

- Ngày 12/02/2019, TAND huyện V giao quyết định THAHS đối với Nguyễn Văn T cho Viện KSND huyện V và ban hành thông báo không chấp nhận đơn xin hoãn chấp hành án của Nguyễn Văn T.

- Ngày 25/02/22019 Công an huyện V tiến hành xác minh và đôn đốc Nguyễn Văn T đi chấp hành án thì được Trưởng thôn và Trưởng công an xã cung cấp: Hiện nay Nguyễn Văn T và gia đình không còn ai sinh sống ở địa phương, đi đâu, làm gì chính quyền địa phương không biết. Ngày 30/02/2019, Công an huyện V Yên ra quyết định áp giải đối với bị án T.

- Ngày 26/4/2019, Công an huyện V có công văn gửi TAND và Viện KSND huyện V thông báo lý do chưa áp giải được bị án T đi chấp hành án là do ngày 25/02/2019 xác minh bị án không có mặt tại địa phương; ngày 15/3/2019 xác minh tại bệnh viên tâm thần Hà Nội được bệnh viện cung cấp: Nguyễn Văn T bị bệnh “Rối loạn cảm xác thực tổn” kèm theo bệnh “Chậm phát triển tâm thần”, hiện nay đang điều trị tại bệnh viện. Do vậy chưa áp giải bị án đi chấp hành án được.

- Ngày 08/5/2019 Công an huyện V Yên xác minh tại bệnh viện tâm thần Hà Nội và được bệnh viện cung cấp thông tin là nhiều lần Nguyễn Văn T đến điều trị tại bệnh viện, cụ thể như sau:

+ Lần 1: Từ ngày 16/11/2018 đến 21/11/2018 với chẩn đoán giai đoạn trầm cảm vừa F32.1;

+ Lần 2: Từ ngày 22/11/2018 đến 04/12/2018 với chẩn đoán rối loạn cảm xúc đặc biệt định khác F38.8;

+ Lần 3: Từ ngày 05/3/2019 đến 15/3/2019 với chẩn đoán rối loạn cảm xúc thực tổn F06.3;

Kể từ 15/3/2019 đến nay (08/5/2019) Nguyễn Văn T không đến khám và điều trị tại  bệnh viện tâm thần Hà Nội, kể cả nội trú và ngoại trú.

- Ngày 08/8/2019, Công an huyện V Yên có công văn gửi TAND, Viện KSND huyện V và Phòng PC 10 Công an tỉnh Bắc Giang thông báo lý do chưa áp giải được bị án T đi chấp hành án là do bị án không có mặt tại địa phương. Tại biên bản xác minh các ngày 15/3/2019; 10/4/2019; 24/5/2019; 25/6/2019 và 10/7/2019 đều xác định bị án T và gia đình không còn sinh sống tại địa phương; đi đâu làm gì chính quyền địa phương không biết.

 - Ngày 31/8/2019, Công an huyện V Yên có công văn gửi TAND, Viện KSND huyện V và Phòng PC 10 Công an tỉnh Bắc Giang thông báo về kết quả xác minh ngày 29/8/2019 của Công an huyện V tại bệnh viện tâm thần Hà Nội. Kết quả từ 15/3/2019 Nguyễn Văn T không đến khám và điều trị tại  bệnh viện tâm thần Hà Nội, kể cả nội trú và ngoại trú.

- Ngày 10/01/2020 TAND huyện V tiến hành làm việc với bệnh viện tâm thần Hà Nội (có KSV tham gia) và được bệnh viện cung cấp: Nguyễn Văn T vào viện ngày 09/01/2020, hiện tại đang điều trị nội trú tại khu B.

- Ngày 14/01/2020, Viện KSND huyện V có công văn gửi Công an huyện V đề nghị phối hợp với bệnh viện tâm thần Hà Nội xác định tình trạng bệnh của Nguyễn Văn T trong quá trình điều trị và khi xuất viện để thực hiện áp giải bị án đi chấp hành án.

- Ngày 10/02/2020, Công an huyện V có công văn gửi TAND và Viện KSND huyện V thông báo việc thực hiện yêu cầu của VKS Việt Yên như sau: Ngày 06/02/2020 Công an huyện V làm việc với bệnh viện tâm thần Hà Nội và được cung cấp thông tin: Nguyễn Văn T điều trị lần 4 tại bệnh viện từ ngày 09 đến 14/01/2020 thì ra viện, với chẩn đoán “rối loạn cảm xúc thực tổn F06.3”. Ngày 07/02/2020 xác minh tại địa phương xác định bị án T và gia đình không còn sinh sống tại địa phương; đi đâu làm gì chính quyền địa phương không biết.

- Ngày 13/02/2020, TAND huyện V có công văn gửi Công an huyện V yêu cầu truy nã đối với Nguyễn Văn T.

- Ngày 27/3/2020, CQTHAHS, Công an tỉnh Bắc Giang quyết định truy nã số 10 đối với Nguyễn Văn T; ngày 14/4/2020 đã bắt được T và đưa đi chấp hành án.

2. Bài học rút ra về công tác kiểm sát thi hành án.

- Thứ nhất: Khi nhận thông báo việc Tòa án ủy thác THAHS, ngoài việc đóng dấu công văn đến, Viện kiểm sát nơi nhận thông báo ủy thác cần lưu giữ bì thư để làm căn cứ xác định đơn vị thông báo việc ủy thác có thực hiện đúng thời hạn thông báo ủy thác theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Quy chế công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 501 ngày 12/12/2017 của Viện trưởng Viện KSNDTC không (Như trường hợp trên, Viện KSND huyện Y thông báo việc Tòa án ủy thác từ ngày 03/12/2018 đến ngày ngày 20/12/2018, tức 17 ngày sau Viện KSND huyện V nhận được thông báo ủy thác nên cần lưu bì thư để xác định chậm nhận được thông báo do lỗi của Cơ quan nào).

- Thứ hai: Viện kiểm sát nơi nhận thông báo về việc ủy thác thi hành án phải phân công Kiểm sát viên theo dõi, đôn đốc Tòa án ra quyết định thi hành án hoặc yêu cầu gửi quyết định thi hành án theo quy định tại điểm b Điều 22 Luật THAHS. Trường hợp Tòa án chưa nhận được quyết định ủy thác thì phối hợp với Viện kiểm sát nơi thông báo để kiểm tra, đôn đốc yêu cầu Tòa án gửi ngay quyết định ủy thác, tránh tình trạng Tòa án ra quyết định ủy thác nhưng không gửi ngay hoặc Tòa án đã nhận ủy thác nhưng không kịp thời ra quyết định thi hành án.

- Thứ ba: Theo quy định của pháp luật thì Tòa án đã ra quyết định thi hành án  có trách nhiệm theo dõi việc thi hành án nên phải yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự áp giải nếu người thi hành án phạt tù không tự nguyện chấp hành án. Nếu Tòa án không yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự thực hiện áp giải thì Viện kiểm sát có thể trực tiếp yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự áp giải.

- Thứ tư: Khi có đủ căn cứ xác định người chấp hành án phạt tù bỏ trốn khỏi địa phương do các cơ quan có thẩm quyền thông báo, Tòa án có trách nhiệm yêu cầu truy nã theo quy định tại khoản 3 Điều 364 Bộ luật TTHS năm 2015 và khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 13/2012-TTLT- BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật TTHS và Luật THAHS về truy nã. Ngay sau khi nhận được yêu cầu truy nã, Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh phải ra quyết định truy nã và tổ chức lực lượng truy nã. Việc kiểm sát việc ra quyết định truy nã và tổ chức truy nã thuộc thẩm quyền Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu Tòa án không yêu cầu truy nã  thì Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án ra văn bản yêu cầu truy nã hoặc Viện kiểm sát trực tiếp yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh truy nã thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị đối với Tòa án về việc này (Như trường hợp nêu trên, dựa trên kết quả xác minh 25/02/22019 Công an huyện V xác định: Nguyễn Văn T và gia đình không còn ai sinh sống ở địa phương, đi đâu, làm gì chính quyền địa phương không biết, nếu Tòa án không yêu cầu truy nã thì VKS yêu cầu truy nã đối với Nguyễn Văn T).

 Qua 2 trường hợp cụ thể nêu trên, có thể rút ra kinh nghiệm: Nếu Cán bộ, Kiểm sát viên được phân công cần hực hiện tốt vai trò, trách nhiệm theo các bước trên sẽ khắc phục được tình trạng sai sót trong bản án sẽ được phát hiện và đính chính kịp thời, không phải đính chính nhiều lần; khắc phục được tình trạng bị án chậm đi chấp hành án do Tòa án chậm ủy thác thi hành án và chậm ra quyết định thi hành án; việc Cơ quan THAHS không kịp thời áp giải đối với trường hợp bị án không tự nguyện thi hành và không ra quyết định truy nã khi bị án bỏ trốn hoặc cố tình viện cớ nằm việc, ốm đau để kéo dài thời gian không đi chấp hành án.  

Trên đây là một số trường hợp cụ thể về quyết định thi hành án phạt tù đối với người bị xử phạt tù đang tại ngoại nhưng chậm thi hành hoặc chưa được thi hành và một số giải pháp và kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án hình sự để các đồng nghiệp tham khảo, vận dụng trong thực tiễn. Hy vọng rằng mỗi Cán bộ, Kiểm sát viên khi nắm chắc các quy định của pháp luật thi hành án phạt tù và xác lập được kỹ năng kiểm sát thi hành quyết định thi hành án phạt tù sẽ góp phần bảo đảm mọi người bị kết án phạt tù đều phải thi hành án, tránh tình trạng bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành nhưng người bị kết án vẫn ở ngoài vòng pháp luật, gây mất lòng tin đối với nhân dân./.

Ngô Tiến Thụy- Thanh tra, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,419,967
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.221.8.126

    Thư viện ảnh