Sau khi tác giả Lê Thị Huyền có bài viết “Nguyễn Văn C tội gì” đăng trên Trang tin điện tử VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 13/4/2020. Ban biên tập nhận được 02 ý kiến phản hồi.
Tác giả Hà Thị Hiên - Viện kiểm sát huyện Lạng Giang đồng ý với quan điểm là C phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, bởi lẽ:
Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi không hứa hẹn trước với người phạm tội, đồng thời người này biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn nhận hoặc mua để dùng, nhận để bán lại hoặc giới thiệu người khác mua, chuyển tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội....
Trong trường hợp này: C không hứa hẹn trước và cũng không biết việc A và B trộm cắp 06 thùng hàng của công ty. Sau khi vận chuyển 06 thùng hàng ra khỏi công ty, C mới biết trên xe ô tô do mình điều khiển có tài sản trộm cắp của A và B (việc C biết là do A điện bảo) nhưng C vẫn điều khiển xe ô tô chở số tài sản trên đến địa điểm Y, mở kẹp chì và để cho A lấy xuống khỏi xe ô tô mang đi tiêu thụ.
Tác giả Nguyễn Khắc Tú- Viện kiểm sát huyện Lục Ngạn đồng ý với quan điểm là C phạm tội “Trộm cắp tài sản”, bởi lẽ:
Trước hết cần làm rõ A và B có được công ty giao cho trách nhiệm, quyền hạn quản lý số hàng hóa hay không để xác định có thể xem xét xử lý về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353 BLHS. Vì chủ thể của tội này không chỉ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước mà còn mở rộng đến doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài. Việc A bốc 06 thùng hàng lên giá để hàng, B bốc 06 thùng hàng từ giá để hàng lên xe ô tô nếu được thực hiện ngoài ca trực thì sẽ bị xử lý về tội “Trộm cắp tài sản”.
Tội trộm cắp tài sản hoàn thành khi tài sản đã bị dịch chuyển khỏi phạm vi cất giữ, quản lý của chủ sở hữu. Thực tiễn xét xử đã chấp nhận hướng giải quyết cụ thể về những trường hợp chiếm đoạt như sau: Đối với những vật nhỏ gọn được coi là chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người, hành lý... còn đối với những vật cồng kềnh, kích thước lớn thì coi là chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản; nếu vật chiếm đoạt được là tài sản để ở những nơi không hình thành khu vực bảo vệ thì coi là chiếm đoạt được khi dịch chuyển tài sản ra khỏi khu vực bảo vệ.
Trong vụ việc này, tuy 06 thùng hàng đã được vận chuyển ra khỏi công ty nhưng các quy định của công ty như sử dụng kẹp chì, quy định nếu mở kẹp chì phải thông báo về cho công ty cũng có thể được coi là một biện pháp quản lý tài sản của công ty. Do vậy khi 06 thùng hàng ở trên xe ô tô có kẹp chì vẫn có thể được coi là đang nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu. Tội phạm chỉ hoàn thành khi C điều khiển xe đến địa điểm Y, mở kẹp chì để cho A lấy hàng xuống xe./.
Ban biên tập