ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 26/11/2024 -07:10 AM

Một số vấn đề về thu thập và sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử trong vụ án hình sự

 | 

Công nghệ đã đem lại rất nhiều lợi ích cho con người, các thiết bị điện tử được sử dụng ở nhiều lĩnh vực và ngày càng trở thành phổ biến, chúng cho phép ghi chép, lưu giữ nhiều sự vật, hiện tượng và hoạt động của con người một cách chi tiết, khách quan. Việc khai thác, sử dụng phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử (kể cả công khai hay bí mật) phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được pháp luật công nhận, vấn đề là chúng ta khai thác, sử dụng thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất.

Dữ liệu điện tử là một trong những nguồn chứng cứ mới được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự trong thời gian vừa qua đã thấy rõ giá trị chứng minh chân thực, khách quan của dữ liệu điện tử, góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, việc thu thập, khai thác, sử dụng nguồn chứng cứ này cần được coi trọng và phải xác định là biện pháp điều tra không thể thiếu trong mỗi vụ án; xin được trao đổi một số nội dung liên quan đến vấn đề này như sau:

1. Về căn cứ pháp lý: Điều 87, Điều 99 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định “dữ liệu điện tử” là một trong các nguồn chứng cứ; dữ liệu điện tử bao gồm:

- Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.

- Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.

- Giá trị chứng minh của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yêu tố phù hợp khác.

2. Về hoạt động thu thập dữ liệu điện tử

- Thứ nhất, việc thu thập, bảo quản phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử thực hiện theo Điều 88, 89, 90, 107 Bộ luật TTHS, theo đó, các phương tiện điện tử liên quan đến tội phạm phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ và niêm phong ngay sau khi thu giữ; trường hợp không thể thu giữ phương tiện điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng và phải lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án; cơ quan có thẩm quyền tố tụng và người bào chữa được quyền thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử.

- Thứ hai, đánh giá sự cần thiết phải thu giữ dữ liệu điện tử: Thông thường, các vụ án xảy ra trên thực tiễn đều để lại dấu vết và quá trình tìm ra dấu vết đó thuộc trách nhiệm của cơ quan tố tụng. Do vậy, các cơ quan tố tụng cần rà soát và thu giữ ngay các phương tiện, dữ liệu điện tử (nếu có) trong mỗi vụ án, tránh để tình trạng hình ảnh, dữ liệu bị trôi theo thời gian và xáo trộn dữ liệu hoặc chủ sở hữu phương tiện điện tử chủ động xóa dữ liệu vì các lý do khác nhau. Đối với một số loại tội phạm như các vụ án về giao thông, cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, đánh bạc dưới hình thức số lô, số đề... thì đây là việc làm rất cần thiết và quan trọng.

- Thứ ba, xác định phương tiện điện tử chứa đựng dữ liệu điện tử: Đây là hoạt động để xác định nguồn gốc của dữ liệu điện tử. Do vậy, chúng ta cần xác định đúng tên gọi, chức năng, thậm chí cả nguồn gốc, xuất sứ của phương tiện điện tử đó khi xem xét thu giữ; khi thu giữ phải mô tả đúng đặc điểm, tên gọi, các thông số kỹ thuật, các hiển thị của phương tiện điện tử tại thời điểm thu giữ. Ví dụ: đối với các vụ án kinh tế, các vụ án sử dụng công nghệ cao là hệ thống máy tính có liên quan đến hành vi phạm tội; đối với các vụ án xâm phạm trật tự xã hội là các thiết bị như điện thoại, thông tin qua tài khoản trên mạng xã hội, mạng viễn thông (thu giữ điện tín), camera an ninh xung quanh hiện trường, tại các điểm vào, ra của hiện trường, hệ thống camera hành trình được lắp đặt trên phương tiện tham gia giao thông… .

- Thứ tư, xác định nguồn gốc phương tiện điện tử và người sở hữu, người sử dụng nó: Đây là hoạt động nhằm xác định chính xác người đã khởi tạo (tạo ra), truyền gửi, lưu trữ dữ liệu điện tử trên phương tiện điện tử; là căn cứ để xác định tính khách quan của dữ liệu điện tử (điều này đặc biệt quan trọng đối với các vụ án đánh bạc dưới hình thức số lô, số đề; các vụ án sử dụng công nghệ cao…); làm rõ quá trình sử dụng phương tiện điện tử của chủ sở hữu, cách thức khởi tạo, cách thức truyền gửi dữ liệu, phương tiện điện tử có cài đặt mật khẩu hay không, việc quản lý phương tiện điện tử… .

3. Về khai thác, sử dụng dữ liệu điện tử

- Thứ nhất, dữ liệu điện tử đã được thu thập phải được khai thác và sử dụng triệt để; áp dụng các biện pháp cần thiết (có thể là giám định) để chuyển hóa thành các tài liệu nghe được, đọc được hoặc nhìn được. Khi xem xét cần xác định thời gian thực tế và thời gian được cài đặt, hiển thị trên phương tiện điện tử đã thu giữ (giờ, ngày, tháng, năm). Đây là yếu tố quan trọng để đối chiếu với các chứng cứ khác, đôi khi có ý nghĩa quyết định để giải quyết vụ việc.

- Thứ hai, trước khi lập biên bản kiểm tra dữ liệu điện tử, cơ quan tố tụng cần yêu cầu người tham gia tố tụng trình bày nội dung sự việc, những điều họ đã nhìn thấy, nghe được, yêu cầu mô tả thời gian, hoàn cảnh, đặc điểm hiện trường, đặc điểm nhận dạng và các đặc điểm riêng biệt khác…bằng biên bản; Biên bản kiểm tra giữ liệu điện tử phải thể hiện rõ phương pháp, cách thức kiểm tra vàphải có đầy đủ các thành phần như chủ sở hữu phương tiện điện tử, người làm chứng, cán bộ kỹ thuật và những người có liên quan.

- Thứ ba, việc sao lưu dữ liệu điện tử kèm theo hồ sơ hoặc in thành tài liệu qua hình ảnh (các vụ án đánh bạc qua tin nhắn điện thoại, zalo…; các hình ảnh qua facebook trong các vụ cưỡng đoạt tài sản, vu khống…) cũng cần nêu rõ phương pháp, kết quả thực hiện và phải lập biên bản, có người làm chứng và ký tên trực tiếp vào các tài liệu đã sao in để đảm bảo tính khách quan. Trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định thì yêu cầu giám định tính nguyên vẹn và nội dung của dữ liệu điện tử (tùy theo yêu cầu chứng minh).

- Thứ tư, nghiên cứu, đối chiếu dữ liệu điện tử với các tài liệu, chứng cứ khác, nhất là lời khai của người tham gia tốtụng, hiện trường, vật chứng; yêu cầu phải xác định các chứng cứ khác trước khi khai thác nội dung của dữ liệu điện tử để bảo đảm tính liên quan và yêu tố khách quan.

4. Một số khó khăn, vướng mắc

- Về việc thu giữ dữ liệu điện tử: Do nhận thức và hiểu biết về phương tiện điện tử của người tiến hành tố tụng còn hạn chế nên việc thu giữ phương tiện, dữ liệu điện tử hiện nay chưa được thống nhất về cách thức tiến hành; việc sao lưu dữ liệu từ phương tiện điện tử này, sang phương tiện điện tử khác (sao lưu từ ổ cứng camera an ninh, máy tính, điện thoại sang USB, đĩa DVD…) đều được thực hiện thủ công mà chưa có thiết bị chuyên dùng nên chất lượng, hiệu quả, tính nguyên vẹn không được bảo đảm, phụ thuộc vào khả năng của người thu giữ; một số trường hợp, khi thu giữ điện thoại, CQĐT không tiến hành niêm phong theo quy định tại điều 107 Bộ luật TTHS. Điều này ảnh hưởng đến tính khách quan và nguyên gốc của dữ liệu, cần phải có hướng dẫn cụ thể.

- Về vấn đề giám định dữ liệu điện tử: Dữ liệu điện tử không thuộc trường hợp bắt buộc phải giám định theo quy định của Bộ luật TTHS dẫn đến việc giám định hay không tùy thuộc vào đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng. Nội dung giám định cũng chỉ yêu cầu xác định tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử mà khó có thể yêu cầu chi tiết các nội dung khác. Trong một số trường hợp, nhìn bằng mắt thường có thể xác định được người, vật trong đoạn video clip, tuy nhiên, khi kết luận giám định, cơ quan giám định lại không khẳng định do không có đặc điểm riêng rõ ràng, đây là vấn đề đã xảy ra nhưng chưa cóbiện pháp giải quyết.

- Về khai thác dữ liệu điện tử: Các cơ quan tố tụng đang gặp nhiều khó khăn khi chuyển hóa những đoạn video clip thành chứng cứ dưới dạng có thể đọc được. Đối với dữ liệu điện tử được thu từ camera an ninh dưới dạng video clip, hiện nay thường sử dụng phương pháp cho người tham gia tố tụng xem trực tiếp để xác định người, vật và các hoạt động diễn ra trong đoạn video clip thu được rồi lập biên bản ghi nhận. Tuy nhiên, hệ thống mẫu tố tụng do Bộ Công an ban hành theo Thông tư 61/2017 lại chưa có mẫu này, dẫn đến việc sử dụng mẫu và cách thức khai thác, xác nhận kết quả không thống nhất. Trong một số trường hợp, người xem có sự thay đổi về kết quả quan sát, điều này rất dễ dẫn đến kết quả nhận định, đánh giá sai lầm. Trong một số trường hợp, dữ liệu điện tử do người tham gia tố tụng tự sao in, giao nộp, tự in hình ảnh, tin nhắn có nội dung liên quan đến vụ án thì giá trị chứng minh thế nào? Biên bản cho người tham gia tố tụng trực tiếp xem hình ảnh, video clip là hoạt động gì trong các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật TTHS (có thể coi là hoạt động nhận dạng hay không?).

- Về năng lực, trình độ, hiểu biết về công nghệ của đa số người tiến hành tố tụng hiện nay còn rất hạn chế; các khái niệm như đường truyền, cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn, yếu tố phù hợp khác… còn chung chung; tính năng, tác dụng của các phương tiện điện tử cùng loại nhưng khác nhà sản xuất cũng không đồng nhất… . Đây cũng là vấn đề cần phải có kế hoạch bồi dưỡng, trang bị các kiến thức cơ bản về công nghệ. Mặt khác, bản thân người tiến hành tố tụng cũng cần tự nghiên cứu, tìm hiểu nguyên lý, đặc điểm, chức năng của một số phương tiện điện tử thông thường, nguyên lý hoạt động của mạng viễn thông, mạng xã hội… để vận dụng khi giải quyết vụ án hình sự.

Trên đây là một số vấn đề về lý luận và thực tiễn qua giải quyết các vụ án hình sự có chứng cứ là dữ liệu điện tử,  xin trao đổi cùng các đồng nghiệp./.

Nguyễn Trường ThọVKSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,462,645
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.219.15.112

    Thư viện ảnh