ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -22:46 PM

Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật thi hành án hình sự năm 2019

 | 

Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020; tuy nhiên trong quá trình thực hiện thấy còn có một số khó khăn, vướng mắc; xin được trao đổi cùng đồng nghiệp.

1. Về thi hành quyết định thi hành án phạt tù

Tại khoản 4 Điều 23 Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định: "…Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt;..."

Theo quy định này thì Cơ quan Thi hành án hình sự (THAHS) cấp tỉnh hoặc cấp quân khu ra quyết định truy nã. Tuy nhiên, Luật THAHS không quy định cụ thể việc Cơ quan THAHS cấp huyện phải xác minh bao nhiêu lần để xác định người bị kết án phạt tù bỏ trốn, trong thời gian bao nhiêu ngày thì Cơ quan THAHS cấp huyện phải có văn bản thông báo đến Tòa án đã ra quyết định thi hành án để Tòa án đề nghị Cơ quan THAHS có thẩm quyền ra quyết định truy nã theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao (Thông tư này hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Luật Thi hành án hình sự năm 2010 về truy nã; đến nay Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã hết hiệu lực thi hành nên cần có Thông tư khác thay thế cho phù hợp với luật hiện hành).

Trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng như Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và Thông tư liên tịch số 13 đều không có khái niệm cụ thể thế nào là bỏ trốn, không quy định cụ thể về thủ tục đối với việc thi hành đối với các trường hợp người bị kết án phạt tù được tại ngoại không có mặt tại địa phương khi đã hết thời hạn 07 ngày phải có mặt tại trụ sở Cơ quan THAHS Công an cấp huyện hoặc Cơ quan THAHS cấp quân khu.

Thực tế hiện nay, một số Cơ quan THAHS cấp huyện có biểu hiện chậm đưa người bị kết án phạt tù được tại ngoại đi chấp hành án với lý do xác minh là người bị kết án đi lao động ngoài nơi cư trú, thường xuyên đi về chứ không phải là bỏ trốn nên không ra văn bản báo cáo Tòa án đã ra quyết định thi hành án để đề nghị Cơ quan THAHS có thẩm quyền ra quyết định truy nã. Cơ quan THAHS cấp huyện trao đổi thông tin cho Viện kiểm sát là Cơ quan THAHS đến nhà người bị kết án thực hiện việc áp giải thi hành án nhưng họ đi làm không có nhà nên chưa đưa người bị kết án đi chấp hành án được. Đối với những trường hợp như trên phần nào gây khó khăn cho Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng kiểm sát như khó ban hành Kiến nghị vì không viện dẫn được quy định pháp luật mà Cơ quan THAHS Công an cấp huyện vi phạm trong việc áp giải thi hành án, Viện kiểm sát chỉ thông qua công tác phối hợp với Cơ quan THAHS cùng cấp để nắm tình hình và đôn đốc thực hiện việc áp giải người bị kết án phạt tù đi chấp hành án.

2. Về thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù

Tại khoản 2 Điều 24 Luật thi hành án hình sự 2019 quy định: " Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định..."

Luật thi hành án hình sự 2019 không có quy định Tòa án sau khi nhận được đơn đề nghi phải xác minh đối với điều kiện hoãn thi hành án của người bị kết án, ngoài ra cũng không có văn bản pháp luật nào quy định Tòa án phải xác minh đối với đơn đề nghị xin hoãn chấp hành án phạt tù dẫn đến có nhiều cách hiểu không đúng, người bị kết án lợi dụng, cố tình nộp đơn vào Tòa án nhằm kéo dài thời gian đi chấp hành án.

Mặt khác, Thông báo của Tòa án gửi Viện kiểm sát cùng cấp chỉ nêu không chấp nhận đơn xin hoãn chấp hành án phạt tù của người bị kết án vì không đủ điều kiện (lý do chung chung). Qua đó Viện kiểm sát gặp khó khăn khi kiểm sát nội dung này.

3. Ý kiến đề xuất

Mặc dù Luật thi hành án hình sự 2019 có hiệu lực từ 01/01/2020, song văn bản pháp luật liên quan cũng chưa có sự thống nhất, đề nghị Liên ngành trung ương hoặc Liên ngành cấp tỉnh có văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Trên đây là một số nội dung trao đổi về khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc thi hành án hình sự, mong nhận được sự nghiên cứu, trao đổi của các đồng nghiệp./.

Thân Mạnh Thắng- VKSND huyện Lục Nam

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,423,704
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.135.190.244

    Thư viện ảnh