Bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp được quy định trong Bộ luật hình sự. Theo đó, căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần thì Viện kiểm sát hoặc Toà án có thể quyết định đưa người phạm tội vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Điều kiện và thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định từ Điều 447 đến Điều 452 Bộ luật tố tụng hình sự.
Trong thực tiễn áp dụng còn thấy một số khó khăn, vướng mắc, vụ việc cụ thể như sau: Hà Văn T không có giấy phép lái xe mô tô theo quy định. Ngày 30/12/2019, T tự ý lấy xe của bố đẻ điều khiển tham gia giao thông sau đó gây tai nạn làm một người chết. Quá trình xác minh làm rõ T có lỗi trong vụ tai nạn. Tuy nhiên, kết luận giám định pháp y tâm thần kết luận tại thời điểm giám định và thời điểm gây tai nạn T bị bệnh chậm phát triển tâm thần nặng, mất khả năng nhận thức và mất khả năng điều khiển hành vi. Như vậy, theo Điều 21 BLHS, T không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vấn đề đặt ra trong vụ việc trên đó là căn cứ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn giải quyết tin báo tội phạm chưa có quy định nào đề cập đến. BLTTHS chỉ quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án phạt tù. Theo đó trong giai đoạn điều tra, truy tố thì VKS áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; trong giai đoạn xét xử và đối với người đang chấp hành án phạt tù thì Tòa án áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trường hợp trong quá trình giải quyết tin báo tội phạm xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị mắc bệnh tâm thần như vụ việc nêu trên thì có được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh không, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng như thế nào.
Từ những phân tích trên, thiết nghĩ cần bổ sung quy định của Bộ luật TTHS hoặc Liên ngành Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm./.
Bùi Việt Hùng- VKSND huyện Lạng Giang