ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -02:13 AM

Tòa án xét xử vụ án vắng mặt bị đơn đúng hay sai?

 | 

Tình huống: Nguyễn Thị M và Nguyễn Văn B (đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường NQ, thành phố BG) kết hôn với nhau năm  2015, có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Trong quá trình chung sống 02 vợ chồng thường xuyên xẩy ra mâu thuẫn và đã sống ly thân từ năm 2018. Từ tháng 5/2019, anh B đã bỏ nhà đi không biết đang ở đâu. Tháng 12/2019, chị M có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân thành phố BG giải quyết cho chị được ly hôn với anh B; chị M yêu cầu được nuôi cả 02 chung, không yêu cầu anh B phải cấp dưỡng nuôi con chung. Tòa án đã thụ lý vụ án để giải quyết theo thẩm quyền. Do anh B không có mặt tại địa chỉ do chị M cung cấp, cho nên Tòa án đã thực hiện thủ tục thông báo, niêm yết công khai các văn bản tố tụng cho anh B theo quy định. Nhưng anh B vẫn không đến Tòa án làm việc, không gửi văn bản thể hiện ý kiến, quan điểm của mình đối với yêu cầu khởi kiện của chị M cho Tòa án. Tháng 02/2020, Tòa án đã mở phiên tòa xét xử vụ án vắng mặt anh B, xử cho chị M được ly hôn anh B; giao cho chị M được nuôi cả 02 con chung.

Trong tình huống nêu trên hiện có 02 quan điểm giải quyết vụ án khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất: Việc Tòa án đưa vụ án ra xét xử là đúng quy định vì Tòa án đã làm các thủ tục thông báo, niêm yết công khai các văn bản tố tụng cho anh B theo đúng quy định và xác định đây là trường hợp cố tình giấu địa chỉ.

Quan điểm thứ hai: Việc Tòa án đưa vụ án ra xét xử là sai quy định. Trong trường hợp này do không xác định được địa chỉ mới của bị đơn đang ở đâu, theo hướng dẫn tại điểm c Điều 6 Nghị quyết số  04/2017/NQ-HĐTPngày 5/5/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án.

Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định: “Xử lý việc ghi địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

1. Trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết này thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện và xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung.

2. Trường hợp sau khi thụ lý vụ án, Tòa án không tống đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì Tòa án giải quyết như sau:

a) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”. Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

b) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức theo hướng dẫn tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị quyết này thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ trụ sở”. Trường hợp cơ quan, tổ chức thay đổi trụ sở mà không công bố công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

c) Trường hợp không thuộc điểm a, b khoản 2 Điều này mà Tòa án đã yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng nguyên đơn không cung cấp được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp Tòa án không xác định được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này”.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng chí./.

Trần Ngọc Nam- Viện KSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,824,289
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:13.59.69.109

    Thư viện ảnh