Các biện pháp tư pháp quy định tại Điều 46 và Điều 47 Bộ luật hình sự quy định về việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm. Còn việc xử lý vật chứng được quy định tại điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Quá trình giải quyết một số vụ án hình sự gặp khó khăn, vước mắc về xử lý vật chứng là tài sải phát sinh trong thời kỳ hôn nhân.
Nội dung vụ án: Từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 9 năm 2019, Nguyễn Văn A đã 02 lần điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 20A - 701.00 từ thành phố HN đến địa bàn tỉnh BG để trộm cắp tài sản. A bị khởi tố, truy tố về tội trộm cắp tài sản. Chiếc xe ô tô trên đăng ký năm 2016 và mang tên chị Nguyễn Thị H là vợ A. Quá trình điều tra, chị H khai chiếc xe là của cá nhân, gia đình có hai chiếc xe một chiếc là của A còn chiếc xe đang bị công an tạm giữ là của chị H được mua trong thời kỳ hôn nhân nhưng là nguồn tiền của cá nhân chị. Việc A sử dụng làm phương tiện đi trộm cắp tài sản thì chị không biết đến nay chị đề nghị trả lại chiếc xe cho chị để sử dụng. Nguyễn Văn A khai nhận có đóng góp một phần nhỏ để mua chiếc xe này.
Trong vụ án này, Nguyễn Văn A đã 02 lần sử dụng chiếc xe ô tô nhãn hiệu LEXUS biển kiểm soát 20A - 701.00 dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội do đó là vật chứng của vụ án. Việc xử lý chiếc xe thu giữ của Nguyễn Văn A, tại đơn vị có nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Tịch thu, nộp ngân sách nhà nước ½ giá trị chiếc xe tại thời điểm Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức bán đấu giá thành. Vì chiếc xe là tài sản chung của vợ chồng (Tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân) nên mỗi người có quyền sở hữu ½ giá trị chiếc xe. Do đó cần tịch thu nộp ngân sách nhà nước phần A được hưởng tại thời điểm bán đấu giá thành và trả lại chị H phần giá trị tài sản chị H được hưởng.
Quan điểm thứ hai: Tịch thu, nộp ngân sách nhà nước chiếc xe ô tô biển kiểm soát 20A - 701.00. Vì A dùng làm công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm nên theo điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015 và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì phải tịch thu, nộp ngân sách nhà nước chiếc xe này. Tuy chiếc xe này là tài sản chung của vợ chồng A và chị H (đây là tài sản chung chưa chia trong thời kỳ hôn nhân). Mặt khác tài sản này chưa có quyết định hay văn bản nào có hiệu lực pháp luật thể hiện rằng A được ½ giá trị chiếc xe và chị H được ½ giá trị chiếc xe (Chưa xác định được A được được hưởng bao nhiêu % giá trị chiếc xe khi chia tài sản chung của vợ chồng). Do đó không thể khẳng định A được hưởng ½ giá trị chiếc xe. Đối với quyền lợi của chị H thì có thể khởi kiện yêu cầu A trả lại phần giá trị chiếc xe chị H được hưởng theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự vì A hoàn toàn có lỗi.
Quan điểm thư ba cũng là quan điểm của tác giả: Trả lại chị Nguyễn Thị H chiếc xe ô tô biển kiểm soát 20A - 701.00
Vì chị H là chủ sở hữu và là người quản lý hợp pháp chiếc xe này mặc dù tài sản là chiếc xe được hình thành trong thời kỳ hôn nhân (là tài sản chung). Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì khi chia tài sản chung cần tính đến nhiều yêu tố như công sức đóng góp vào việc tạo lập lên khối tài sản đó... Quá trình điều tra chị H khẳng định đây là tài sản riêng của chị H được chị H mua năm 2016 vì thế mới đứng tên đăng ký chủ sở hữu chiếc xe. Việc Nguyễn Văn A sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội chị không biết. Như vậy, theo điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định "Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án".
Rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi ý kiến của các đồng nghiệp./.
Nông Văn Hội-VKSND huyện Yên Thế