Giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một khâu công tác quan trọng của Viện kiểm sát. Thực hiện tốt việc phân loại, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên đồng thời làm hạn chế việc công dân khiếu kiện bức xúc, kéo dài.
Năm 2019, Phòng 2 VKSND tỉnh Bắc Giang tiếp nhận 154 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, tăng 23 đơn so với năm 2018. Đơn vị đã tham mưu Lãnh đạo xử lý 152 đơn, tỷ lệ giải quyết 98%. Trong đó ban hành 25 quyết định giải quyết, 01 quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại do người khiếu nại rút đơn; còn lại là xử lý bằng các hình thức khác như báo cáo VKSND tối cao, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy; ban hành văn bản thông báo cho các cơ quan chuyển đơn như Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về kết quả giải quyết hoặc chuyển cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền.
Thông qua giải quyết những đơn thuộc thẩm quyền thấy chủ yếu là khiếu nại các quyết định tố tụng hoặc quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện. Trong đó có nhiều đơn khiếu nại có tính chất phức tạp như: Đơn của bà Lương Thị T, ông Thân Văn T (thành phố Bắc Giang); ông Phùng Văn S, Thân Văn C (Việt Yên); ông Hà Văn T (Hiệp Hòa); bà Nghiêm Thị M, Nguyễn Thị X, ông Nguyễn Nhật L, Đặng Mạnh H (Lạng Giang),ông Đặng Ngọc T (Yên Dũng); bà Đặng Thị X, ông Trương Văn L (Công an tỉnh Bắc Giang)...
Đã tham mưu, đề xuất giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra việc công dân sau khi được giải quyết khiếu nại tiếp tục có đơn khiếu nại vượt cấp, bức xúc, kéo dài. Thông qua giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền đã ban hành 01 kiến nghị Cơ quan điều tra cấp huyện về vi phạm, thiếu sót trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và ban hành 01 văn bản Thông báo rút kinh nghiệm đối với Viện kiểm sát cấp huyện.
Đạt được những kết quả nêu trên là do một số nguyên nhân như: Đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và sát sao của Lãnh đạo VKSND tỉnh Bắc Giang đối với công tác này; mỗi cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị luôn nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp trong công tác giải quyết đơn khiếu nại; các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện luôn phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ…
Từ thực tiễn giải quyết các đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền trong thời gian qua, đơn vị rút ra một số bài học kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo như sau:
- Trước hết, mỗi Kiểm sát viên cần xác định việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ quan trọng, cần chú trọng để ưu tiên giải quyết và phải làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất; tuyệt đối không được làm một cách qua loa, cẩu thả hoặc làm không có tinh thần trách nhiệm. Kết quả đề xuất, tham mưu giải quyết đơn khiếu nại của Kiểm sát viên là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá phân loại cán bộ và bình xét thi đua hàng năm.
- Thực hiện nghiêm túc Quy chế số 51 ngày 02/02/2016 của Viện KSND tối cao; Thông tư liên tịch số 02 ngày 05/9/2018 của Liên ngành Trung ương quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo đồng thời phải tích cực, chủ động nghiên cứu những quy định của pháp luật và những văn bản liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo để tham mưu, đề xuất giải quyết đảm bảo có căn cứ. Những trường hợp có tính chất phức tạp, có khó khăn, vướng mắc về nhận thức và áp dụng pháp luật thì cần đưa ra trao đổi, thảo luận kỹ trong đơn vị trước khi đề xuất giải quyết.
- Lãnh đạo Phòng phải trực tiếp nghiên cứu kỹ nội dung đơn khiếu nại, tố cáo. Căn cứ tính chất vụ việc để phân công cho Kiểm sát viên cho phù hợp nhằm phát huy tối đa năng lực và sở trường của mỗi Kiểm sát viên; đối với những đơn khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp, nhạy cảm, được báo chí và dư luận xã hội quan tâm thì Lãnh đạo Phòng trực tiếp nghiên cứu, đề xuất giải quyết.
- Đối với những đơn khiếu nại quyết định giải quyết của Viện kiểm sát cấp huyện, Lãnh đạo Phòng cần trao đổi trực tiếp với Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện về nội dung khiếu nại; đề nghị phối hợp, sớm chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan để nghiên cứu, giải quyết. Trường hợp cần thiết thì mời Kiểm sát viên được phân công thụ lý, kiểm sát giải quyết cùng trao đổi, làm rõ thêm thông tin cần thiết trước khi đề xuất hướng giải quyết.
- Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc và đầy đủ các tình tiết vụ việc. Đối với những trường hợp do Cơ quan điều tra xác minh, điều tra chưa đầy đủ, còn có mâu thuẫn thì phải có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung làm căn cứ giải quyết. Những vụ việc phức tạp cần nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá nên chưa thể giải quyết ngay thì phải có văn bản thông báo cho người có đơn khiếu nại, tố cáo biết để chờ kết quả giải quyết.
- Phải chú trọng nâng cao hiệu quả đối thoại: Kiểm sát viên cần chuẩn bị kỹ nội dung trước khi tiến hành đối thoại và cần xác định đây là nhiệm vụ bắt buộc, khi tiến hành đối thoại phải có thái độ xử sự đúng mực và tôn trọng công dân. Thực tiễn cho thấy nếu đối thoại đạt kết quả tốt thì có thể người khiếu nại sẽ rút đơn hoặc làm giảm căng thẳng, mâu thuẫn và giúp họ hiểu hơn về nhưng quy định của pháp luật liên quan đến nội dung khiếu nại.
Thông qua đối thoại, trường hợp người có đơn cung cấp những tài liệu, chứng cứ mới hoặc đề nghị điều tra, xác minh làm rõ thêm những nội dung, tình tiết quan trọng, có ý nghĩa hoặc có những kiến nghị, phản ánh chính đáng thì cần ghi nhận đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi giải quyếtnhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật, tránh việc công dân có đơn khiếu kiện bức xúc, kéo dài.
- Kiểm sát viên khi soạn thảo ban hành dự thảo quyết định, kết luận giải quyết phải hết sức thận trọng, cẩn thận; chỉ nên khẳng định, kết luận những nội dung đã có cơ sở chắc chắn và có đầy đủ căn cứ, không nên nêu những nội dung dài dòng, không cần thiết, không liên quan; phải rà soát, kiểm tra văn bản và tuyệt đối không để xảy ra sai sót không đáng có như lỗi về kỹ thuật, chính tả, các thông tin liên quan đến người có đơn (họ tên, địa chỉ, năm sinh..). Lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp kiểm tra, chỉnh sửa văn bản trước khi báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Viện duyệt và ký ban hành.
- Thông qua nghiên cứu, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo nếu phát hiện có vi phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết nguồn tin tội phạm, điều tra xác minh hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo thì cần ban hành văn bản kiến nghị để yêu cầu khắc phục và phòng ngừa vi phạm./.
Nguyễn Ngọc Cường- Phòng 2 VKSND tỉnh Bắc Giang