Qua nghiên cứu bài viết của tác giả Trần Văn Mạnh - VKSND huyện Lạng Giang đăng trên trang điện tử VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 04/11/2019, tôi có quan điểm như sau:
Thứ nhất, về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Tôi nhất trí với quan điểm thứ hai - Nguyễn Văn A phạm tội theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 260 BLHS. Bởi lẽ: A và Công ty Hà Nam đã ký kết hợp đồng lao động với nhau. Do vậy vào thời điểm xảy ra vụ việc, A đang được chủ sử dụng lao động giao tài sản để thực hiện nhiệm vụ, nghĩa vụ hợp đồng đã ký kết.
Xe ô tô đầu kéo là tài sản của công ty, do công ty là chủ sở hữu nhưng vào thời điểm xảy ra tai nạn, xe ô tô đang được công ty giao cho A quản lý, sử dụng, khai thác theo yêu cầu của công ty. Do vậy, thiệt hại mà A gây ra cho xe ô tô của công ty là quan hệ dân sự giữa người lao động và người sử dụng lao động, không thể hình sự hóa quan hệ dân sự này và tính giá trị bị thiệt hại đối với xe ô tô vào tổng giá trị thiệt hại để xử lý hình sự đối với A.
Giả sử trường hợp A không gây tai nạn mà tự mình làm hư hỏng xe thì cũng không thể xử lý hình sự đối với A, mà phía công ty chỉ có thể yêu cầu A bồi thường thiệt hại dân sự.
Thứ hai, về trách nhiệm bồi thường dân sự:
Trong trường hợp công ty Hà Nam có tư cách pháp nhân, thì căn cứ theo quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
Hoặc trường hợp công ty không có tư cách pháp nhân, thì căn cứ theo quy định tại Điều 600 Bộ luật dân sự 2015: “Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, trong trường hợp này phía Công ty Hà Nam có trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại là ngành đường sắt khoản tiền sửa chữa đầu máy D9E-214 của tàu, kết cấu, thiết bị, phụ kiện công trình giao thông đường sắt với tổng số tiền là 496.000.000đ.
Sau đó, công ty Hà Nam có quyền yêu cầu A bồi thường cho công ty một khoản tiền gồm tài sản ô tô bị hư hỏng, khoản tiền mà công ty đã bồi thường cho ngành đường sắt và các chi phí khác theo quy định. Nếu A không hoàn trả lại thiệt hại cho công ty thì có thể khởi kiện ra Tòa để yêu cầu bồi hoàn.
Đối với phía Công ty Bảo hiểm Bưu điện: Do trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ việc này thuộc về công ty Hà Nam nên không đặt ra xem xét trách nhiệm của công ty bảo hiểm Bưu điện khi xét xử vụ việc này.
Việc Công ty bảo hiểm bồi thường cho công ty Hà Nam như thế nào phụ thuộc vào hợp đồng đã ký kết giữa hai công ty và chính sách bảo hiểm. Do vậy, công ty Hà Nam có thể yêu cầu phía công ty bảo hiểm chi trả, hoặc khởi kiện một vụ án dân sự khác. Không xem xét xử lý cùng trong vụ việc nêu trên./.
Nguyễn Khắc Tú- VKS huyện Lục Ngạn