ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -08:41 AM

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác kháng nghị, kiến nghị của Viện VKSND trong kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính

 | 

I. Các quy định của pháp luật về kháng nghị, kiến nghị trong kiểm sát THADS, THAHC:

Kháng nghị, kiến nghị là một trong nhiều nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính nói riêng; được quy định tại các điều 5, điều 28 và điều 30 (trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp) của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; các điều 12, điều 64 (kháng nghị quyết định của Tòa án về miễn giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước), điều 160, điều 161 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật THADS 2014).

Để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị tại Quy chế công tác kiểm sát THADS, HC ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ - VKSTC - V11 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao có quy định kỹ năng thực hiện quyền hạn này tại các Điều 34, điều 35 và điều 36 (kháng nghị phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án trong việc xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước).

1. Về kháng nghị:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5; Khoản 8 Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm phải kháng nghị đối với những hành vi và quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cơ quan và người có thẩm quyền phải giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 160 và Điều 161 Luật THADS năm 2014, thời hạn kháng nghị của VKSND cùng cấp là 15 ngày, của VKSND cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị, Thủ trưởng Cơ quan THADS phải trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát; trường hợp chấp nhận kháng nghị thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản trả lời kháng nghị, Thủ trưởng Cơ quan THADS phải thực hiện kháng nghị. Trong trường hợp không nhất trí với kháng nghị thì Thủ trưởng Cơ quan THADS phải báo cáo với Thủ trưởng Cơ quan THADS (hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự) cấp trên và VKSND cấp trên. Cơ quan THADS cấp trên phải xem xét, trả lời trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo.

Việc kháng nghị quyết định của Tòa án về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật THADS năm 2014, thời hạn kháng nghị của VKSND cùng cấp là 07 ngày, của VKSND cấp trên trực tiếp là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.

Như vậy, việc thực hiện tốt quyền kháng nghị trong kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và trong kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự nói riêng phản ánh tinh thần trách nhiệm cao của Viện KSND và Kiểm sát viên khi ban hành kháng nghị trong việc phát hiện được vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động thi hành án, thể hiện thái độ kiên quyết để yêu cầu khắc phục vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

2. Về kiến nghị:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5; Khoản 7 Điều 28 Luật Tổ chức VKSND 2014, trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng, không thuộc trường hợp kháng nghị thì VKSND kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, trả lời kiến nghị của VKSND theo quy định của pháp luật.

Theo điểm đ khoản 2 Điều 12 Luật THADS 2014 quy định: Khi kiểm sát THADS, VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn kiến nghị xem xét hành vi, quyết định liên quan đến thi hành án có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của Tòa án, cơ quan THADS cùng cấp hoặc cấp dưới yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm; kiến nghị cơ quan, tổ chức liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa.

Riêng đối với hoạt động kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động THADS (là một nội dung của công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp) theo Điều 30 Luật Tổ chức VKSND 2014 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, VKSND thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Theo Điều 159 Luật THADS 2014 quy định: Viện KSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS theo quy định của pháp luật. VKSND có kiến nghị đối với Cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật. Ngoài ra, để thực hiện quyền hạn kiến nghị trong kiểm sát THADS, cần tuân thủ quy định tại Quy chế 810/QĐ - VKSTC - V11 ngày 20/12/2016 và Quy chế về kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện trưởng VKSND tối cao.

Ngoài những quy định nêu trên về kháng nghị, kiến nghị của VKSND trong kiểm sát THADS và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS; theo Điều 315 Luật Tố tụng hành chính có quy định: “Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án (về vụ án hành chính), bảo đảm việc thi hành bản án, quyết định kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật. Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thi hành án hành chính và cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức phải chấp hành bản án, quyết định của Tòa án để có biện pháp tổ chức thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án”. Theo quy định này, khi kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (trừ trường hợp thi hành phần về tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính), VKSND có quyền kiến nghị mà không có quyền kháng nghị.

II. Thực trạng công tác kháng nghị, kiến nghị của Viện KSND tỉnh Bắc Giang (2 cấp) trong công tác kiểm sát THADS, THAHC (Thời điểm từ ngày 01/12/2017 đến 31/5/2019)

1. Về kháng nghị trong công tác kiểm sát THADS

1.1. Tổng số bản kháng nghị VKS 2 cấp ban hành:16 kháng nghị.

1.1.1. Số bản kháng nghị đối với TAND: 03 kháng nghị.

Phòng 11- Viện KSND tỉnh đã ban hành 03 kháng nghị đối với TAND cấp huyện đều về việc ra quyết định miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước (TAND huyện Tân Yên 02 kháng nghị; TAND thành phố Bắc Giang 01 kháng nghị).

1.1.2. Số bản kháng nghị đối với cơ quan THADS: 13 kháng nghị.

- Phòng 11 Viện KSND tỉnh ban hành 10 kháng nghị.

          + 03 kháng nghị đối với Chi cục thi hành án dân sự huyện Yên Thế yêu cầu hủy 02 quyết định đình chỉ thi hành án; 01 quyết định tiếp tục thi hành án ra chưa đảm bảo theo quy định.

          + 03 kháng nghị đối với Chi cục thi hành án dân sự thành phố Bắc Giang yêu cầu hủy 03 quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án ra chưa đảm bảo theo quy định.

          + 01 kháng nghị đối với Chi cục THADS huyện Lục Ngạn yêu cầu hủy quyết định về việc đình chỉ thi hành án;

          + 01 kháng nghị đối với Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa yêu cầu thu hồi quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính;

+ 02 kháng nghị đối với Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa yêu cầu hủy quyết định về việc về việc chưa có điều kiện thi hành án.

           - Viện KSND cấp huyện ban hành 03kháng nghị đối với Chi cục thi hành án dân sự cùng cấp yêu cầu thu hồi các quyết định thi hành án (Viện KSND các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang và Yên Dũng mỗi đơn vị đã ban hành 01 kháng nghị).

1.2. Tổng số bản kháng nghị đã được chấp nhận toàn bộ: 16, trong đó:

1.2.1. Số lượng bản kháng nghị đối với Tòa án: 03 kháng nghị.

1.2.2. Số lượng bản kháng nghị đối với Cơ quan THADS: 13 kháng nghị.

1.3.Việc chấp hành các kháng nghị của Viện kiểm sát: Kháng nghị của Viện kiểm sát đều được TAND tỉnh Bắc Giang và cơ quan thi hành án dân sự chấp nhận. TAND tỉnh đã mở phiên họp xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hủy Quyết định miễn, giảm thi hành án của TAND cấp huyện, đồng thời chuyển hồ sơ cho Chi cục thi hành án dân sự huyện để tiếp tục tổ chức thi hành án; Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự các huyện, thành phố đã ban hành quyết định hủy, thu hồi các quyết định thi hành án và chỉ đạo tổ chức việc thi hành án theo quy định.

2. Về kiến nghị trong công tác kiểm sát THADS

2.1. Tổng số bản kiến nghị đã được VKS 2 cấp ban hành: 125 kiến nghị (Phòng 11 Viện KSND tỉnh ban hành 29 kiến nghị; Viện KSND cấp huyện cấp huyện ban hành: 96 kiến nghị); trong đó:

2.1.1. Số lượng bản kiến nghị trong công tác kiểm sát THADS: 125 kiến nghị.

Kiến nghị thông qua các cuộc trực tiếp kiểm sát: Viện KSND 2 cấp ban hành 52 kiến nghị sau các cuộc trực tiếp kiểm sát đối với cơ quan THADS yêu cầu sửa chữa khắc phục những vi phạm đã phát hiện.

+ Phòng 11 Viện KSND tỉnhban hành 09 kiến nghị; trong đó 01 kiến nghị đối với Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang và 08 kiến nghị đối với Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện.

+ Viện KSND cấp huyện ban hành 43 kiến nghị đối với Chi cục THADS cùng cấp.

Kiến nghị trong công tác kiểm sát THADS thường xuyên (không thông qua các cuộc trực tiếp kiểm sát): Viện KSND 2 cấp ban hành 41 kiến nghị.

+ Kiến nghị đối với Cơ quan THADS: 26 kiến nghị;

.  Phòng 11 Viện KSND tỉnhban hành 03 kiến nghị đối với Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện vi phạm trong việc lập hồ sơ xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; việc ký hợp đồng và thanh toán tiền chi phí đấu giá tài sản thi hành án.

. Viện KSND cấp huyện ban hành 23 kiến nghị đối với Chi cục thi hành án dân sự cùng cấp vi phạm về việc phân loại, xác minh điều kiện thi hành án cảu đương sự;  việc ra các quyết định thi hành án chưa đảm bảo và vi phạm trong việc lập hồ sơ xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

         + Kiến nghị đối với Tòa án: 15 kiến nghị;

. Phòng 11 Viện KSND tỉnhban hành 05 kiến nghị đối với TAND cấp huyện vi phạm trong việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án;

. Viện KSND cấp huyện ban hành 10 kiến nghị đối với TAND cùng cấp vi phạm trong việc chuyển giao bản án, quyết định cho Chi cục THADS cùng cấp và vi phạm trong việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

- Kiến nghị phòng ngừa: Viện KSND 2 cấp ban hành 32 kiến nghị.

+ Phòng 11 Viện KSND tỉnh đã ban hành 12 kiến nghị đối với Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh; Chánh án TAND tỉnh; Giám đốc Sở tư pháp tỉnh; Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank Việt Nam; Chủ tịch UBND các huyện Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn, Hiệp Hoà, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang về một số vi phạm trong công tác thi hành án dân sự.

+ Viện KSND cấp huyện ban hành 20 kiến nghị đối với Chủ tịch UBND các huyện (xã); Giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện; các tổ chức tín dụng Ngân hàng... về một số vi phạm trong công tác thi hành án dân sự.

2.1.2. Số lượng bản kiến nghị trong công tác kiểm sát THAHC: 0 bản.

2.2. Tổng số bản kiến nghị đã được chấp nhận toàn bộ:125 kiến nghị, trong đó:

+ Số lượng bản kiến nghị trong công tác kiểm sát THADS: 125.

+ Số lượng bản kiến nghị trong công tác kiểm sát THAHC: 0.

2.3. Việc chấp hành các kiến nghị của Viện kiểm sát: Sau khi nhận được kiến nghị của Viện KSND 2 cấp, Tòa án; Cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức có liên quan đã tiếp thu sửa chữa, thực hiện kịp thời, nghiêm túc,đầy đủ nội dung các kiến nghị của Viện kiểm sát (100%).

3. Các dạng vi phạm điển hình của cơ quan THADS, TAND, các cơ quan, tổ chức có liên quan được nêu trong các kháng nghị, kiến nghị như:

3.1. Vi phạm của Toà án nhân dân: Tập trung ở hai dạng vi phạm sau.

- Vi phạm về việc không chuyển và chậm chuyển giao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đến Cơ quan THADS theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.

- Vi phạm trong việc xét miễn, giảm và ban hành quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án các khoản nộp ngân sách Nhà nước…như không đủ điều kiện để được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 61 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014.

1.2. Vi phạm của Cơ quan THADS trong công tác THADS, THAHC:

Quá trình thực hiện công tác kiểm sát, Viện kiểm sát đã phát hiện một số dạng vi phạm cơ bản như sau:

- Quyết định về thi hành án ban hành nội dung của quyết định thi hành án chưa đầy đủ, chưa chính xác so với bản án, quyết định của Tòa án.

- Việc thi hành án có điều kiện nhưng cơ quan THADS xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành; Việc thi hành án có điều kiện thi hành án, đương sự không tự nguyện thi hành nhưng Cơ quan THADS chậm hoặc chưa ra quyết định cưỡng chế để xử lý tài sản; áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án không có căn cứ, trái pháp luật;  Khi kê biên quyền sử dụng đất, Chấp hành viên không tổ chức xác minh đầy đủ, cụ thể tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, xác minh thực tế diện tích và thực trạng đất; để hồ sơ nhiều năm không tổ chức thi hành án; chậm nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.....

1.3 Vi phạm, thiếu sót chủ yếu của các cơ quan, tổ chức liên quan đai trong công tác THADS như UBND các xã, phường; phòng Tài chính kế hoạch UBNDvà Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố:

- Một số UBND xã, phường đã cung cấp không đầy đủ các thông tin về tài sản của người phải thi hành án cho Chấp hành viên Cơ quan thi hành án dân sự khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án dẫn đến việc cơ quan thi hành án dân sự đã ra các quyết định về thi hành chưa đảm bảo theo quy định tại  Điều 175 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 và  Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 62/NĐ - CP ngày 18/7/2015 của Chính Phủ.

Một số phòng Tài chính kế hoạch UBND các huyện, thành phố  có việc xử lý tài sản, bán tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu đã nhận bàn giao của cơ quan thi hành án dân sự còn chậm hoặc chưa  xử lý đã gây khó khăn trong việc quản lý bảo quản tài sản; làm giảm giá trị tài sản bị tịch thu sung công; chưa thực hiện đúng theo quy định tại Điều 23, Điều 24, Điều 25 Nghị định số 29/2014/NĐ - CP ngày 10/4/2014; Điều 18, Điều 19, Điều 20 Nghị định số 29/2014/NĐ - CP ngày 05/3/2018 của Chính Phủquy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

- Một số Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, thành phố có tình trạng chậm cung cấp thông tin và cung cấp thông tin không đúng, không đầy đủ về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án đã thực hiện chưa nghiêm túc và đầy đủ theo quy định tại điểm b Khoản 6; Khoản 7  Điều 44 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.

III. Đánh giá công tác thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị trong công tác kiểm sát THADS, THAHC.

 1. Ưu điểm

- Việc ban hành kiến nghị, kháng nghị trong thời gian từ năm 2017 cho đến nay đã được các đơn vị quan tâm đúng mức, chất lượng kiến nghị, kháng nghị ngày càng được nâng lên; Các kiến nghị, kháng nghị được cơ quan thi hành án dân sự, TAND và các cơ quan, tổ chức có liên quan đều chấp nhận, khắc phục vi phạm. Về cơ bản kiến nghị, kháng nghịcủa VKSND hai cấp bảo đảm về nội dung, hình thức văn bản. Nhiều bản kiến nghị, kháng nghịđã chỉ rõ những vi phạm pháp luật, nguyên nhân và trách nhiệm của Tòa án; Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên; cơ quan, tổ chức có liên quan…vi phạm điều luật nào và viện dẫn điều luật cụ thể để làm rõ vi phạm trong việc thi hành án; nêu rõ yêu cầu như: Yêu cầu hủy, thu hồi quyết định thi hành án, quyết định có vi phạm pháp luật, yêu cầu khắc phục vi phạm... Các kiến nghị, kháng nghịban hành kịp thời và được gửi đầy đủ, đảm bảo về thời gian cho các đối tượng theo đúng quy định (cho đối tượng bị kháng nghị, kiến nghị; cơ quan chủ quản cấp trên của đơn vị bị kháng nghị, kiến nghị và gửi cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp). Sau kiến nghị, kháng nghị đơn vị đã chú trọng theo dõi đến công tác thực hiện, khắc phục vi phạm của các đơn vị có vi phạm (phúc tra việc thực hiện 100%).

- Lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ được phân công trong khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự đã chú trọng kiểm sát chặt chẽ việc ra quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, đặc biệt là quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Trong quá trình kiểm sát đã nghiên cứu kỹ hồ sơ thi hành án; bám sát Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014; các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự của ngành đã phát hiệnviệc cơ quan thi hành án dân sự có vi phạm đãban hành kháng nghị, kiến nghị kịp thời.

2. Tồn tại, hạn chế

Trong thực tiễn còn có đơn vị chưa nhận thức và quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm sát THADS, THAHC nên việc ban hành kiến nghị, kháng nghị về số lượng ban hành còn ít; một số kiến nghị còn chưa bảo đảm về hình thức văn bản như chưa sử dụng đúng mẫu của VKSND tối cao quy định, chưa đánh giá nguyên nhân dẫn đến vi phạm, phần nơi nhận chưa gửi cơ quan cấp trên của đơn vị bị kiến nghị theo Quy chế Công tác kiểm sát THADS; Về nội dung kiến nghị chưa nêu cụ thể các vi phạm, nguyên nhân điều kiện vi phạm, viện dẫn căn cứ pháp luật chưa chính xác…..Việc bố trí Kiểm sát viên, cán bộ làm công tác kiểm sát chưa đủ lực lượng, thiếu ổn định, hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Kiểm sát viên và Lãnh đạo đơn vị còn thiếu kiên quyết trong phát hiện vi phạm để ban hành kiến nghị, kháng nghị, giữ thái độ “dĩ hòa vi quý” trong công tác.

3. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

3.1. Nguyên nhân chủ quan

- Cán bộ, Kiểm sát viên chưa nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật và Quy chế nghiệp vụ trong Ngành khi đề xuất kháng nghị, kiến nghị; chưa đối chiếu các quy định của pháp luật đối với vi phạm có liên quan nên viện dẫn điều luật không liên quan đến vi phạm hoặc chưa viện dẫn đúng điều luật để làm rõ vi phạm hoặc có dẫn chứng nhưng không đúng trọng tâm. Quá trình thực hiện nhiệm vụ có việc còn ngại va chạm, nể nang dẫn đến số lượng các bản kiến nghị, kháng nghị còn ít so với những vi phạm thực tế xẩy ra.

3.2. Nguyên nhân khách quan

- Số lượng việc thi hành án dân sự phát sinh ngày càng nhiều, đòi hỏi công tác kiểm sát thi hành án phải được tăng cường, song thực tế số lượng cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự còn thiếu, đa số VKSND cấp huyện cán bộ, Kiểm sát viên kiêm nhiệm làm công tác kiểm sát THADS với công tác kiểm sát khác; một số Lãnh đạo VKSND cấp huyện chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ về công tác này.

- Sự phối hợp công tác giữa các Ngành có lúc, có việc còn chưa được kịp thời.

4. Về khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những thuận lợi, công tác kiểm sát thi hành án còn có những khó khăn đó là: Số việc thi hành án còn tồn đọng từ nhiều năm cũ chuyển sang thuộc loại án khó thi hành hoặc án đang thụ lý giải quyết có tính chất phức tạp, trong khi đó số mới thụ lý ngày càng tăng, tính chất, mức độ vi phạm đa dạng trên nhiều lĩnh vực nhưng biên chế cán bộ, kiểm sát viên thực hiện công tác kiểm sát THADS, THAHC còn thiếu nên chất lượng, hiệu quả công tác Kiểm sát THADS, THAHC còn hạn chế; kỹ năng phát hiện vi phạm pháp luật chưa cao hoặc khi phát hiện vi phạm thì thiếu kiên quyết yêu cầu khắc phục sửa chữa triệt để, chưa áp dụng đầy đủ các phương thức kiểm sát, nội dung kiểm sát thiếu cụ thể, chưa tập trung vào kiểm sát thường xuyên ở lĩnh vực thường xảy ra vi phạm.

Đối tượng bị kiểm sát thường xuyên có những đối phó, dấu các vi phạm nên cũng gây không ít những khó khăn cho công tác kiểm sát, phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục.

Một số nội dung của pháp luật về THADS, THAHC còn chung chung, thiếu đồng bộ nên đã gây khó khăn cho VKS thực hiện quyền năng của mình như thành phần tham gia kê biên tài sản là nhà, đất và các tài sản khác, Kiểm sát viên có buộc tham gia thành phần kê biên không….

5.Một số giải pháp nâng cao chất lượng kháng nghị, kiến nghị

5.1. Cần quan tâm bố trí hợp lý về số lượng, chất lượng cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS, THAHC của VKSND cấp huyện đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ.

5.2. Thực hiện nghiêm túc Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quy định tại Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ- VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm trahướng dẫn nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệmvà bồi dưỡng kỹ năng công tác kiểm sát THADS, hành chính nói chung cho cán bộ, Kiểm sát viên cũng như kinh nghiệm và kỹ năng ban hành kháng nghị, kiến nghị.

5.3.Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao và có biện pháp để kịp thời phát hiện vi phạm, phát hiện đầy đủ và đề xuất kháng nghị hoặc kiến nghị; Lãnh đạo đơn vị phải có thái độ kiên quyết với vi phạm. Trên cơ sở đánh giá tính chất mức độ vi phạm, các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn ở địa phương để quyết định việc kháng nghị, kiến nghị. Việc xác định vi phạm để kháng nghị hoặc kiến nghị phải rõ ràng, có đủ cơ sở pháp lý; không nên kháng nghị hoặc kiến nghị với vi phạm mà quan điểm nhận thức pháp luật chưa rõ.

Trên đây là một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kháng nghị, kiến nghị của Viện VKSND trong kiểm sát THADS, THAHC. Rất mong nhận được các ý kiến tham gia của các đồng chí trong ngành cùng trao đổi, chia sẻ có thêm nhiều kinh nghiệm để công tác kháng nghị, kiến nghị trong kiểm sát THADS, THAHC đạt hiệu quảcao hơn./.

Nguyễn Thị Thủy- Phòng 11

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,828,634
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.225.117.89

    Thư viện ảnh