Từ thực tiễn hoạt động trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang (Phòng 11) tổng hợp và rút ra một số kinh nghiệm, giải pháp sau đây nhằm nâng cao chất lượng công tác trực tiếp kiểm sát THADS để các đơn vị tham khảo, thực hiện:
1. Về giải pháp:
- Cần nghiên cứu kỹ, nắm chắc và bám sát Quy chế Công tác kiểm sát Thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao);Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Nghị định số: 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Ngị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết địnhcủa Tòa án và các văn bản pháp luật khác về Thi hành án dân sự để nắm rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát trong công tác Thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
- Khi phân công kiểm sát viên, cán bộ làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính cần có tính ổn định; trường hợp luân chuyển, thay đổi vị trí, bộ phận công tác cần lựa chọn có tính kế thừa để bảo đảm người có kinh nghiệm truyền đạt, hướng dẫn người mới thực hiện nhiệm vụ, tránh trường hợp cả lãnh đạo phụ trách và kiểm sát viên, cán bộ đều mới dẫn đến mất nhiều thời gian tìm hiểu tích lũy kinh nghiệm. Khi tiến hành trực tiếp kiểm sát, Lãnh đạo đơn vị cần chỉ đạo kiểm sát toàn diện các nội dung thi hành án nhằm phát hiện vi phạm của cơ quan thi hành án và tồn tại của cán bộ, kiểm sát viên trong hoạt động kiểm sát trực tiếp kiểm sát thi hành án.
- Đối với cán bộ, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, niềm say mê, nhiệt huyết với công việc được giao; có phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả.
2. Một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng, hiệu quả trực tiếp kiểm sát tại cơ quan THADS
- Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trực tiếp kiểm sát tại cơ quan THADS, hàng năm các đơn vị phải mở đầy đủ các loại sổ sách, ghi chép các loại quyết định của Cơ quan thi hành án; nắm chắc số việc, số tiền phải thi hành; kiểm sát chặt chẽ việc phân loại việc điều kiện thi hành án, cưỡng chế thi hành án; kiểm sát hoạt động thi hành án của các Chấp hành viên; kiểm sát chặt chẽ hồ sơ áp dụng các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án; kiểm sát và phối hợp các cơ quan liên quan trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án; hàng tháng phải lập biên bản chốt số liệu số việc, số tiền còn phải thi hành với Cơ quan thi hành án.
- Phối hợp với các phòng (đối với cấp tỉnh), các bộ phận nghiệp vụ của đơn vị (đối với cấp huyện) photo đầy đủ những Bản án, quyết định của Tòa án đã ban hành, sau đó, mở sổ ghi chép nội dung thuộc việc chủ động ra quyết định thi hành án của Cơ quan Thi hành án dân sự để theo dõi. Qua đó, sẽ kiểm sát được việc chuyển giao Bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định tại các Điều 27 và 28 Luật Thi hành án dân sự.
- Khi tiến hành trực tiếp kiểm sát, phải tuân thủ các quy định tại Điều 32 quy chế kiểm sát thi hành án dân sự ban hành kèm theo Quyết định 610/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện KSNDTC. Cần lưu ý thực hiện tốt những nội dung sau:
- Lập kế hoạc kiểm sát: Trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát, Kiểm sát viên và cán bộ làm công tác thi hành án phải tập hợp được số liệu trong thời điểm kiểm sát; dự kiến các dạng vi phạm. Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát phải chuẩn bị tốt việc lập kế hoạch, nêu rõ mục đích, yêu cầu; các nội dung cần kiểm sát (kiểm sát toàn diện hay từng phần); cách thức tiến hành trực tiếp kiểm sát... Tiến hành họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong đoàn; có kế hoạch chi tiết cho từng thành viên trong từng ngày. Sau đó, đoàn kiểm sát cần nghiên cứu kỹ báo cáo của Cơ quan Thi hành án dân sự, đối chiếu với số liệu của Viện kiểm sát và yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự giải trình ở những điểm chưa rõ.
- Khi tiến hành kiểm sát nên làm việc theo phương pháp “cuốn chiếu”, tức là kiểm tra từng mảng công tác, từng loại hồ sơ như hồ sơ đã kết thúc; hồ sơ đang thi hành; hồ sơ chưa có điều kiện; hồ sơ đình chỉ, tạm đình chỉ; hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo…
+ Đối với kiểm sát việc thu, quản lý, chi tiền thi hành án: Sau khi công bố Quyết định, Kế hoạch kiểm sát, Kiểm sát viên kiểm tra ngay quỹ tiền mặt, tiến hành xác minh số tiền của Cơ quan thi hành án nộp Kho bạc, tiền gửi tiết kiệm, tiền tạm gửi ở Ngân hàng để cân đối việc thu, chi có đúng pháp luật hay không. Yêu cầu cung cấp các tài liệu, hồ sơ, sổ sách liên quan đến nội dung kiểm sát để kiểm tra, xác minh, đối chiếu xem có phù hợp với thực tế không; Việc nào chưa rõ thì yêu cầu giải trình và có thể tiến hành xác minh thực tế nhằm xác định sự thật.
+ Kiểm tra kho vật chứng, kiểm tra sổ giao nhận vật chứng và lập danh sách vật chứng tồn đọng để làm rõ việc giao nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ có đúng quy định tại Điều 124 Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành không.
+ Kiểm tra hệ thống sổ sách về thi hành án dân sự:Theo hướng dẫn tại Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp, Cơ quan thi hành án dân sự phải mở đủ 21 loại sổ về THADS và hệ thống sổ sách kế toán thi hành án theo Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính. Sau khi kiểm đếm đủ các loại sổ theo quy định tại 02 văn bản nêu trên thì tiến hành kiểm tra chi tiết nội dung từng loại sổ.
+ Kiểm tra hồ sơ nghiệp vụ thi hành án:Khi tiến hành kiểm sát hồ sơ nghiệp vụ thi hành án phải tập trung vào những nội dung cơ bản sau đây để làm rõ việc chấp hành về trình tự, thủ tục, căn cứ pháp luật, thời hạn và nội dung các văn bản, quyết định về thi hành án có tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật không:
+ Việc chuyển giao bản án, quyết định; việc giải thích, đính chính, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định; giải quyết yêu cầu, kiến nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án;
+ Việc tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án; việc ra quyết định thi hành án, yêu cầu, đôn đốc thi hành bản án, quyết định hành chính;
+ Kiểm sát nội dung quyết định, việc thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án; việc gửi quyết định hoặc thông báo về thi hành án; việc ủy thác thi hành án;
+ Kiểm sát việc xác minh Điều kiện thi hành án; việc hoãn, tạm đình chỉ, tiếp tục thi hành án, đình chỉ thi hành án; việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án;
+ Kiểm sát việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án; việc thi hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, của Trọng tài thương mại; việc thi hành khoản tịch thu sung quỹ Nhà nước, tiêu hủy tài sản; hoàn trả tiền, tài sản kê biên, tạm giữ trong bản án, quyết định hình sự;
+ Kiểm sát việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; việc tổ chức thi hành án dân sự cho các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù;
+ Kiểm sát việc thi hành các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án; việc thi hành quyết định về phá sản; việc bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thực hiện nghĩa vụ thi hành án;
+ Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; Kiểm sát việc kết thúc thi hành án; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án; việc xử lý vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, hành chính; việc lập sổ và vào sổ, trình tự lập hồ sơ và sắp xếp hồ sơ thi hành án.
Quá trình kiểm tra tài liệu, sổ sách, hồ sơ thi hành án mà phát hiện có vi phạm pháp luật thì phải lập biên bản hoặc lập phiếu kiểm sát (theo mẫu) có ký xác nhận của Cán bộ, Chấp hành viên được phân công giải quyết hoặc đại diện bên được kiểm sát để làm cơ sở để tổng hợp xây dựng kết luận và tránh được việc tranh cãi xảy ra. Trưởng đoàn kiểm sát phải ghi nhật ký đầy đủ, chi tiết công việc kiểm sát của từng ngày.
- Tổng hợp vi phạm và ban hành dự thảo kết luận: Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ được phân công, các thành viên trong đoàn phải tập hợp biên bản hoặc phiếu kiểm sát cho trưởng đoàn để phân công người tổng hợp xây dựng dự thảo Kết luận. Kết luận trực tiếp kiểm sát phải thực hiện theo mẫu quy định, trong đó nêu rõ những ưu điểm và những vi phạm, hạn chế trong hoạt động THADS; trong giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thi hành án; nguyên nhân và trách nhiệm đối với cá nhân dẫn tới vi phạm; yêu cầu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc khắc phục vi phạm. Khi kết luận về các vi phạm, cần tập hợp theo nhóm và phải xác định rõ vi phạm tại điều, khoản của văn bản pháp luật nào, viện dẫn điều luật cụ thể để làm rõ vi phạm. Kết luận phải đưa ra yêu cầu đối với cơ quan và người có trách nhiệm trong việc khắc phục vi phạm, phòng ngừa vi phạm. Trường hợp phát hiện nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm của các cơ quan, tổ chức thì có thể bản hành kiến nghị khắc phục và phòng ngừa. Trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải yêu cầu thu hổi, hủy bỏ về quyết định thi hành án có vi phạm thì ban hành kháng nghị. Trường hợp phát hiện có vi phạm pháp Luật nghiêm trọng cần đề xuất xử lý kỷ luật hoặc xem xét trách nhiệm hình sự thì phải báo cáo lãnh đạo Viện trước khi ký Kết luận.
- Tổ chức công bố dự thảo Kết luận, tiến hành phúc tra: Tùy theo phạm vi kiểm sát (toàn diện hay từng mặt) và tính chất, mức độ vi phạm để mời thành phần tham gia công bố Kết luận có đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát, lãnh đạo cơ quan thi hành án. Việc phúc tra thực hiện bằng phúc tra trực tiếp hoặc yêu cầu tự kiểm tra và báo cáo bằng văn bản. Khi phúc tra trực tiếp, Viện kiểm sát phải ban hành Quyết định phúc tra, trong đó nêu rõ thành phần Đoàn phúc tra, nội dung phúc tra tập trung vào kết quả thực hiện các yêu cầu của Viện kiểm sát trong Kết luận trực tiếp kiểm sát. Kết thúc phúc tra, Trưởng đoàn ban hành kết luận phúc tra, gửi cho cơ quan, tổ chức được phúc tra và cơ quan chủ quản của họ; gửi Viện kiểm sát cấp trên để báo cáo.
- Hồ sơ trực tiếp kiểm sát phải lưu giữ đầy đủ các tài liệu, văn bản có liên quan đến quá trình trực tiếp kiểm sát và quá trình kiểm sát việc thực hiện các yêu cầu trong Kết luận trực tiếp kiểm sát. Hồ sơ kiểm sát được bảo quản, xử lý theo quy định của pháp luật và của Ngành.
Trên đây là một số giải pháp và kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác trực tiếp kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính để các đồng nghiệp tham khảo, vận dụng trong thực tiễn. Rất mong các đồng nghiệp tham gia góp ý và chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm hay để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi hành án dân sự, hành chính nói chung và trực trực tiếp kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính nói riêng./.
Ngô Tiến Thụy- Phòng 11