ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -08:50 AM

Kinh nghiệm thực tiễn rút ra từ giải quyết vụ án cố ý gây thương tích

 | 

Trong những năm gần đây, xu hướng bị can chối tội ngày càng xảy ra nhiều. Việc bị can chối tội có nhiều nguyên nhân, có thể do nhận thức, đặc điểm nhân thân nhưng chủ yếu là do sợ chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra, từ đó gây rất nhiều khó khăn cho việc xử lý vụ án.

Để xử lý một vụ án hình sự, các cơ quan tố tụng cần phải thu thập đầy đủ chứng cứ và phải tuân theo trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thực tế khi thu thập chứng cứ gặp khó khăn là có thể không thu được vật chứng, lời khai của các đối tượng mâu thuẫn nhau và đặc biệt, bị can không nhận tội đã gây không ít khó khăn cho quá trình điều tra. Tôi nêu bài học kinh nghiệm thông qua thực tiễn giải quyết vụ án cố ý gây thương tích.

Vụ án xảy ra trên khu vực đỉnh đèo, nơi có tranh chấp đất rừng. Từ đường dân sinh lên đến đỉnh đèo phải đi bộ mất khoảng trên 60 phút. Đây chính là khó khăn khi tổ chức khám nghiệm hiện trường. Thời điểm xảy ra sự việc chỉ có bị can, người cùng bảo vệ rừng với bị can và bị hại, không có nhân chứng. Khi khám nghiệm hiện trường không thu giữ đoạn gậy gỗ là vật chứng vụ án vì có rất nhiều đống ngọn cành cây bạch đàn tại khu vực đó. Ngay sau khi bị hại bị đánh gãy tay đã được đưa đi cấp cứu và trình bày bị đánh bằng gậy gỗ. Bị can và người liên quan cũng rời khỏi hiện trường. Do vậy Cơ quan điều tra cũng không xác định được đâu là vật chứng gây thương tích cho bị hại nên không thu giữ được. Bị hại xác định khi đang giằng co con dao quắm với người liên quan thì bị vụt gãy bả vai phải tại thời điểm này. Cả bị hại và người có liên quan đều không ai nhìn thấy bị can đánh bị hại như thế nào, tư thế, khoảng cách, vị trí ra sao? Kết luận giám định thương tích của bị hại không xác định được vật gây thương tích, không xác định được chiều hướng gây thương tích, chỉ xác định được lực tác động mạnh. Về phía bị can không thừa nhận hành vi dùng gậy đánh gây thương tích cho bị hại mà chỉ vào can ngăn giằng dao quắm nhưng không được thì buông tay ra lùi lại phía sau. Trong quá trình điều tra, bị can thay đổi nhiều lời khai, thậm trí bị can khai báo không trung thực, hướng điều tra sang những tình tiết khác nhằm trốn tránh trách nhiệm…

Để có căn cứ buộc tội đối với bị can, quá trình điều tra vụ án, Kiểm sát viên đã phối hợp với Điều tra viên thực hiện các hoạt động điều tra như: Lấy lời khai thật chi tiết của bị hại, người liên quan và bị can để tìm ra những điểm phù hợp, những chi tiết mâu thuẫn để đấu tranh làm rõ. Tiến hành ghi âm, ghi hình tất cả các lời khai để tránh thay đổi lời khai về sau. Thực nghiệm điều tra theo từng lời khai và thực nghiệm điều tra lại khi lời khai của họ thay đổi để xác định tư thế, động tác, vị trí và vật gây thương tích. Trưng cầu giám định khả năng gây thương tích các tình huống có thể gây ra được thương tích của bị hại hay không. Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, trên cơ sở đánh giá sự việc một cách thận trọng, khách quan. Mặc dù bị can chối tội trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử và quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng không thu được vật chứng, không có nhân chứng thì không thể kết tội bị cáo. Tuy nhiên, với những tài liệu, chứng cứ thu thập có trong hồ sơ, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định có đầy đủ căn cứ để kết luận hành vi phạm tội của bị cáo và tuyên phạt bị cáo 03 năm tù về tội Cố ý gây thương tích. Bị cáo kháng cáo kêu oan. Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ hồ sơ cũng như bản án sơ thẩm thấy rằng việc xét xử bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan nên đã xử y án sơ thẩm. Bản án được nhân dân địa phương rất quan tâm và đồng tình ủng hộ cao. Từ vụ án có bị cáo không nhận tội, kêu oan được Tòa án hai cấp xét xử nghiêm minh, khách quan đã tạo niềm tin của nhân dân vào các cơ quan tư pháp, mang lại sự công bằng trong xã hội, kẻ thực hiện hành vi phạm tội phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Qua vụ án có bị can chối tội nêu trên, kinh nghiệm của Kiểm sát viên trực tiếp kiểm sát điều tra vụ án đã rút ra được một số kinh nghiệm sau:

Một là: Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra cụ án cần phải nắm vững các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Quy chế số 03/QC-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện KSND tối cao quy định tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ đúng các quy định, không để xảy ra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đặc biệt là các thủ tục như: Đảm bảo sự tham gia của luật sư bào chữa cho bị cáo, người bảo vệ quyền lợi bị hại. Việc giao các quyết định tố tụng, thông báo kết luận giám định cho bị cáo, bị hạị. Thực hiện việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can; Việc giải thích cho bị can quyền được sao chép tài liệu…phải được thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Hai là: Kiểm sát viên cần tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, chủ động hơn trong việc thực hiện các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ. Tham gia đầy đủ các hoạt động điều tra như: Khám nghiệm hiện trường, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra. Trực tiếp hỏi cung bị can và lấy lời khai của bị hại, người liên quan đến vụ án để đánh giá sự việc khách quan, không suy diễn. Trước khi tiến hành hỏi cung bị can, cần nghiên cứu kỹ tài liệu, hồ sơ vụ án, phải nhớ chi tiết theo từng lời khai, tìm ra những mâu thuẫn để hỏi đấu tranh với bị can. Khi tiến hành hỏi cung bị can, theo dõi diễn biến tâm lý và thái độ khai báo để có phương pháp hỏi cung phù hợp. Có thể đưa ra một số thông tin (chứng cứ) do Cơ quan điều tra đã thu thập được nhằm tác động vào tâm lý của bị can, đấu tranh với bị can khiến bị can nhận thức được rằng dù bị can không thành khẩn khai báo thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã thu thập được nhiều chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can, các tình tiết của vụ án…

Ba là: Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên kiểm tra các dấu vết, mô tả vị trí, mở rộng hiện trường để thu thập ngay vật chứng vụ án, tránh việc tẩu tán, tiêu hủy vật chứng, sẽ là cái cớ bị can vin vào việc không thu được vật chứng để chối tội. Việc đánh giá, nhận định tài liệu xác minh cần thận trọng, tỉ mỉ, chính xác. Căn cứ kết quả thực nghiệm điều tra để đấu tranh với bị can những chi tiết không phù hợp, loại trừ khả năng xảy ra theo lời khai của bị can.

Bốn là: Kiểm sát viên cần thực hiện đúng quy định của Nghị quyết số 08/NQ-BCS ngày 31/3/2017 của Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc lấy lời khai, phúc cung bị can tối thiểu 3 lần. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Kiểm sát viên cần chuẩn bị tốt đề cương xét hỏi, câu hỏi đối với bị cáo chối tối cần hỏi những nội dung gì? Chuẩn bị luận tội và dự kiến các nội dung cần tranh luận tại phiên tòa đối với bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng. Chủ động xét hỏi để làm rõ tình tiết vụ án, chuẩn bị các tài liệu để viện dẫn khi tranh luận, làm căn cứ để bảo vệ quan điểm truy tố.

Năm là: Kiểm sát viên cần chủ động đề xuất với lãnh đạo Viện để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá rình điều tra, truy tố, xét xử. Thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo về nghiệp vụ của lãnh đạo Viện và Phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát tỉnh đối với những vụ án cố ý gây thương tích phức tạp có bị can chối tội nhằm giải quyết các vụ án này đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm./.

Trần Lệ Toàn- VKSND huyện Yên Thế

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,828,759
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.15.225.164

    Thư viện ảnh