Nội dung vụ, việc: Chị H trình bày, ngày 01/8/2017 chị và anh P kết hôn trên cơ sở tự nguyện và có đăng ký kết hôn tại UBND xã L. Sau khi kết hôn xong, chị về chung sống với anh P. Trong quá trình chung sống, chị mới phát hiện trước khi kết hôn với chị, anh P đã kết hôn với chị T, có đăng ký kết hôn ngày 20/3/2014 tại UBND xã C. Nên chị H làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện L hủy đăng ký kết hôn trái pháp luật giữa chị và anh P.
Anh P không có đơn, không có ý kiến trình bày ý kiến quan điểm của mình đối với yêu cầu của chị H.
UBND xã L, do chị P là người đại diện theo ủy quyền trình bày: Do chủ quan không kiểm tra, xác minh cẩn thận nên không phát hiện việc anh P đã đăng ký kết hôn, nên UBND xã L đã làm thủ tục đăng ký kết hôn cho anh P với chị H. Nay đề nghị Tòa án giải quyết việc hủy kết hôn trái pháp luật giữa chị H và anh P.
UBND xã C đã có văn bản trình bày: Anh P và chị T đã đăng ký kết hôn tại UBND xã C ngày 20/3/2014, hiện chưa ly hôn.
Với nội dung vụ việc nêu trên, hiện có hai quan điểm giải quyết khác nhau như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Tại Điều 361 Bộ luật tố tụng dân sự (Bộ LTTDS) quy định, việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29, các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31, các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 của Bộ luật này. Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự.
Xét thấy, tại thời điểm đăng ký kết hôn với chị H, anh P là người đang có vợ là chị T có đăng ký kết hôn ngày 20/3/2014 tại UBND xã C. Do chị H không biết việc anh P đang có vợ nên đã đồng ý kết hôn với anh P. UBND xã L khi làm thủ tục đăng ký kết hôn cho anh P với chị H đã không phát hiện ra anh P là người đang có vợ. Do vậy, việc kết hôn giữa chị H và anh P là vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5, điểm d khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ LTTDS, quy định những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án: "Yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật.".
Do vậy, đối với việc chị H yêu cầu thì Toà án phải thụ lý giải quyết là việc dân sự “Yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật” giữa chị H và anh P, theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ LTTDS.
- Quan điểm thứ hai: Chị H làm đơn yêu cầu Tòa án hủy đăng ký kết hôn trái pháp luật giữa chị và anh P. Anh P không có đơn, văn bản trình bày ý kiến của mình đồng ý với yêu cầu của chị H. Nên phải xác định việc chị H khởi kiện là vụ án “Tranh chấp hôn nhân và gia đình” giữa chị H và anh P thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, theo quy định tại khoản 7 Điều 28 Bộ LTTDS: "Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi huỷ kết hôn trái pháp luật.".
Tác giả bài viết đồng tình với quan điểm thứ nhất. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi ý kiến của đồng nghiệp và quý vị độc giả./.
Nguyễn Văn Chuyên- Viện KSND huyện Lục Nam