ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -09:23 AM

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra tội huỷ hoại rừng trên địa bàn huyện Sơn Động

 | 

Sơn Động là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang với diện tích khoảng 850 km2 trong đó núi rừng chiếm hầu hết diện tích tự nhiên nên rừng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, giữ cân bằng sinh thái, môi trường, góp phần ngăn chặn, hạn chế hậu quả do thiên tai gây ra.

Tình hình tội phạm hủy hoại rừng đang diễn biến phức tạp. Một bộ phận người dân vì nhu cầu đất canh tác nhưng thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã lén lút phá, đốt rừng để lấy đất canh tác; bên cạnh đó, tình trạng khai thác rừng trái phép cũng đang diễn ra thường xuyên với những đối tượng vì lợi nhuận mà hủy hoại môi trường.Đây là nguyên nhân chính dẫn đến diện tích rừng, sản lượng gỗ, độ che phủ rừng ngày càng giảm.

Nhằm ngăn chặn tình trạng đốt, phá, khai thác rừng trái phép, trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử rất nhiều vụ án liên quan đến hành vi hủy hoại rừng.

Để bảo đảm mọi hành vi xâm hại rừng trái phép đều được phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời; không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, đồng thời bảo đảm việc điều tra được khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, đúng pháp luật; kịp thời phát hiện, khắc phục và xử lý những vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra các vụ án Hủy hoại rừng, vấn đề nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra về tội phạm Hủy hoại rừngđược đặt lên hàng đầu.

Xuất phát từ tầm quan trọng nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Động đã có những giải pháp nâng cao chất lượng của hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra về tội phạm Hủy hoại rừng, đặc biệt là thống nhất nhận thức về các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm, bảo đảm các vụ án Hủy hoại rừng phải được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội nhưng cũng không được bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, hạn chế thấp nhất tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, góp phần nâng cáo công tác phòng và chống tội phạm, ổn định trật tự xã hội tại địa phương.

Theo quy định tại Điều 243 Bộ luật hình sự thì Huỷ hoại rừng là hành vi đốt, phá rừng trái phép rừng hoặc có hành vi khác làm cho rừng mất hoàn toàn giá trị hoặc làm cho rừng giảm giá trị đáng kể.

1. Nhận xét về sự điều chỉnh, bổ sung tội Hủy hoại rừng của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 với Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội Hủy hoại rừng có một số quy định mới, thể hiện tính phù hợp với sự đòi hỏi, yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hủy hoại rừng nói riêng, đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung.  BLHS 1999 quy định tội Hủy hoại rừng tại Điều 189 với 04 khoản; còn BLHS 2015 quy định tội Hủy hoại rừng tại Điều 243 với 05 khoản, cụ thể:

1.1. Về định khung cơ bản

Khoản 1 Điều 189 BLHS 1999 quy định cấu thành cơ bản của tội Hủy hoại rừng thuộc hai trường hợp: “gây hậu quả nghiêm trọng” và tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm". BLHS 1999 chưa quy định như thế nào là tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, còn  BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới dấu hiệu phạm tội theo định khung cơ bản tại khoản 1 Điều 243 BLHS 2015 khác biệt hoàn toàn so với quy định tại Khoản 1 Điều 189 BLHS 1999. Khoản 1 Điều 243 BLHS 2015 bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, xây dựng cụ thể các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 243 với các quy định cụ thể về “diện tích rừng thiệt hại tương ứng từng phân loại rừng và giá trị lâm sản bị thiệt hại” để làm căn cứ định tội danh và xây dựng điểm g khoản 1 Điều 243 quy định tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các  hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, so với Khoản 1 Điều 189 BLHS 1999 thì điểm g Khoản 1 Điều 243 BLHS 2015 bổ sung mới tình tiết “…hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” đây là quy định mới phù hợp với thực tiễn.

  Đồng thời, bổ sung mới tình tiết định khung cơ bản tại điểm e khoản 1 Điều 243 BLHS 2015 về các loài thực vật rừng thuộc danh mục loài nhóm IA, nhóm IIA với giá trị thiệt hại cụ thể, tương ứng theo nhóm IA hoặc IIA.

1.2. Về định khung tăng nặng

Khoản 2 Điều 189 BLHS 1999 quy định 05 tình tiết định khung tăng nặng, trong đó có 03 tình tiết định khung tăng nặng BLHS 1999 như “Huỷ hoại diện tích rừng rất lớn”, “Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ”, “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” nên gây khó khăn cho hoạt động tiến hành tố tụng trong thực tế. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 243 BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung mới hoàn toàn so với BLHS 1999, theo đó đã xây dựng thêm các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng tại các điểm c, d, đ, e, g, h, i đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, phù hợp hơn.  Cụ thể:

Điểm c khoản 2 Điều 243 BLHS 2015 đã quy định thêm tình tiết tái phạm nguy hiểm.

Điểm d, đ, e, g khoản 2 Điều 243 BLHS 2015 đã quy định cụ thể diện tích các quy định cụ thể về diện tích rừng thiệt hại tương ứng từng phân loại rừng.

Điểm h Khoản 2 Điều 243 BLHS 2015 đã quy định giá trị lâm sản bị thiệt hại trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích” .

Điểm i Khoản 2 Điều 243 BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung  “Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA”, “thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA”, quy định chính xác hơn, phù hợp hơn, bởi thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và thực vật, động vật rừng thuộc nhóm IA, nhóm IIA.

1.3.Về định khung tăng nặng cao nhất

 Khoản 3 Điều 189 BLHS 1999 quy định 03 tình tiết định khung tăng nặng như “Huỷ hoại diện tích rừng đặc biệt lớn”, “Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”, “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, và 03 tình tiết định khung tăng nặng này BLHS 1999 chưa qui định cụ thể, mà phải nghiên cứu tại mục 3, phần IV Thông tư 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC về Hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nhưng cũng chưa rõ ràng nên gây khó khăn cho hoạt động tiến hành tố tụng trong thực tế.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 243 BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung mới hoàn toàn các tình tiết định khung tăng nặng, theo đó xây dựng mới các điểm a, b, c, d, đ, e, căn cứ vào diện tích rừng bị thiệt hại, giá trị lâm sản bị thiệt hại và thực vật thuộc Danh mục quy định để làm căn cứ định tội theo khung tăng nặng. 

1.4.Về hình phạt chính

Khoản 1 Điều 189 BLHS 1999 quy định hình phạt gồm bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm; Khoản 2 Điều 189 BLHS 1999 quy định hình phạt tù từ ba năm đến mười năm; Khoản 3 Điều 189 BLHS 1999 quy định hình phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Có thể thấy, khung dao động hình phạt tại Điều 189 BLHS 1999 là rất lớn, gây khó khăn cho quá trình áp dụng hình phạt của cơ quan tiến hành tố tụng về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và nhân thân người phạm tội.

So với BLHS 1999 về tội Hủy hoại rừng, BLHS 2015 quy định về tội này đã có sửa đổi mới theo hướng phù hợp hơn. Theo đó, khoản 1 Điều 243 BLHS 2015 quy định phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; Khoản 2 Điều 243 BLHS 2015 quy định phạt tù từ 03 năm đến 07 năm; Khoản 3 Điều 243 BLHS 2015 quy định phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. 

1.5. Về hình phạt bổ sung

Khoản 4 Điều 189 BLHS 1999 quy định về hình phạt bổ sung đối với người phạm tội hủy hoại rừng “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

So với BLHS 1999 thì BLHS 2015 đã có sửa đổi, bổ sung mới theo hướng tăng mức phạt tiền lên từ “20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”, đây là mức phạt tiền phù hợp, đảm bảo tính răn đe khi tác động vào mặt vật chất của người phạm tội.

1.6. Bổ sung chủ thể phạm tội mới

BLHS 1999 nói chung, Điều 189 BLHS 1999 nói riêng chỉ quy định chủ thể phạm tội hủy hoại rừng là cá nhân con người cụ thể, còn BLHS 2015 đã xây dựng thêm chủ thể phạm tội mới trong tội hủy hoại rừng là Pháp nhân thương mại, quy định tại Khoản 5 Điều 243 BLHS 2015. Đây là điểm mới tiến bộ, phù hợp, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tránh bỏ lọt tội phạm nói chung.

2. Tình hình thụ lý và kết quả giải quyết án Hủy hoại rừng

Từ ngày 01/12/2014 đến ngày 31/12/2018, trên địa bàn huyện Sơn Động đã xảy ra 06 vụ án về Hủy hoại rừng trong tổng số vụ án đã khởi tố, cụ thể kết qủa án Hủy hoại rừng đã thụ lý và giải quyết như sau:

Số vụ án/ bị can thụ lý kiểm sát điều tra: 06 vụ/ 9 bị can.

Số vụ án/ bị can truy tố: 06 vụ/09 bị can.

Số vụ án/ bị cáo Tòa án xét xử sơ thẩm: 06vụ/ 09 bị cáo.

Viện kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và Tòa án án huyện để xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật các vụ án Hủy hoại rừng, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; không có vụ án nào phải hoàn hồ sơ để điều tra bổ sung.

3. Kết quả đạt được của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra về tội phạm Hủy hoại rừng tại Viện KSND huyện Sơn Động

Thực hiện theo Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao "Tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra", với sự lãnh đạochỉ đạo của Lãnh đạo đơn vị, sự nỗ lực của mỗi cá nhân Kiểm sát viên, cán bộ trong đơn vị, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra tội phạm Hủy hoại rừng đã đạt được những kết quả tích cực.

Trong công tác thực hành quyền công tố các vụ án Hủy hoại rừng, Kiểm sát viên thực hiện tốt việc lấy lời khai trước khi phê chuẩn khởi tố bị can đó là cơ sở để đề xuất phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, đảm bảo việc phê chuẩn có căn cứ, đúng pháp luật.Kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đánh giá kỹ các tài liệu, chứng cứ và đối chiếu cụ thể với các quy định của pháp luật để đề xuất phê chuẩn.  Ngay sau khi phê chuẩn, Kiểm sát viên chủ động bám sát quá trình điều tra, phối hợp chặt chẽ với các Điều tra viên, đề ra các yêu cầu điều tra cụ thể, chi tiết để Điều tra viên tiến hành điều tra.

Kiểm sát viên chủ động lập kế hoạch, nhật ký kiểm sát điều tra để đảm bảo thời hạn, tiến độ điều tra và kịp thời, khắc phục những thiếu sót, vi phạm trong quá trình điều tra. Tất cả các hoạt động trên đều phải được ghi chép, cập nhật vào sổ sách, vào nhật ký, nắm được tiến độ của vụ án, kết quả điều tra, thu thập chứng cứ cũng như kiểm sát việc hỏi cung của Điều tra viên.

Trước khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên cùng Điều tra viên đã họp đánh giá chứng cứ, tài liệu và xem xét, thống nhất việc kết thúc điều tra. Do đó, trong thời điểm từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2018 các vụ án đều được giải quyết trong hạn luật định, không để xảy ra tình trạng phải gia hạn điều tra, không có trường hợp nào tạm đình chỉ, kéo dài thời hạn giải quyết do lỗi của Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.

Đối với các biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, tạm giam, đối với bị can trong vụ Hủy hoại rừng Viện kiểm sát đã kiểm sát các trường hợp bị bắt tạm giam, Kiểm sát viên đã thận trọng và bám sát các quy định của pháp luật cho nên 100% các trường hợp Viện kiểm sát quyết định áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn đều đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật.

4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra về tội phạm hủy hoại rừng

4.1. Nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện

Lãnh đạo Viện đã xây dựng kế hoạch công tác với những chỉ tiêu nghiệp vụ và các biện pháp thực hiện cụ thể, đặc biệt là chú trọng xác định các khâu công tác cần tạo ra sự đột phá. Trong thời gian qua, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự nói chung, án Hủy hoại rừng nói riêng đã được Lãnh đạo đơn vị quan tâm chỉ đạo nghiệp vụ chặt chẽ, kịp thời những thiếu sót của cán bộ, Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ nên chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra được nâng cao cao rõ rệt, thể hiện vai trò, uy tín của Viện kiểm sát đối với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp trên địa bàn huyện.

4.2. Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, phân loại, nguồn tin về các vụ Hủy hoại rừng

Ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, Viện kiểm sát phải phối hợp với cơ quan điều tra, Hạt kiểm lâm huyện và cử Kiểm sát viên tham gia  công tác khám nghiệm hiện trường các vụ Hủy hoại rừng. Trong quá trình khám nghiệm cần xác định rõ diện tích rừng bị phá, lập bảng tổng hợp để xác định trữ lượng cây gỗ bị chặt phá; số lượng, trữ lượng từng loại cây, chiều cao, đường kính gốc cụ thể từng cây.

Sau khi khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên cần báo cáo cụ thể bằng văn bản với Lãnh đạo Viện đề xuất quan điểm có tội phạm xảy ra hay không. Từ đó, kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra đưa vào nguồn tin báo về tội phạm để giải quyết. Việc kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra, Hạt Kiểm lâm đưa vào nguồn tin tội phạm để giải quyết sẽ tạo điều kiện cho Viện Kiểm sát thực hiện đầy đủ chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Đây là cơ sở quan trọng đảm bảo việc phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can hay xem xét về việc không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra đảm bảo có căn cứ, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

4.3. Nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho Kiểm sát viên

Đối với những vụ án Hủy hoại rừng, sau khi kết thúc việc giải quyết nguồn tin tội phạm, Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can thì Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, đánh giá chứng cứ, báo cáo đề xuất Lãnh đạo Viện theo mẫu thống nhất.

Khi  đề ra yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên  phải dựa qui định tại các văn bản qui phạm pháp luật về việc xử lý vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng như Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng và quản lý lâm sản. Đồng thời phải  làm rõ được  các dấu hiệu đặc trưng của tội Hủy hoại rừng được qui định cụ thể tại Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 như trưng cầu giám định để xác định  loại rừng bị hủy hoại (rừng sản xuất, rừng đặc dụng hay rừng phòng hộ...); diện tích rừng bị hủy hoại; yêu cầu định giá để xác định số lượng, trữ lượng cây bị chặt phá, các loại cây bị chặt phá thuộc nhóm gỗ gì,  giá trị thiệt hại...Yêu cầu cơ quan điều tra thu giữ phương tiện, công cụ mà đối tượng dùng để chặt phá rừng.

Xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án hủy hoại rừng phải là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước (Ủy ban nhân dân)  hoặc là đơn vị, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ  như Ban quản lý rừng phòng hộ... lấy lời khai của nguyên đơn dân sự về việc giao đất, giao rừng, diện tích rừng được giao, đó là loại rừng gì, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, những thiệt hại xảy ra, yêu cầu bồi thường cụ thể như thế nào.

Làm rõ trách nhiệm của đơn vị, tổ chức trong việc bảo vệ, phát triển rừng, tài sản rừng bị phá, bị thiệt hại là do ai có thẩm quyền quản lý.

Số gỗ ở hiện trường là tang vật thì phải chụp ảnh đưa vào hồ sơ vụ án, phải giao cho Ủy ban nhân dân xã nơi có rừng bị hủy hoại trông coi, quản lý theo qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự và làm việc với Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu thu hồi số gỗ này.

Trước khi kết thúc điều tra 20 ngày, Kiểm sát viên và Điều tra viên cần phối hợp nghiên cứu tổng hợp toàn bộ tài liệu chứng cứ cũng như xác định rõ các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, những vấn đề cần phải điều tra thêm. Đối với những vụ án phức tạp, bị can không nhận tội, Kiểm sát viên phải cùng điều tra viên  hỏi cung tổng hợp, làm rõ việc nhận tội hay không nhận tội của bị can để tiếp tục yêu cầu cơ quan điều tra thu thập đầy đủ chứng cứ, cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội, không để kết thúc điều tra mới đề xuất trả hồ sơ điều tra bổ sung.

4.4. Nâng cao hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát

Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Động đã tập trung xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan tư pháp, trong đó, chú trọng xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân với Cơ quan điều tra. Đây là mối quan hệ công tác trong hoạt động tố tụng hình sự mang ý nghĩa hết sức quan trọng được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể, chi tiết và được hướng dẫn thực hiện bằng các thông tư liên ngành. Trong những năm qua, hai ngành đã thực hiện tốt việc phối hợp từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố đến khi kết thúc điều tra vụ án. Lãnh đạo hai ngành đã tổ chức các cuộc họp liên ngành để thống nhất đường lối, quan điểm xử lý đối với một số vụ án phức tạp để xử lý theo đúng quy định của pháp luật./..

Hoàng Trung Kiên- VKSND huyện Sơn Động

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,429,031
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.12.73.149

    Thư viện ảnh