ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -23:46 PM

Phản hồi bài viết trao đổi về nghiệp vụ thi hành án hình sự

 | 

Sau khi tác giả Lương Kim Thanh có bài viết nêu tình huống để trao đổi nghiệp vụ về thi hành án hình sự đăng trên Trang tin điện tử của VKSND tỉnh Bắc Giang, Ban biên tập nhận được 06 ý kiến phản hồi của các tác giả Đồng Tuấn Anh- VKSND thành phố Bắc Giang, Lương Văn Tuấn- VKSND huyện Yên Dũng, Nguyễn Văn Chung- VKSND huyện Lục Ngạn, Nguyễn Văn Hải- VKSND huyện Yên Thế, Dương Thị Thúy- VKSND huyện Hiệp Hòa và Nguyễn Đức Tùng- VKSND huyện Lục Nam.

>>> Trao đổi nghiệp vụ công tác kiểm sát thi hành án hình sự

Tác giả Nguyễn Đức Tùng có quan điểm: Nguyễn Văn A bị Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh B xử phạt 05 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự. Nên để có căn cứ cho A hoãn thi hành án trong trường hợp A là lao động duy nhất trong gia đình theo quy định tại điểm c Điều 67 Bộ luật hình sự hay không, TAND huyện Y cần căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật để xác định A bị kết án vào khoản nào quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự. Nếu A bị kết án tại khoản 2 với mức hình phạt tù từ 02 năm đến 06 năm thì A thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng do đó TAND huyện Y có căn cứ để quyết định cho A hoãn thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự; còn nếu A bị kết án tại khoản 3 với mức hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm thì A thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng nên A không thuộc trường hợp được hoãn thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự.

Tác giả Lương Văn TuấnNguyễn Văn Chung có cùng quan điểm: trong trường hợp của Nguyễn Văn A , nếu A đi chấp hành án phạt tù thì gia đình A không gặp khó khăn đặc biệt trong cuộc sống, gia đình A vẫn còn bố mẹ có khả năng lao động (tuy còn hạn chế) và vẫn có khả năng chăm sóc nuôi dưỡng con của A đang đi học, vợ A vẫn đang đi xuất khẩu lao động và vẫn tạo ra thu nhập trong gia đình. Do vậy Nguyễn Văn A không phải là lao động duy nhất trong gia đình, TAND huyện Y cho A được hoãn chấp hành hình phạt tù là không có căn cứ, trái quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự và điểm c tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01 ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong trường hợp này Kiểm sát viên cần đề xuất đến Lãnh đạo ban hành văn bản kháng nghị yêu cầu Tòa án bãi bỏ quyết định hoãn thi hành án phạt tù trên để buộc A phải đi chấp hành án theo quy định của pháp luật.

Tác giả Nguyễn Văn Hải có quan điểm: Nguyễn Văn A không phải là lao động duy nhất trong gia đình vì: A có vợ đang lao động tại nước ngoài, có thu nhập. Bố mẹ của A còn khả năng lao động (tuy có hạn), việc A đi chấp hành hình phạt tù, bố mẹ A vẫn có khả năng chăm sóc cho bản thân và 02 con của A. Nếu Nguyễn Văn A bị xử phạt theo khoản 3 Điều 134 BLHS có khung hình phạt từ 05 năm đến 10 năm tù  (thuộc tội phạm rất nghiêm trọng) thì Nguyễn Văn A không đủ điều kiện hoãn thi hành án. TAND huyện Y ra quyết định hoãn thi hành án phạt tù đối với Nguyễn Văn A không đúng theo quy định tại điểm c khoản 1, điều 67 BLHS. Là Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát Quyết định hoãn thi hành án cần báo cáo lãnh đạo đơn vị để  trực tiếp tiến hành xác minh rõ hơn về điều kiện hoãn thi hành án của Nguyễn Văn A, qua đó làm căn cứ kháng nghị quyết định hoãn thi hành án phạt tù của Tòa án nhân dân huyện Y.

Tác giả Đồng Tuấn AnhDương Thị Thúy có cùng quan điểm:

* Trường hợp thứ nhất: Nếu Nguyễn Văn A bị kết án theo khoản 3, khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng thì việc TAND huyện Y cho Nguyễn Văn A được hoãn chấp hành án phạt tù là không đúng, vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự. Trường hợp này, Kiểm sát viên tham mưu cho lãnh đạo Viện ban hành kháng nghị yêu cầu hủy quyết định hoãn chấp hành án phạt tù đối với Nguyễn Văn A.

* Trường hợp thứ hai: Nguyễn Văn A bị kết án theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự thì việc TAND huyện Y quyết định cho A hoãn chấp hành án phạt tù, thời hạn hoãn 6 tháng với lý do A là người lao động duy nhất trong gia đình theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự là chưa đảm bảo căn cứ, bởi lẽ: Tòa án chưa xác minh việc chấp hành pháp luật tại địa phương nơi A cư trú sau khi A bị xử phạt tù, chưa xác minh căn cứ cho rằng Nguyễn Văn A có thể bỏ trốn hay không trước khi ra quyết định hoãn đối với A (quy định tại tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao); Tòa án chưa xác minh, làm rõ nội dung có hay không việc vợ A gửi tiền từ Đài Loan về để nuôi các con, nếu có việc này thì A không phải là người duy nhất trong gia đình đang lao động có thu nhập; Tòa án chưa xác minh, làm rõ A có phải là con duy nhất của bố, mẹ A hay không và mức thu nhập của bố, mẹ A trong điều kiện hiện tại. Nếu bản án hình sự đã xét xử đối với A thể hiện A còn có anh, chị, em ruột và qua xác minh thì những người này hoặc một trong số những người này còn đang trong độ tuổi lao động và có đủ điều kiện để chăm sóc bố, mẹ đẻ thì việc chăm sóc, phụng dưỡng bố, mẹ A khi A đi chấp hành hình phạt tù sẽ do họ đảm nhiệm. Còn đối với 02 con đang học cấp 1 của A hiện đang sống cùng bố, mẹ A, khả năng lao động của bố, mẹ A chỉ là có hạn chứ không phải là không có khả năng lao động. Do đó, việc chăm sóc, nuôi dưỡng 02 con của A hoàn toàn có thể do ông, bà tức là bố, mẹ A đảm nhiệm.

Như vậy, với những nội dung nêu trên chưa được Tòa án xác minh, làm rõ thì chưa có đủ căn cứ để khẳng định khi A đi chấp hành hình phạt tù thì gia đình A sẽ gặp khó khăn đặc biệt trong cuộc sống, đồng nghĩa với việc quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh B cho A được hoãn chấp hành án phạt tù với lý do A là lao động duy nhất trong gia đình là chưa đúng đối tượng, điều kiện theo quy định của pháp luật.

Theo tác giả Dương Thị Thúy, Là Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc hoãn chấp hành hình phạt tù trong trường hợp này cần kiểm tra bản án đã xét xử đối với Nguyễn Văn A đồng thời trực tiếp xác minh căn cứ hoãn của A, nếu kết quả xác minh của Viện kiểm sát thể hiện A không đủ điều kiện hoãn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 BLHS thì lập phiếu kiểm sát đối với quyết định hoãn đó theo hướng đề xuất lãnh đạo Viện thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù của TAND huyện Y đối với Nguyễn Văn A theo quy định của pháp luật. Còn theo tác giả Đồng Tuấn Anh, trong trường hợp này Kiểm sát viên tham mưu cho lãnh đạo Viện ban hành văn bản kháng nghị yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân huyện Y hủy bỏ quyết định hoãn chấp hành án phạt tù đối với Nguyễn Văn A. Ngoài ra, để công tác hoãn chấp hành án phạt tù được tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì Kiểm sát viên cần báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện để ban hành văn bản kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân huyện Y có biện pháp chỉ đạo để rút kinh nghiệm, tránh vi phạm, sai sót tương tự.

Quan điểm của Phòng 8 về cơ bản đồng quan điểm với tác giả Đồng Tuấn Anh và Dương Thị Thúy. Khi thực hiện chức năng kiểm sát, Viện kiểm sát kiểm sát việc Chánh án Tòa án có thẩm quyền xem xét và quyết định cho người bị kết án phạt tù được hoãn chấp hành án phạt tù phải bảo đảm đúng đối tượng, thủ tục, điều kiện được hoãn, thời gian hoãn theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự và Điều 23 Luật Thi hành án hình sự.

Trong tình huống nêu trên, ngay sau khi nhận được quyết định của TAND huyện Y cho Nguyễn Văn A được hoãn chấp hành hình phạt tù, là Kiểm sát viên được phân công kiểm sát thi hành án hình sự cần thực hiện các bước sau:

Thứ nhất: Xác định đối tượng được Tòa án cho hoãn chấp hành hình phạt tù có đúng quy định của pháp luật không?

KSV nghiên cứu bản án Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh B xử phạt Nguyễn Văn A 05 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp TAND huyện Y áp dụng khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự thì Nguyễn Văn A phạm vào tội rất nghiêm trọng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự. Do vậy, việc TAND huyện Y cho A được hoãn chấp hành án phạt tù với lý do lao động duy nhất là không đúng đối tượng, vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự:

“1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:

… c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt… trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Thứ hai: Xác định người bị kết án được hoãn chấp hành hình phạt tù có đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hay không?

- Phương pháp: Nghiên cứu hồ sơ hoãn chấp hành hình phạt tù do Tòa án thiết lập; Kiểm sát viên trực tiếp xác minh (nếu thấy cần thiết).

- Trong trường hợp nêu trên, sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ hoãn chấp hành hình phạt tù và kết quả xác minh cho thấy bố mẹ Nguyễn Văn A mặc dù khả năng lao động vẫn còn tuy có hạn chế (ví dụ như chỉ làm được công việc lặt trong nhà, trông nom cháu) nhưng không có thu nhập; vợ của Nguyễn Văn A tuy đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan nhưng nhiều năm nay chưa về và cũng không gửi tiền về cho gia đình (bố, mẹ, chồng, con); Nguyễn Văn A là người lao động duy nhất trong gia đình đang lao động có thu nhập, nếu A đi chấp hành hình phạt tù thì gia đình Nguyễn Văn A sẽ gặp khó khăn đặc biệt trong cuộc sống thì Nguyễn Văn A vẫn đủ điều kiện được hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại điểm c tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Trong trường hợp xác định bố mẹ của Nguyễn Văn A vẫn còn khả năng lao động (tuy hạn chế) và có thu nhập để chăm nom, nuôi dưỡng 2 con của Nguyễn Văn A, vợ của Nguyễn Văn A đi lao động tại Đài Loan vẫn gửi tiền về cho gia đình (bố, mẹ, chồng, con) hoặc gia đình Nguyễn Văn A vẫn có nguồn thu nhập khác (ví dụ như cho thuê nhà, thuê ruộng…) thì dù Nguyễn Văn A đi chấp hành hình phạt tù thì gia đình của A vẫn không gặp khó khăn đặc biệt trong cuộc sống. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn A không đủ điều kiện để được hoãn chấp hành hình phạt tù với lý do là người lao động duy nhất trong gia đình.

Thứ ba: Kiểm sát việc Chánh án Tòa án có thẩm quyền xem xét và quyết định cho người bị kết án phạt tù được hoãn chấp hành án phạt tù có bảo đảm đúng thủ tục, thời gian hoãn theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự và Điều 23 Luật Thi hành án hình sự hay không?

Khi thực hiện chức năng kiểm sát, khi phát hiện vi phạm của TAND huyện Y thì tùy từng trường hợp cụ thể, Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm hoặc ra văn bản yêu cầu Tòa án thực hiện theo đúng quy định của pháp luật./.

Ban biên tập

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,839,243
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.15.211.55

    Thư viện ảnh