ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -23:39 PM

Cần có hướng dẫn đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi?

 | 

Khoản 1Điều 146 Bộ luật hình sự quy định: "Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Điều luật không quy định cụ thể thế nào là “hành vi dâm ô”, vì vậy hiểu thế nào là có hành vi dâm ô còn chưa có sự thống nhất. Tại bản tổng kết số 329 - HS2 ngày 11/5/1967 của TAND tối cao, tội dâm ô được hướng dẫn như sau:

Dâm ô tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thoả mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó (ví dụ như dùng tay sờ mó hoặc kích thích bộ phận sinh dục, tác động dương vật vào những chỗ khác trong thân thể người phụ nữ ngoài bộ phận sinh dục hoặc chỉ quệt bên ngoài bộ phận sinh dục không có ý định ấn vào trong, ấn dương vật vào sau quần, cho xuất tinh vào sau quần, bắt nạn nhân sờ mó bộ phận sinh dục của mình…).

Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC- VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 của Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ, hướng dẫn hành vi dâm ô đối với trẻ em là hành vi như “sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác, nhưng không có việc giao cấu với trẻ em".

Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội dâm ô dối với trẻ em tại Điều 116, tuy nhiên quá trình thi hành vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tội này.

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã sửa “Tội dâm ô đối với trẻ em” thành “Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.

Điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015 so với các Bộ luật hình sự trước đây là quy định rõ trong điều luật hành vi dâm ô nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác. Như vậy hiện nay những hành vi được xem là dâm ô đã bị thu hẹp phạm vi một cách đáng kể. Những hướng dẫn tại bản tổng kết số 329 - HS2 ngày 11/5/1967 của TAND tối cao và Thông tư liên tịch số 01/1998 ngày 02/01/1998 thì hành vi dâm ô không còn phù hợp với tình hình tội phạm này diễn ra hiện nay.

Có quan điểm cho rằng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, với cách hiểu giao cấu và các hành vi quan hệ tình dục khác thì tất cả các hành vi tác động lên nạn nhân nhằm thoả mãn nhu cầu tình dục đều có thể coi là hành vi dâm ô. Ví dụ như sờ soạng lên thân thể nạn nhân như chân, tay, đùi, mông  hoặc ôm, hôn đã bị coi là hành vi dâm ô.

Quan điểm khác lại cho rằng vì chưa có hướng dẫn khác nên vẫn áp dụng trên tinh thần hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC- VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 thì phải có hành vi “sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác” thì mới cấu thành tội phạm.

Thực tế cho thấy, để đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm tình dục đối với trẻ em trong tình hình hiện nay nhằm tránh bỏ lọt tội phạm, cũng như việc phòngchống oan sai, TAND tối cao, VKSND tối cao và Bộ Công an cần sớm có hướng dẫn đối với tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".

Bùi Việt Hùng-VKSND huyện Việt Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,839,198
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.6.9

    Thư viện ảnh