Theo Điều 107 Hiến pháp năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Điều 12 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự.
Chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự của các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện những năm gần đây đã được nâng lên rõ rệt, các vi phạm của Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sựđược Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phát hiện, kịp thời ban hành kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) khắc phục.
Qua tổng hợpvà trực tiếp kiểm sát tại một số Chi cục thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh phát hiện một số vi phạm trong hoạt động thu, quản lý và thanh toán tiền thi hành án của cơ quan THADS còn tồn tại những vi phạm kéo dài, vi phạm lặp đi lặp lại, trong đó nguyên nhân để xảy ra vi phạm một phần là docông tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án dân sự của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp chưa thường xuyên, nhiều việc còn chưa kiểm sát chặt chẽ, nên không kịp thời phát hiện vi phạm của cơ quan THADS để yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục.
1- Thực trạng các vi phạm phát hiện thông qua kiểm sát về thu, quản lý, thanh toán tiền và chế độ kế toán nghiệp vụ thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự như sau:
1.1. Về sổ kế toán:
- Định kỳ, kế toán và thủ quỹ không đối chiếu giữa sổ kế toán với sổ quỹ theo quy định tại Phụ lục số 3, phần III Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính về giải thích nội dung và phương pháp ghi sổ kế toán.
- Sổ quỹ tiền mặt do Thủ quỹ vào sổ theo dõi thu, chi, tồn quỹ tiền mặt không thực hiện đúng quy định về chữ số trong kế toán (chữ số Ả rập) đã vi phạm Điều 11 Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015; Khoản 4.1 Điều 4 Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính.
- Không thực hiện việc rà soát số liệu trước khi lập báo cáo tài chính dẫn đến việc sai sót trên sổ kế toán theo quy định tại Khoản 3, Điều 27 Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015; Điều 33 Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính
1.2. Danh mục báo cáo tài chính:
- Báo cáo tài chính lập thiếu thuyết minh báo cáo kết quả hoạt động thi hành án (quý, năm), theo quy định tại phần I- danh mục báo cáo tài chính Phụ lục số 04 Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính.
- Số liệu giữa biểu Báo cáo kết quả hoạt động thi hành án và Bảng cân đối tài khoản không khớp đúng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính.
1.3. Bảng cân đối kế toán
- Bảng cân đối tài khoản năm trước mở thiếu tài khoản 114- Tài sản, tang vật; tài khoản 343- Thanh toán với đơn vị dự toán do vậy không có căn cứ để lập Bảng cân đối tài khoản năm sau.
- Số liệu kế toán năm trước không khớp đúng số liệu kế toán năm liền kề vi phạm Khoản 4, Điều 26 Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015.
1.4. Vi phạm việc Hạch toán, báo cáo tổng số tiền nghiệp vụ thi hành án còn tồn chưa chính xác.
Vi phạm này đều xẩy ra ở cơ quan thi hành án dân sự (tỉnh và huyện) khi Viện KSND tỉnh tiến hành trực tiếp kiểm sát đã phát hiện yêu cầu khắc phục và có biện pháp khắc phục. Việc hạch toán, báo cáo không chính xác, không đúng với thực tế của các đơn vị đã thực hiện chưa đúng theo quy định tại Mục 1.1, 1.4 Khoản 1; Mục 2.1, 2.4 Khoản 2 Điều 2 Thông tư 91/2010/TT - BTC, ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính.
1.5. Vi phạm về chậm nộp tiền vào ngân sách Nhà nước
Tình trạng chậm nộp tiền vào ngân sách Nhà nước tại một số Chi cục thi hành án còn xảy ra nhiều. Cá biệt có những khoản thu nộp ngân sách Nhà nước mặc dù đơn vị đã thu số tiền này vào tài khoản của đơn vị nhưng đã quá thời gian quy định trên 1 tháng Chi cục thi hành án vẫn chưa làm thủ tục chuyển nộp vào ngân sách Nhà nước đã vi phạm Khoản 5 Điều 47 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014. Điển hình:
- Quyết định thi hành án số 251/QĐ - CCTHADS, ngày 29/5/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Hiệp Hòa cho thi hành đối với Nguyễn Trọng Hải, sinh năm 1964, trú tại xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa. Các khoản phải thi hành: tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền 30.000.000 đồng do Hải tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả.
Theo danh sách tiền tự nguyện nộp trước của Chi cục thi hành án, ngày 27/8/2014 Hải đã nộp 20.000.000 đồng tại phiếu thu số 948, biên lai thu số 3882 nhưng đến ngày 28/12/2018 Chi cục thi hành án chưa nộp vào ngân sách Nhà nước (chậm 6 tháng).
1.6. Vi phạm về việc chậm xử lý gửi tiền đã thu được vào tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước;
Tại Chi cục THADS huyện Hiệp Hòa: qua kiểm tra sổ quỹ tiền mặt và danh sách chi tiết của từng loại cụ thể thấy: Tại thời điểm này tiền mặt tại quỹ của Chi cục thi hành án vẫn còn một số khoản đã thu được từ tháng 8/2018 nhưng đến ngày 07/11/2018 mới làm thủ tục nộp số tiền này vào tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước như:
- Tiền tạm ứng án phí: Thu của Hoàng Thị Quyên số tiền 3.850.000 đồng vào ngày 03/8/2018; thu của Nguyễn Thị Thanh Mai số tiền 14.200.000 đồng vào ngày 06/8/2018; thu của Nguyễn Văn Xuân số tiền 3.750.000 đồng vào ngày 09/8/2018...
Việc chưa chuyển các khoản tiền trên vào tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nướclà thực hiện chưa đúng qui định tại Khoản 2 Điều 58 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 và Khoản 4 Điều 19 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
.......
2. Thực trạng về công tác kiểm sát hoạt động thu, quản lý và thanh toán tiền thi hành án.
2.1. Thuận lợi
Trong thời gian qua, chất lượng của công tác kiểm sát thi hành án dân sự đã từng bước được nâng cao, các cuộc kiểm sát trực tiếp đã được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Năng lực, trình độ của đội ngũ công chức, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự ngày càng được quan tâm. Kiểm sát viên khi được phân công kiểm sát đã chủ động nghiên cứu để thực hiện kiểm sát việc thu, quản lý và thanh toán tiền thi hành án.
2.2. Khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, công tác kiểm sát hoạt động thu, quản lý và thanh toán tiền thi hành án vẫn còn có những khó khăn, tồn tại và hạn chế đó là:
- Một số đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện thực hiện trực tiếp kiểm sát toàn diện về công tác thi hành án dân sự của Chi cục THADS nhưng thường tập trung kiểm sát phần hồ sơ, xem xét đánh giá về trình tự thủ tục tổ chức thi hành án, hạn chế thực hiện kiểm sáthoạt động thu, quản lý và thanh toán tiền thi hành án.
- Công tác kiểm sát sát thi hành án dân sự có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; cán bộ, kiểm sát viên được phân công thực hiện nhiệm vụ cùng lúc phải kiêm nhiệm nhiều công tác kiểm sát khác, dẫn đến một số trường hợp phát hiện vi phạm chậm, để vi phạm kéo dài, vi phạm tái diễn.
- Công tác phối hợp giữa các ngành có liên quan có lúc, có việc chưa chặt chẽ nên có việc Viện kiểm sát đã kiến nghị, kháng nghị, cơ quan THADSđã có văn bản tiếp thu, rút kinh nghiệm nhưng vẫn có những vi phạm khắc phục chưa dứt điểm; vẫn còn để xảy ra vi phạm trong việc để quỹ tiền mặt sai quy định, chậm nộp ngân sách, chậm chi trả tiền thi hành án, trích chuyển trực tiếp tiền phí thi hành án sang quỹ hành chính của cơ quan THADS...
- Các văn bản pháp luật quy định về thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân khi phát hiện vi phạm của cơ quan THADS trong hoạt động thu, quản lý, thanh toán tiền thi hành án chưa đến mức yêu cầu khởi tố hình sự chỉ dừng lại ở việc kiến nghị rút kinh nghiệm, kháng nghị yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm. Các quy định của pháp luật về THADS chưa quy định cụ thể biện pháp xử lý vi phạm và chưa có chế tài nghiêm khắc để xử lý dứt điểm đối với các vi phạm lặp đi lặp lại, vi phạm tồn tại kéo dài.
- Khó khăn về việc trả lại tiền cho đương sự, tiền tạm ứng án phí theo bản án, quyết định của Tòa án: Trong trường hợp tiền được trả lại có giá trị nhỏ, đương sự thường hay không đến nhận lại theo báo gọi của Cơ quan thi hành án, có nhiều nguyên nhân như: Giá trị tiền nhỏ, đương sự ở xa, đi lại khó khăn, hoặc đương sự đi làm ăn xa…không đến nhận được. Mặc dù đã được Cơ quan THADS báo gọi nhiều lần để trả lại, kết thúc vụ việc thi hành án nhưng thực tế rất nhiều đương sự không đến nhận tiền. Theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 126 Luật THADS và Điều 49 Nghị định số: 62/2015/NĐ-CP của Chính Phủ hướng dẫn thi hành một số điều Luật THADS. Sau khi có quyết định THA về việc trả lại tiền, hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên xử lý kê biên tài sản theo quy định của Luật này và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan THADS làm thủ tục sung quỹ nhà nước. Như vậy, việc trả lại tiền cho đương sự trong trường nêu trên mất rất nhiều thời gian, số tiền có giá trị nhỏ gửi tiết kiệm trong thời gian dài là không hợp lý và gây khó khăn cho ngân hàng khi làm thủ tục gửi tiền và phải quản lý quá nhiều tài khoản.
- Chứng từ kế toán rất nhiều và phức tạp, đòi hỏi Kiểm sát viên khi kiểm sát phải có trình độ kiến thức nhất định về nghiệp vụ kế toán, đồng thời cần phải có thời gian đủ dài để thực hiện thao tác đối chiếu chứng từ trong khi lực lượng cán bộ kiểm sát còn mỏng, hầu hết đều không có trình độ về nghiệp vụ tài chính, kế toán nên đây được coi là khó khăn nhất trong công tác kiểm sát.
3. Một số biện pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự.
3.1. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự:
Công chức, Kiểm sát viên được phân công đảm nhiệm công tác kiểm sát THADS cần nắm chắc các quy định của pháp luật về THADS; thực hiện nghiêm túc Quy chế công tác kiểm sát THADS; kịp thời cập nhật những văn bản sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn về THADS.
Ngay từ đầu năm, các đơn vị Viện kiểm sát cần ban hành văn bản phối hợp với cơ quan THADS yêu cầu hàng tháng cung cấp số liệu hoạt động THADS để xây dựng báo cáo thống kê, đồng thời yêu cầu cung cấp bảng cân đối tài khoản tiền thi hành án để kiểm sát việc tồn quỹ tiền mặt thi hành; việc thu nộp ngân sách; việc thanh toán tiền thi hành án cho công dân và việc quản lý khoản tiền tạm thu của thi hành án, nếu xác định có vi phạm kịp thời ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan THADS chấm dứt và khắc phục ngay các vi phạm, không để các vi phạm kéo dài..
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ( Phòng 11) trên cơ sở chương trình công tác hàng năm, phân công Kiểm sát viên trung cấp theo dõi công tác kiểm sát THADS của các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện, kịp thời ban hành các thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ trong đó có nội dung về kiểm sát hoạt động thu, quản lý và thanh toán tiền thi hành án để kịp thời hướng dẫn cho các đơn vị kiểm sát cấp huyện. Đối với các đồng chí cán bộ, Kiểm sát viên mới luân chuyển từ khâu công khác sang công tác kiểm sát THADS cần tích cực học hỏi trao đổi kinh nghiệm và rèn luyện các kỹ năng kiểm sát để kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác THADS để có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm trong thu, quản lý và thanh toán đã được Viện kiểm sát kiến nghị, kháng nghị. Trong quá trình kiểm sát có những vi phạm chưa đến mức phải ban hành kiến nghị, kháng nghị thì Kiểm sát viên chủ động nhắc nhở Chấp hành viên để kịp thời khắc phục.
Mặt khác, thường xuyên tổng hợp, phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những vi phạm mà Viện kiểm sát đã kiến nghị, kháng nghị đến nay còn tiếp tục tái diễn; những kiến nghị, kháng nghị Viện kiểm sát đã ban hành, không được Cơ quan chấp nhận hoặc chấp nhận một phần, kịp thời báo cáo, đề xuất về Viện kiểm sát cấp trên để có hướng giải quyết.
Để ngăn ngừa các vi phạm tiếp diễn, vi phạm kéo dài và việc áp dụng pháp luật về thi hành án được áp dụng thống nhất Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (Phòng 11) cần tổng hợp các vi phạm phổ biến, kéo dài trong hoạt động thu, quản lý và thanh toán tiền thi hành án ban hành kiến nghị đối với Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn đối với các Chi cục thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
3.2. Kỹ năng trực tiếp kiểm sát hoạt động thu, quản lý và thanh toán tiền thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự
3.2.1. Yêu cầu cung cấp các tài liệu sau:
- Sổ quỹ tiền mặt do thủ quỹ lập
- Biên bản kiểm kê quỹ tiền mặt
- Báo cáo tài chính (Bảng cân đối; sổ quỹ tiền mặt; sổ tiền gửi kho bạc, ngân hàng; sổ tiền gửi tiết kiệm (nếu có); báo cáo phân tích chi tiết số dư các khoản (nếu có).
Lưu ý:các số dư các khoản phải nộp nhà nước số TK 333; các khoản phải trả về thi hành án số TK 335; các khoản tạm giữ chờ xử lý TK 336…;
- Chứng từ thu, chi tiền thi hành án
- Bảng đối chiếu số dư tiền gửi do Kho bạc cùng cấp xác nhận
- Yêu cầu cung cấp các quyển biên lai thu tiền thi hành án (mẫu số 28; số 29; số 30; số 31 …) Chi cục THADS hiện đang sử dụng.
- Yêu cầu cung cấp báo cáo hoạt động thu thi hành án (biểu mẫu B07-THA) báo cáo đối chiếu kết quả thi hành án của Chấp hành viên và Kế toán THA
Lưu ý: Các tài liệu trên yêu cầu cơ quan THADS cung cấp là bản gốc, có dấu đỏ xác nhận của các cơ quan có liên quan.
Ngoài các tài liệu đã được cung cấp, Kiểm sát viên được phân công kiểm tra còn yêu cầu kế toán in trực tiếp từ phần mềm kế toán nghiệp vụ thi hành án (Bảng cân đối tài khoản của từng tháng trong trường hợp hàng tháng chưa yêu cầu cơ quan THADS cung cấp); Căn cứ bảng cân đối tài khoản thấy số dư tại các tài khoản số 333; 335 có tồn nhiều có thể yêu cầu kế toán nghiệp vụ thi hành án in báo cáo phân tích chi tiết số dư các khoản để yêu cầu Chấp hành viên cung cấp hồ sơ thi hành án để kiểm sát cụ thể các khoản thu, chi tiền thi hành án. Kiểm sát viên phải ngồi tại phòng kế toán trực tiếp nhìn thấy kế toán nghiệp vụ THA thực hiện in các tài liệu yêu cầu từ phần mềm kế toán, tránh trường hợp Kế toán THA xuất số liệu sang phần Excel để sửa chữa, hợp lý hóa số liệu,
3.2.2. Phương pháp kiểm sát
* Kiểm quỹ tiền mặt thi hành án
- Kiểm sát trực tiếp tiền mặt tại két thi hành án và lập biên bản ghi nhận số tiền thực tế còn tồn tại quỹ tiền mặt và yêu cầu thủ trưởng cơ quan THADS, kế toán nghiệp vụ thi hành án và thủ quỹ ký xác nhận
- Đối chiếu với số dư trên sổ quỹ tiền mặt của thủ quỹ và kế toán nghiệp vụ thi hành án xác định việc cập nhật, ghi chép sổ sách của thủ quỹ với kế toán có chính xác, kịp thời, xác định số chênh lệch tiền mặt nếu có.
- Kiểm sát việc chốt quỹ tiền mặt của cơ quan THADS có đúng khoản 2 Điều 35 Thông tư 91.
- Kiểm sát việc nộp tiền vào quỹ có kịp thời; việc đề nghị chi và thanh toán tiền thi hành án; Việc để tồn quỹ tiền mặt thi hành án có đúng quy định của pháp luật tại khoản 2 Điều 58 Luật THADS năm 2014.
* Kiểm sát biên lai thu tiền
Kiểm sát việc cập nhật những khoản tiền đã thu và chi tiền trên sổ quỹ của thủ quỹ để đối chiếu từng khoản tiền đã thu phản ánh trên các loại biên lai thu để xác định các khoản tiền chưa nộp quỹ; nộp chậm và nộp thiếu.
Qua đó, xác định việc ghi biên lai, hủy biên lai và quản lý biên lai thu của cơ quan THADS có đúng theo quy định tại Thông tư 01
* Kiểm sát chứng từ, sổ sách của kế toán
- Kiểm sát việc hạch toán báo cáo các khoản thu, quản lý và thanh toán tiền thi hành án trên phần mềm kế toán;
- Kiểm sát việc lưu chứng từ, sổ sách kế toán và in các loại sổ sách báo cáo tài chính theo quy định tại Thông tư 91.
* Đọc bảng cân đối tài khoản
Nhìn chung các bảng cân đối cơ quan THADS cung cấp đều chính xác. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm sát trực tiếp phát hiện Kế toán thi hành án xuất Bảng cân đối tài khoản ra bảng Excel để sửa chữa phần số dư cuối kỳ tại các tài khoản số 333, 336, 342, 343 bằng với số dư thực tế trên quỹ thi hành án (tại quỹ tiền mặt, tiền gửi Kho bạc, chứng chỉ có giá và khoản tiền còn phải bồi thường, nếu có) để đối phó với đoàn kiểm tra.
Do đó, cần đối chiếu số tiền tồn quỹ thi hành án với tổng số dư phân tích chi tiết các tài khoản trên Bảng cân đối tài khoản, cụ thể:
+ Kiểm tra đối chiếu số dư tại tài khoản tiền mặt, tài khoản tiền gửi ngân hàng, kho bạc, tài khoản tài sản tang vật theo công thức: số dư đầu kỳ cột nợ + số phát sinh trong kỳ cột nợ - số phát sinh trong kỳ cột có = số dư cuối kỳ cột nợ.
+ Kiểm tra số dư tại các tài khoản số 333, 336, 342, 343 là theo công thức: Số dư đầu kỳ cột có + số phát sinh trong kỳ cột có – số phát sinh trong kỳ cột nợ = Số dư cuối kỳ cột có.
- Đối chiếu số dư sổ tiền gửi Kho bạc (tài khoản 112) trên Bảng cân đối tài khoản với Bảng xác nhận số dư của tiền gửi từng tháng do Kho bạc nhà nước cùng cấp xác nhận.
- Đối chiếu số dư chứng chỉ có giá tài khoản số1114 trên Bảng cân đối tài khoản với sổ tiền gửi tại ngân hàng (sổ tiền gửi tiết kiệm). Đồng thời đối chiếu với đề xuất gửi tiết kiệm của Chấp hành viên tại hồ sơ thi hành án, xác định thời điểm Chấp hành viên đề xuất gửi tiền và thời gian gửi; có hay không việc chậm gửi, việc rút tiền gửi không có đề xuất của Chấp hành viên.
- Kiểm sát phiếu thu để xác định việc cập nhập có phù hợp với số tiền ghi tại biên lai thu; Kiểm sát thủ tục chi tiền thi hành án: giấy nộp tiền ngân sách, nộp tiền gửi bưu điện để thanh toán tiền thi hành án cho người được thi hành án, ủy nhiệm chi (nếu có); đề xuất chi tiền của Chấp hành viên, giấy ủy quyền (nếu có) và giấy chứng minh nhân dân phô tô của người đến nhận tiền…để xác định khoản tiền thi hành án đã thanh toán. Qua đó, tổng hợp số tiền còn phải nộp mà cơ quan THADS chưa nộp hoặc chậm nộp.
- Xác định các khoản phải thu, đã thu của đối tượng phải thi hành và các khoản chi trả cho đối tượng được thi hành, các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước theo từng hồ sơ thi hành án, đồng thời đối chiếu số thu nộp tiền thi hành án trên sổ kế toán với để xác định tình hình thu, quản lý và thanh toán tiền thi hành án. So sánh đối chiếu với Báo cáo tổng hợp kết quả thi hành án (biểu mẫu B07-THA) giữa Chấp hành viên và Kế toán. Trên cơ sở đó xác định được khoản đã thi hành xong, còn phải thi hành án, việc chênh lệch số tiền đã thu, đã nộp quỹ; khoản đã thu được nhưng chưa thanh toán (nếu có).
- Trên cơ sở Bảng cân đối tài khoản xác định số số dư các tài khoản tiền nộp ngân sách (số 333), tài khoản trả tiền cho công dân (số 335), Kiểm sát viên yêu cầu kế toán nghiệp vụ thi hành án cung cấp báo cáo phân tích số dư tài khoản trên để yêu cầu Chấp hành viên cung cấp hồ sơ thi hành án để xác định lý do còn tồn tiền thi hành án đã thu được nhưng chưa thanh toán xong, xác định có hay không vi phạm chậm tổ chức thi hành án.
* Kiểm sát tổng sốtiền nghiệp vụ thi hành án còn tồn của cơ quan THADS:
Để xác định tổng số tiền nghiệp vụ thực tế còn tồn chuyển kỳ sau của cơ quan THADS căn cứ tại:
- Số tiền nghiệp vụ tồn tại quỹ đơn vị.
- Bản xác nhận số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước.
- Các hợp đồng tiền gửi tại Ngân hàng.
Các bước tiến hành:
Trên cơ sở báo cáo của cơ quan THADS thể hiện số tiền còn tồn chuyển kỳ sau hiện còn tại quỹ tiền mặt; tiền gửi Kho bạc, Ngân hàng; khi kiểm sát tiến hành xác định tổng số tiền nghiệp vụ thực tế còn tồn chuyển kỳ sau của cơ quan THADS; Cụ thể:
+ Đối vớisố tiền nghiệp vụ tồn tại quỹ đơn vị: Tiến hành kiểm đếm.
+ Đối với số tiền gửi tại Kho bạc:
Yêu cầu cơ quan THADS cung cấp bản xác nhận số dư tiền gửi của Kho bạc(trong trường hợp số tiền tại bản xác nhận không phù hợp với số tiền theo báo cáo thì yêu cầu cung cấp bản xác nhận số dư tiền gửi của từng tháng và tiến hành xác minh tại Kho bạc để làm rõ);
Yêu cầu cơ quan THADS cung cấp danh sách kèm theo các chứng từ của từng vụ việc cụ thể đối với số tiền gửi tại Kho bạc theo báo cáo của đơn vị. Tiến hành kiểm sát trên từng phiếu thu và lập danh sách chi tiết từng loại việc (tiền nộp tạm ứng dự phí, án phí; tiền tự nguyện nộp trước; tiền vật chứng; tiền do các trại tạm giam chuyển....) thể hiện rõ người nộp tương ứng với số tiền đã nộp, địa chỉ người nộp; số biên lai thu hoặc phiếu thu, ngày thu tiền và xác định lý do đến nay chưa xử lý được (chưa nhận được bản án, quyết định; do bản án tuyên chưa rõ, khó thi hành; chưa thông báo được cho đương sự đến nhận tiền...) đối với từng việc. Sau đó xác định tổng số tiền thực tế theo từng danh sách đã lập có chính xác với số tiền theo danh sách cơ quan THADS đã cung cấp không? Cần làm rõ số tiền chênh lệch và lý do chênh lệch.
Lưu ý:
Riêng khoản tiền tạm ứng chi phí cưỡng chế còn hiện đang gửi tại tài khoản Kho bạc hoặc còn hiện tại quỹ tiền mặt và khoản tiền phí thi hành án chưa xử lý hiện đang gửi tại tài khoản Kho bạc không xác định là số tiền nghiệp vụ thực tế còn tồn chuyển kỳ sau của cơ quanthi hành án dân sự.
Cần rà soát từng việc theo danh sách đã lập với những việc cơ quanTHADS đã ra quyết định thi hành án để tránh trường hợp có việc cơ quan THADS đã cho thi hành nhưng vẫn thể hiện tại danh sách chưa xử lý.
+ Đối với số tiền gửi tại Ngân hàng: Yêu cầu cơ quan THADS cung cấp danh sách kèm theo sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi và hồ sơ thi hành án của từng việc để xác định số tiền thực tế và số tiền theo báo cáo có phù hợp không; việc gửi tiền tại Ngân hàng đã thực hiện đúng theo quy định của Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không?
Rất mong nhận được các ý kiến tham gia của các đồng chí trong ngành cùng trao đổi, chia sẻ có thêm nhiều kinh nghiệm và để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự trong hoạt động thu, quản lý và thanh toán tiền thi hành án tại Cơ quan thi hành án dân sự ngày càng đạt hiệu quả cao hơn./.
Nguyễn Thị Thủy- Phòng 11