Sau khi tác giả Lê Văn Cường có bài viết “Vướng mắc khi áp dụng điểm d khoản 2 Điều 327 Bộ luật hình sự” đăng trên trang tin điện tử VKSND tỉnh Bắc Giang, Ban biên tập nhận được 4 ý kiến phản hồi.
>>> Vướng mắc khi áp dụng điểm d khoản 2 Điều 327 Bộ luật hình sự
Đồng chí Nguyễn Thị Việt Anh- VKSND thành phố Bắc Giang, Nguyễn Khắc Tú- VKSND huyện Lục Ngạn, Nguyễn Hồng Hạnh- Thanh tra và Phan Thị Diễm Hạnh- Phòng 7 VKSND tỉnh Bắc Giang đều đồng ý với quan điểm thứ nhất, tức là truy tố X theo khoản 1 Điều 327 Bộ luật hình sự, bởi lẽ:
Thứ nhất,hiện nay Nghị quyết số 01 ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vẫn còn hiệu lực pháp luật nên cần phải áp dụng tiết b điểm 4.2 của Nghị quyết để điều tra, truy tố, xét xử.
Thứ hai, mua dâm và bán dâm là hai hoạt động không thể tách rời và tồn tại song song nhau, sẽ không có hành động này nếu thiếu hành động kia. Do vậy nếu hành động mua, bán xảy ra thì phải coi đó là cùng một hành vi và cùng một hậu quả và người chứa chấp những người thực hiện hành vi mua, bán dâm thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, chỉ áp dụng điểm d khoản 2 Điều 327 khi chứa 4 cặp mua bán dâm trong cùng một thời điểm.
Thứ ba,nếu quan niệm và tách người bán dâm, người mua dâm độc lập với nhau để áp dụng điểm d khoản 2 Điều 327 thì đối với tội “Môi giới mại dâm” quy định tại Điều 328 Bộ luật hình sự sẽ không có trường hợp phạm tội ở cấu thành cơ bản vì trên thực tế, hoạt động môi giới là hành vi của người nào đó, giới thiệu người bán dâm với người mua dâm hoặc ngược lại, nên thông thường, người môi giới phải đặt vấn đề với cả hai bên để họ thực hiện hành vi mua, bán dâm, và tội “Môi giới mại dâm” chỉ hoàn thành khi có hoạt động mua, bán dâm xảy ra. Do đó, nếu theo quan điểm thứ 2 thì phải áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 328 để điều tra, truy tố, xét xử. Điều này là bất hợp lý gây bất lợi cho người phạm tội.
Đây cũng là một trong những nội dung còn vướng mắc, bất cập trong Bộ luật hình sự hiện hành nên cần sớm có hướng dẫn để áp dụng thống nhất./.
Ban biên tập