Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (còn hiệu lực đến ngày 01/7/2018 quy định:
2. Vũ khí quân dụng gồm:
a) Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự;
b) Vũ khí hạng nhẹ gồm súng đại liên, súng cối dưới 100 mi-li-mét, (mm), súng ĐKZ, súng máy phòng không dưới 23 mi-li-mét (mm), súng phóng lựu, tên lửa chống tăng cá nhân, tên lửa phòng không vác vai, các loại vũ khí hạng nhẹ khác có tính năng, tác dụng tương tự;
c) Các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ;
d) Vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.
Theo quy định tại Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018) quy định:
2. Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
Điểm mới trong Luật có quy định riêng về vũ khí có tính năng tác dụng tương tự(tại khoản 6 Điều 3):
6. Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.”
Điều 304 BLHS 2015 quy định về tội: “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”. Điều luật quy định đối tượng tác động là “Vũ khí quân dụng”, không có quy định các loại “Vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng”. Do vậy, đối tượng tác động của tội phạm quy định tại Điều 304 BLHS hiện hành đã thu hẹp hơn so với đối tượng tội phạm quy định tại Điều 230 BLHS năm 1999, do có sự thay đổi giữa Pháp lệnh năm 2011 và Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…. như đã phân tích ở trên.
Như vậy, hiểu theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì các loại vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng không được coi là “Vũ khí quân dụng” nên không thuộc đối tượng tác động của tội “chế tạo, tàng trữ, sử dụng…trái phép vũ khí quân dụng” được quy định tại Điều 304 BLHS năm 2015.
Căn cứ điều luật thì thấy các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng, không cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 304 BLHS hiện hành. Như vậy, các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng… các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao (kèm theo điều kiện đã bị xử lý hành chính, bị kết án…) thì phải chịu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng… các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng thì không được quy định là hành vi phạm tội của bất cứ tội phạm nào liên quan đến vũ khí, thuộc Mục 3 “Các tội phạm khác xâm phạm an toàn công cộng” của BLHS hiện hành. Trong khi trên thực tế, hành vi loại này đang xảy ra nhiều và tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi rất cao nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm trong giới trẻ đang sử dụng những loại vũ khí này làm công cụ, phương tiện gây án trong các vụ án Cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công công...
Công văn số 416/V14 ngày 09/7/2018 của Vụ pháp chế và quản lý khoa học VKSND tối cao nêu tinh thần hướng dẫn xử lý đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vẫn có thể xem xét xử lý trách nhiệm hành chính, trường hợp sử dụng để gây án, xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người thì xem xét, xử lý theo các tội danh tương tứng theo quy định của BLHS (Tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe của người khác...). Cần thiết phải có văn bản pháp luật (thông tư liên tịch) hướng dẫn để xử lý loại tội phạm nguy hiểm này./.
Thân Mạnh Thắng- VKSND huyện Lục Nam