Nội dung vụ án: Ngày 15/4/2018, Nguyễn Thanh H điều khiển xe ô tô do chuyển hướng không đảm bảo an toàn dẫn đến va chạm với xe đạp do ông Nguyễn Văn X điều khiển đi cùng chiều. Hậu quả ông X bị chết. Cơ quan tiến hành tố tụng huyện L đã khởi tố điều tra, truy tố và xét xử đối với H về tội “ Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 BLHS.
Về vật chứng trong vụ án, Cơ quan điều tra thu giữ phương tiện tham gia giao thông, gồm: 01 xe ô tô và 01 xe đạp. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã ra quyết định xử lý vật chứng trả lại xe ô tô và xe đạp cho chủ sở hữu. Nhưng người đại diện hợp pháp của người bị hại không đến nhận chiếc xe đạp. Tại phiên toà, đại diện của người bị hại vẫn đề nghị HĐXX không nhận lại chiếc xe đạp trên. Qua vụ án nêu trên có hai quan điểm như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Mặc dù chiếc xe đạp trên là tài sản của người bị hại, nhưng đại diện hợp pháp của người bị hại không nhận lại tài sản từ giai đoạn điều tra và xét xử. Theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 47 BLHS thì chiếc xe đạp này không phải là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội nên không được tịch thu sung công hay tiêu huỷ. Do vậy cần trả lại cho người bị hại. Nhưng đại diện của người bị hại không đề nghị lấy lại tài sản và cam đoan không có khiếu kiện gì về việc này. Do vậy căn cứ vào Điều 106 BLTTHS, HĐXX cần phải tuyên sung công quỹ nhà nước đối với chiếc xe đạp này.
- Quan điểm thứ hai: Đối với chiếc xe đạp nêu trên, đây là tài sản không được tịch thu sung công hay tiêu huỷ. Do vậy HĐXX cần tuyên xử lý vật chứng trả lại cho người bị hại là phù hợp với quy định của pháp luật.
Tác giả bài viết đồng tình với quan điểm thứ nhất. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi ý kiến của đồng nghiệp./.
Nguyễn Văn Chuyên- VKSND huyện Lục Nam