ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 25/12/2024 -12:20 PM

Phản hồi bài viết: “Cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án có phù hợp luật thi hành án không?"

 | 

Sau khi đọc bài viết “Cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án có phù hợp luật thi hành án không” của tác giả Nguyễn Đình Điển- Phòng 11 , tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:

>>> Cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án có phù hợp luật thi hành án không?

+ Với hai quan điểm tác giả đã đưa ra, tôi đồng ý với quan điểm giải quyết thứ hai của tác giả: Cơ quan thi hành án dân sự huyện B vẫn phải ra quyết định thi hành án đối với Nguyễn Văn T, bởi:

   - Việc ngày 17/3/2018 Cơ quan Tòa án huyện B mới chuyển bản án sơ thẩm và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm sang Chi cục THADS huyện B để ra quyết định thi hành án là vi phạm của Tòa án nhân dân huyện B, bởi bản án trên thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 28 Bộ luật THADS năm 2008 về “Chuyển giao bản án, quyết định”: “1. Đối với bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b,c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này thì Tòa án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật”.

   - Chi cục THADS huyện B vẫn ra quyết định thi hành án chủ động đối với T số tiền 200.000 đ án phí hình sự sơ thẩm là phù hợp với điểm a, khoản 2, Điều 36 Luật THADS sửa đổi năm 2014 về việc “Ra quyết định thi hành án”. Bởi, Luật THADS hiện hành không quy định thời hiệu thi hành án với khoản thi hành án chủ động mà chỉ có quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án của đương sự theo Điều 30 Luật THADS sửa đổi năm 2014 (Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật).

+ Với quan điểm thứ nhất cho rằng: Cơ quan thi hành án dân sự huyện B không được ra quyết định thi hành án đối với T vì bản án hình sự sơ thẩm đã hết thời hiệu thi hành án theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 60 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 và quy định ở khoản 1, điều 30 luật Thi hành án dân sự là không phù hợp, bởi:

   - Tại điểm a, khoản 2, điều 60 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định thời hiệu thi hành án đối với trường hợp “xử phạt tiền”. Tuy nhiên khoản tiền T phải thi hành là án phí hình sự sơ thẩm không phải là hình phạt tiền nên việc tính thời hiệu sẽ được thực hiện theo hướng dẫn tại mục 1.1Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt”: Thời hiệu thi hành bản án quy định tại Điều 55 của BLHS là thời hiệu thi hành bản án hành sự về quyết định hình phạt. Đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản thì việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

   -  Tại khoản 1, điều 30 luật thi hành án dân sự quy định về thời hiệu thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án, người phải thi hành án là 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này khi Tòa án nhân dân tỉnh A ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đồng nghĩa với việc bản án hình sự sơ thẩm của huyện B có hiệu lực pháp luật. Lúc này trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Tòa án dân tỉnh A ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm thì T có quyền yêu cầu thi hành án; vì đây là khoản án phí nên nếu T không làm đơn yêu cầu thi hành án thì Chi cục THADS huyện B vẫn sẽ chủ động ra quyết định thi hành án theo điểm a, khoản 2 Điều 36 Luật THADS sửa đổi 2014 để thi hành khoản án phí của Nguyễn Văn T khi Chi cục THADS nhận được bản án, quyết định của Tòa án.

Rất mong nhận được những ý kiến phản hồi từ các đồng nghiệp./.

Nguyễn Thanh Bình- VKSND huyện Sơn Động

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,847,136
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.148.115.187

    Thư viện ảnh