ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 25/12/2024 -20:05 PM

Vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án dân sự

 | 

Vấn đề xác minh trong công tác thi hành án dân sự là yếu tố quyết định để phân loại người phải thi hành án có điều kiện hay chưa có điều kiện thi hành án. Tuy nhiên xác minh như thế nào? và xác minh ở đâu để đạt kết quả xác minh chính xác nhất, đầy đủ nhất lại là vấn đề cần đưa ra trao đổi.

Tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định về xác minh điều kiện thi hành án dân sự, cụ thể như sau:

Khoản 1 quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên tiến hành xác minh, … Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự …”

Điểm e khoản 4 quy định: “Lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh”.

Quy định như trên hiện nay có hai quan điểm khác nhau về địa điểm tiến hành xác minh:

- Quan điểm thứ nhất: khi hết thời gian tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh. Muốn xác minh được cụ thể tài sản (động sản và bất động sản), thu nhập và các điều kiện khác thì ngoài việc xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Chấp hành viên phải trực tiếp xác minh tại nơi ở, nơi làm việc hoặc nơi có tài sản của người phải thi hành án. Nếu chỉ xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì sẽ không thể xác minh được cụ thể các tài sản là động sản như ô tô, xe máy, ti vi, bàn ghế, gia súc và mức thu nhập… của người phải thi hành án. Ngoài ra Luật cũng quy định người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Điều này có nghĩa nếu triệu tập mà đương sự cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên không có cách nào khác là phải đến nhà gặp trực tiếp người phải thi hành án hoặc người than của họ  để xác minh cụ thể điều kiện thi hành án. Và việc xác minh phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã. Mặt khác, theo quy định tại điểm b khoản 4 quy định khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có trách nhiệm: “xác minh cụ thể tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để thi hành án, đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản giao dịch đó”. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất ngoài việc xác minh qua công chức địa chính tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Chấp hành viên còn phải xác minh tại Văn phòng đăng ký đất đai mới đầy đủ.

- Quan điểm thứ hai: căn cứ vào điểm e khoản 4 Điều 44 Luật thi hành án dân sự thì: việc xác minh điều kiện thi hành án chỉ cần tiến hành xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã là đủ bởi Ủy ban nhân dân cấp xã phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin của người phải thi hành án cho Chấp hành viên.

Trong thực tiễn áp dụng pháp luật còn có vướng mắc, rất mong nhận được ý kiến đóng góp, trao đổi của các đồng nghiệp. Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất./.

Dương Thị Thúy- Viện KSND huyện Hiệp Hòa

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,851,804
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.128.168.176

    Thư viện ảnh