Ngày 02/5/2018, Viện KSND tối cao đã ban hành Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và có hiệu lực kể từ ngày ký. Sau đây là một số điểm cần lưu ý.
1. Về phạm vi công tác: Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố bắt đầu từ khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận tin báo đến khi ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự và ra thông báo kết quả giải quyết theo quy định của Bộ luật TTHS.
2. Về trách nhiệm của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên
- Khi được phân công THQCT, kiểm sát việc giải quyết tin báo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ kiểm sát; khi báo cáo, đề xuất việc giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi công tác, Kiểm sát viên, kiểm tra viên phải báo cáo trung thực, chính xác, khách quan, đầy đủ nội dung, tiến độ và đề xuất quan điểm xử lý bằng văn bản;
- Quá trình kiểm sát nếu thấy việc giải quyết tin báo không thuộc thẩm quyền thì báo cáo lãnh đạo yêu cầu CQĐT chuyển, đồng thời có trách nhiệm thông báo đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để thực hiện việc kiểm sát;
- Khi kiểm sát, nếu thấy đã rõ dấu hiệu tội phạm, đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự (kể cả trường hợp chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi phạm tội) thì phải yêu cầu CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án;
- Trong quá trình kiểm sát tin báo, Kiểm sát viên chủ động đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh để kiểm tra tính xác thực của tin báo. Yêu cầu kiểm tra, xác minh có thể thực hiện nhiều lần, bằng văn bản hoặc bằng lời nói;
- Kiểm sát viên phải nắm chắc nội dung và tiến độ kiểm tra, xác minh tin báo; có quyền yêu cầu Điều tra viên cung cấp chứng cứ, tài liệu để kiểm sát;
- Kết thúc việc giải quyết tin báo, nếu CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết thì Kiểm sát viên phải kiểm sát quyết định đó; nếu thấy việc tạm đình chỉ có căn cứ và hợp pháp thì phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã ra quyết định biết. Đây là điểm mới của Quy chế.
3. Về trách nhiệm của lãnh đạo Viện, lãnh đạo đơn vị
- Trách nhiệm của lãnh đạo Viện, lãnh đạo đơn vị phải cho ý kiến chỉ đạo vào văn bản đề xuất của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên để lưu hồ sơ kiểm sát;
- Trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tin báo thì lãnh đạo Viện, lãnh đạo đơn vị phải ra quyết định phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hiện việc kiểm sát;
4. Về quan hệ phối hợp giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên, cán bộ điều tra và quan hệ với các khâu công tác kiểm sát khác
- Kiểm sát viên có quyền đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh tin báo; Điều tra viên, Cán bộ điều tra có quyền đề nghị Kiểm sát viên giải thích rõ nội dung những yêu cầu kiểm tra, xác minh. Trường hợp Điều tra viên, Cán bộ điều tra không nhất trí thì Kiểm sát viên cũng có quyền yêu cầu nêu rõ lý do và báo cáo lãnh đạo Viện xem xét, kiến nghị với Thủ trưởng CQĐT. Trường hợp CQĐT không thực hiện được đầy đủ các yêu cầu kiểm tra, xác minh thì báo cáo lãnh đạo Viện yêu cầu CQĐT nêu rõ lý do trong văn bản thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm;
- Kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết tin báo phải thường xuyên liên hệ với bộ phận kiểm sát việc tạm giữ để nắm tình hình của những người này (nếu có), giúp cho việc giải quyết được chính xác, khách quan. Đồng thời cũng thường xuyên phối hợp với bộ phận kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp để giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo (nếu có).
5. Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tin báo: Viện kiểm sát chỉ trực tiếp giải quyết tin báo trong trường hợp việc giải quyết của CQĐT có vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà Viện kiểm sát đã có yêu cầu khắc phục nhưng không khắc phục; trường hợp này Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu CQĐT chuyển tin báo cho Viện kiểm sát giải quyết
Trước khi tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh thì Kiểm sát viên phải xây dựng kế hoạch báo cáo lãnh đạo phê duyệt; Kiểm sát viên có thể phối hợp với Điều tra viên để xác minh; kết thúc kiểm tra, xác minh phải nghiên cứu, đánh giá kết quả thu được và đề xuất hướng giải quyết
6. Về phát hiện và xử lý vi phạm:
- Kiểm sát viên phải kịp thời phát hiện, tổng hợp vi phạm của CQĐT, Điều tra viên để yêu cầu khắc phục và xử lý cán bộ vi phạm; trong trường hợp cần thiết thì ban hành kiến nghị;
- Đối với lệnh, quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Thủ trưởng CQĐT, Điều tra viên thì yêu cầu Thủ trưởng ra quyết định thay đổi, hủy bỏ hoặc Viện Kiểm sát ra quyết định hủy bỏ. Nếu lệnh, quyết định của thủ trưởng thì Viện Kiểm sát ra quyết định hủy bỏ./.
Lê Đình Luyện- VKSND huyện Lạng Giang