ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 25/12/2024 -20:27 PM

Vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp dẫn giải người bị hại từ chối việc giám định

 | 

Tại điểm b khoản 2 Điều 127 Bộ luật tụng hình sự năm 2015 quy định về biện pháp dẫn giải có thể áp dụng đối với: “Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”;

Đây là một biện pháp cưỡng chế hoàn toàn mới so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, quy định này nhằm khắc phục những trường hợp mà người bị hại từ chối việc giám định gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ việc hình sự cũng như hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện quy định mới này cũng có những khó khăn, bất cập nhất định: Hiện nay, nhiều vụ gây thương tích sau khi xảy ra vụ, việc các bên liên quan không thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường, người bị hại làm đơn đề nghị giải quyết đến cơ quan có thẩm quyền. Khi cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết thì bị hại và những người có liên quan lại thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường thiệt hại, người bị hại có đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và từ chối giám định mà có nhiều vụ việc nếu giám định dự đoán sẽ có kết quả thương tích lớn đủ yếu tố cấu thành tội phạm cần phải khởi tố vụ án không phụ thuộc vào khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.

Trong những trường hợp như vậy, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trưng cầu giám định và thực hiện việc dẫn giải người bị hại đi giám định nhưng người bị hại vẫn cương quyết từ chối việc giám định thậm chí tỏ thái độ bất hợp tác với các cơ quan tố tụng với lý do trình bày là có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Vấn đề đặt ra ở đây là theo khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 và Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về “quyền bất khả xâm phạm về thân thể” thì cơ quan thực hiện việc giám định không thể tiến hành giám định, gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án.

Đề nghị liên ngành cấp trên cần có văn bản hướng dẫn về vấn đề dẫn giải người bị hại đi giám định theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng quy định mới này trên thực tiễn .

Nguyễn Bá Tuân- VKSND huyện Sơn Động

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,852,065
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.140.195.142

    Thư viện ảnh