.

Thứ ba, 23/07/2024 -10:28 AM

Một số vấn đề cần chú ý của Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

 | 

Ngày 12/12/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định số 501/QĐ-VKSTC quyết định về việc ban hành Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự (sau đây gọi tắt là Quy chế 501), thay thế Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29/01/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Ngoài việc kế thừa những điểm còn giá trị và phù hợp của Quy chế 35, Quy chế 501 được sửa đổi, bổ sung căn bản, toàn bộ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi, đối tượng, nội dung của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Với 8 chương và 56 điều, Quy chế 501 đã quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung công tác kiểm sát, phương thức thực hiện, các biện pháp xử lý và khắc phục vi phạm, thẩm quyền ký văn bản... phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự theo các quy định mới của Luật tổ chức VKSND năm 2014; Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Bộ luật TTHS năm 2015; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015…

Có thể nói rằng, Quy chế 501 là “cẩm nang” cho cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát khi được phân công thực hiện công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Theo chúng tôi, khi nghiên cứu thực hiện Quy chế 501 cần chú ý một số điểm sau:

*Thứ nhất, về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 2 một số nội dung sau:

- Một là, kiểm sát hồ sơ hồ sơ quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án;

- Hai là, xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự;

- Ba là, ra văn bản thể hiện quan điểm, tham gia và kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên họp tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện;

- Bốn là, tham gia phiên họp, có ý kiến bằng văn bản và kiểm sát trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án;

- Năm là, yêu cầu giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án;

- Sáu là, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.

*Thứ hai, về phạm vi công tác kiểm sát, tại Điều 4 đãquy định rõ đối với từng công tác kiểm sát thành 3 khoản và quy định bổ sung phạm vi công táccông tác kiểm sát việc xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án. Khi thực hiện công tác kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ývềphạm vi công tác kiểm sát thi hành án hình sự bắt đầu từ khi bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án hình sự và kết thúc khi chấm dứt việc thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật..

*Thứ ba, đối với công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam:Những nội dung sửa đổi, bổ sung về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam cụ thể như sau:

- Một là, về kiểm sát thủ tục, hồ sơ giam giữ, tại Điều 5 quy định cụ thể kiểm sát việc tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam;kiểm sát việclập hồ sơ và thực hiện chế độ quản lý, lưu trữ hồ sơ tạm giữ, tạm giam.

- Hai làvề kiểm sát căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn tạm giữ, tạm giam, tại Điều 6đã quy định cụ thể: (1) VKS kiểm sát chặt chẽ về căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật TTHS và các quy định của pháp luật khác có liên quan. (2) Khi phát hiện việc tạm giữ, tạm giam vi phạm về căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật, VKS phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu xử lý; đồng thời báo cáo VKS cấp trên trực tiếp để chỉ đạo, phối hợp giải quyết.

Khi VKSND cấp tỉnh phát hiện vi phạm của TAND cấp cao về căn cứ, thủ tục hoặc thời hạn tạm giam thì ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm theo quy định tại Điều 5 và Điều 22 Luật Tổ chức VKSND, Điều 42 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; đồng thời gửi kiến nghị đến VKSND cấp cao để theo dõi. Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao không thực hiện kiến nghị, VKSND cấp tỉnh báo cáo VKSND cấp cao để xem xét, quyết định.

- Ba là, về kiểm sát việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ, tại Điều 7 quy định bổ sung: “Khi phát hiện vi phạm, tồn tại thì VKS thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục ngay và có biện pháp chấn chỉnh, tổ chức phòng ngừa theo quy định của pháp luật và Quy chế này”.

- Bốn là, về kiểm sát việc bảo đảm quyền và các chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tại Điều 8 quy định bổ sung: Kiểm sát việc cơ sở giam giữ bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm nhân đạo, không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Trong kiểm sát việc thực hiện các chế độ,chú ý các chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người bị kết án tử hình đang bị tạm giam. Khi phát hiện vi phạm, tồn tại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, VKS thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan quản lý, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam khắc phục và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

- Năm là, về tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, tại Điều 9 nêu rõ: Vấn đề này đã có Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng VKSNDTC) điều chỉnh. Vì vậy, để tránh việc chồng chéo, thiếu thống nhất, Quy chế 501 chỉ quy định những vấn đề đặc thù, riêng có trong việc tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo trong quá trình trực tiếp kiểm sát tại cơ sở giam giữ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phạm nhân, đây là những đối tượng đặc biệt không thể trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo. Những vấn đề khác, Quy chế 501 dẫn chiếu đến những quy định của pháp luật tương ứng.

*Thứ tư, đối với công tác kiểm sát thi hành án hình sự có những quy định mới cần lưu ý sau:

- Một là, về kiểm sát việc Toà án gửi bản án, quyết định, tại Điều 10 quy định rõ các loại quyết định, bản án Tòa án phải gửi cho VKS, người bị kết án và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; việc xử lý khi phát hiện vi phạm về thời hạn, đối tượng, thủ tụctrong việc Toà án gửi bản án, quyết định.

- Hai là, về kiểm sát việc Toà án ra quyết định ủy thác thi hành án được quy định bổ sung tại khoản 2 Điều 11: “VKS cùng cấp với Tòa án nhận ủy thác phải thông báo lại cho VKS cùng cấp vớiTòa án đã ủy thác biết việc đã nhận được thông báo”.

- Ba là, kiểm sát việc thi hành quyết định thi hành án phạt tù quy định bổ sung tại khoản 1, khoản 2 Điều 12Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án phạt tù đối với người bị kết án đang tại ngoại của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, VKS cùng cấp phải sao gửi quyết định đó cho VKSND cấp huyện nơi người bị kết án đang tại ngoại biết để kiểm sát; trường hợp người bị kết án đang tại ngoại không tự nguyện chấp hành án hoặc bỏ trốn nhưng Cơ quan THAHS không ra quyết định áp giải, quyết định truy nã thì Viện kiểm sát ra văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định áp giải, quyết định truy nã.

- Bốn là, về kiểm sát việc hoãn chấp hành án phạt tù, tại khoản 3, khoản 4 Điều 13 quy định bổ sung kiểm sát việc Chánh án Tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù ra thông báo và gửi thông báo trước khi hết thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù theo quy định tại khoản 6 Điều 24 Luật Thi hành án hình sự; kiểm sát việc thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù trong trường hợp Tòa án cấp tỉnh ra quyết định hoãn “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hoãn chấp hành án phạt tù của Tòa án cùng cấp, VKSND cấp tỉnh... phải sao gửi quyết định hoãn chấp hành án phạt tù cho VKSND cấp huyện nơi người được hoãn chấp hành án phạt tù đang cư trú biết để kiểm sát. VKSND cấp huyện…thông báo trở lại việc đã nhận được quyết định”.

- Năm là, kiểm sát việc quản lý và giáo dục phạm nhân. Tại Điều 14 quy định bổ sung và cụ thể về kiểm sát tiếp nhận phạm nhân; kiểm sát việc thực hiện những quy định đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi. Đối với kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với phạm nhân, thì phải chú trọng việc thực hiện chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

- Sáu là, về kiểm sát việc thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù tại khoản 2 Điều 15 quy định bổ sung VKSND cấp huyện... thông báo cho VKSND cấp tỉnh... biết việc đã nhận được quyết định tạm đình chỉ.

- Bảy là, về kiểm sát việc đình chỉ thi hành án phạt tù (Điều 16):Đây là quy định mới được tách một phần từ các nội dung kiểm sát việc thi hành quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND cấp huyện…nơi người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án về cư trú chết và VKS nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án kiểm sát việc Tòa án ra quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 5 Điều 24 và khoản 5 Điều 32 Luật thi hành án hình sự.

- Tám là, về kiểm sát việc đình chỉ chấp hành án phạt tù (Điều 17): Đâylà nội dung mới quy định cụ thể việc kiểm sát khi phạm nhân chết.

- Chín là, về kiểm sát việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tại Điều 18 quy định bổ sung 03 nội dung: Kiểm sát việc tổ chức công bố quyết định, chú trọng những trường hợp giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại; VKSND cấp tỉnh...kiểm sát quyết định giảm; nếu phát hiện vi phạm, thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị theo quy định tại Điều 42, Điều 43 Quy chế.

- Mười là, việc kiểm sát việc tha tùthi hành quyết định tha tù, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện: Đây là nội dung mới được quy định tại Điều 19.

- Mười một là, về việc kiểm sát việc miễn chấp hành án phạt tù, tại Điều 20 Quy định bổ sung 02 nội dung: Kiểm sát việc thi hành quyết định miễn chấp hành án phạt tù của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật THAHS và các quy định của pháp luật khác có liên quan; VKS cấp tỉnh...kiểm sát quyết định miễn; nếu phát hiện vi phạm, thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị theo quy định tại Điều 42, Điều 43 Quy chế.

- Mười hai là, kiểm sát việc đặc xá: Tại Điều 21 quy định bổ sung VKSND cấp tỉnh… nếu phát hiện trường hợp có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá nhưng không được cơ quan có thẩm quyền đề nghị thì báo cáo VKSND tối cao xem xét, quyết định.

- Mười ba là, kiểm sát thi hành án tử hình: Tại khoản 3 Điều 23 quy định bổ sung kiểm sát việc xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án theo đúng quy định tại khoản4 Điều 40 BLHS, khoản 2 Điều 367 Bộ luật TTHS và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

- Mười bốn là, kiểm sát việc thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, tại Điều 24 quy định bổ sung hai nội dung: (1) Trong thời hạn 03 ngày làm việc,kể từ ngàynhận được quyết định thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ của TAND cấp tỉnh, VKS cùng cấp phải sao gửi quyết định đó cho VKSND cấp huyện biết để kiểm sát. VKS đã nhận được quyết định phải thông báo biết việc đã nhận được quyết định. (2) VKS cùng cấp, VKS cấp trên trực tiếp kiểm sát quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn và xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; nếu phát hiện vi phạm, thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị theo quy định tại Điều 42, Điều 43 Quy chế này.

- Mười lăm là, về kiểm sát thi hành án phạt cấm cư trú, quản chế: Tại Điều 25 quy định bổ sung nội dung VKS cùng cấp, VKS cấp trên trực tiếp kiểm sát quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại của Toà án theo quy định của pháp luật; nếu phát hiện vi phạm, thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị theo quy định của pháp luật và quy định tại Điều 42, Điều 43 Quy chế này.

- Mười sáu là, kiểm sát việc áp dụng thời hiệu thi hành bản án: Tại Điều 29 sửa đổi, bổ sung quy định VKS phải có ý kiến bằng văn bản nêu rõ quan điểm về điều kiện người bị kết án được hưởng thời hiệu thi hành bản án.

- Mười bảy là, kiểm sát việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mạiĐây là nội dung mới quy định tại Điều 30 Quy chế 501.

- Mười tám là, kiểm sát việc xóa án tích tại Điều 31sửa đổi và quy định bổ sung: (1) KS việc Tòa án thực hiện thủ tục xóa án tích theo quy định tại Điều 369 BLTTHS; (2) VKS phải có ý kiến bằng văn bản thể hiện rõ quan điểm về việc người chấp hành án đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được xóa án tích và chuyển lại tài liệu cho Tòa án.

*Thứ năm, đối với phương thức kiểm sát và biện pháp xử lý, khắc phục vi phạm. Đây là một trong các nội dung quan trọng cần của Quy chế 501.Những quy định mới về phương thức kiểm sát và biện pháp xử lý, khắc phục vi phạm như sau:

- Một là, về phương thức kiểm sát, biện pháp xử lý, khắc phục vi phạm và hệ thống biểu mẫu nghiệp vụLà nội dung mới được quy định tại Điều 37:

Tại khoản 1 quy định: Khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, VKS sử dụng 04 phương thức: (1) Thực hiện quyền yêu cầu; (2) Kiểm sát quyết định về thi hành án hình sự; kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; (3) Trực tiếp gặp, hỏi; xác minh, thu thập tài liệu; (4) Trực tiếp kiểm sát.

Tại khoản 2 quy định: Khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, VKS thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây để khắc phục, xử lý vi phạm: (1) Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu đình chỉ, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật; chấm dứt, khắc phục hành vi vi phạm pháp luật; kiến nghị, yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật; (2) Quyết định trả tự do ngay cho người đang giữ, giam, chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật; (3) Khởi tố hoặc yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố về hình sự.

Tại khoản 3 quy định: VKS các cấp sử dụng hệ thống biểu mẫu nghiệp vụ do VKSNDTC ban hành. Thẩm quyền ký, ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền đối với văn bản thuộc VKSND các cấp thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này.

- Hai là, về kiểm sát việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị là nội dung mới được quy định tại Điều 44, cụ thể: VKS phải xây dựng kế hoạch kiểm sát việc thực hiện toàn bộ các kháng nghị, kiến nghị do cấp mình ban hành đối với cơ sở giam giữ, cơ quan THAHS, cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS. Kiểm sát việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị có thể thực hiện bằng phương thức trực tiếp kiểm sát hoặc yêu cầu tự kiểm tra và thông báo kết quả. Đối với các kháng nghị, kiến nghị qua trực tiếp kiểm sát, thì kiểm sát việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị có thể thực hiện trong lần trực tiếp kiểm sát kế tiếp.

- Ba là, về hồ sơ trong công tác kiểm sát là nội dung mới được quy định cụ thể tại Điều 47: Hồ sơ trực tiếp kiểm sát bao gồm cụ thể những tài liệu như quyết định, kế hoạch, báo cáo của đơn vị được KS, dự thảo kết luận....; hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo bao gồm những tài liệu như đơn khiếu nại, tố cáo; Quyết định thụ lý; Biên bản xác minh...; hồ sơ VKS kháng nghị, yêu cầu tự kiểm tra; hồ sơ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự phải được sắp xếp theo thứ tự và đánh số, có bảng kê tài liệu kèm theo. Việc quản lý, sử dụng, bảo quản, lưu trữ thực hiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của VKSND tối cao.

- Bốn là, về thực hiện quyền yêu cầu: Điều 38 quy định bổ sung quyền yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết địnhgiải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành; sửa đổi quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định THA trong trường hợp Tòa án không ra quyết định thi hành án theo thời hạn quy định tại Điều 364 Bộ luật TTHS.

- Năm là, về kiểm sát quyết định về thi hành án hình sự: Đây là nội dung mới bổ sung được quy định tại Điều 39, quy định VKS kiểm sát các các loại quyết định về thi hành án hình sự của Tòa án; ngay sau khi nhận được các quyết định, VKS vào sổ thụ lý và phân công KSV, KTV thực hiện kiểm sát. Ngoài ra tại Điều 39 còn quy định cụ thể KSV, KTV được phân công thực hiện các hoạt động sau đây: (a) Kiểm sát thời hạn xem xét quyết định, căn cứ, thẩm quyền, hình thức, nội dung của quyết định theo quy định của pháp luật và Quy chế này; (b) Lập Phiếu kiểm sát quyết định về thi hành án, ghi rõ kết quả kiểm sát. Trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật thì phải ghi rõ nội dung vi phạm và đề xuất biện pháp khắc phục, xử lý vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Quy chế này.

- Sáu là, về kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự: Tại  khoản 3, khoản 4 Điều 39 quy định cụ thể các hồ sơ tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự VKS kiểm sát và trách nhiệm của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên khi nghiên cứu hồ sơ, phát hiện vi phạm phải làm gì.

- Bảy là, vxác minh, thu thập tài liệu là nội dung mới được quy định tại khoản 2 Điều 40: Khi xét thấy cần thiết, VKS tiến hành xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạm giữ, tạm giam, THAHS, nhất là trong việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc tạm giữ, tạm giam, THAHS.

- Tám là, về trực tiếp kiểm sát được quy định cụ thể tại Điều 41 và cần lưu ý một số nội dung mới được sửa đổi, bổ sung như sau:

Về đột xuất: “Theo yêu cầu của cấp ủy, Hội đồng nhân dân hoặc khi xét thấy cần thiết, VKS trực tiếp kiểm sát đột xuất trong việc tạm giữ, tạm giam, THAHS”.

Về định kỳ trực tiếp kiểm sát: (a) Định kỳ kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trong việc tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam và hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam. Việc kiểm sát được tiến hành hàng ngày tại nhà tạm giữ; ít nhất hai lần một tuần tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh; (b) Định kỳ kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam theo từng nội dung hoặc kiểm sát toàn diện (việc kiểm sát được tiến hành vào Quý I, và Quý III; 06 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm tiến hành kiểm sát toàn diện); (c) Số lượng các cuộc trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan THAHS, UBND cấp xã thực hiện theo quy định của Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Khi tiến hành kiểm sát trực tiếp, cần lưu ý việc trực tiếp kiểm sát do Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được phân công tiến hành có sự tham gia của Kiểm tra viên và phải có quyết định, kế hoạch kiểm sát,khi kết thúc phải có kết luận bằng văn bản.Trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này (hàng ngày tại nhà tạm giữ; ít nhất hai lần một tuần tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh) thì không cần quyết định, kế hoạch kiểm sát và kết luận, nhưng phải được ghi vào Sổ kiểm sát; nếu phát hiện vi phạm thì phải lập biên bản với cơ sở giam giữ. Trường hợp trực tiếp kiểm sát đột xuất thì không cần kế hoạch kiểm sát.

- Chín là, về trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành trực tiếp kiểm sát: Đây là nội dung mới quan trọng được quy định tại khoản 5 Điều 41, quy định cụ thể việc trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải làm gì; trong quá trình kiểm sát, nếu phát hiện vi phạm, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải làm gì. Trường hợp qua trực tiếp kiểm sát mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc xem xét trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm thì Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát phải báo cáo lãnh đạo VKS trước khi ký kết luận trực tiếp kiểm sát.

Một điểm cần lưu ý là, so với Quy chế 35, thông qua trực tiếp kiểm sát nếu phát hiện vi phạm trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, kết luận trực tiếp kiểm sát chỉ kết luận nêu rõ vi phạm; những nội dung kháng nghị, kiến nghị (nếu có) thì ban hành văn bản riêng để phù hợp với Quy chế thông tin báo cáo... các chỉ tiêu trong công tác thống kê tội phạm.

Trong thực tiễn thực hiện công tác kiểm sát, đối với những vi phạm pháp luật (nhất là vi phạm nghiêm trọng xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân) bắt buộc phải thực hiện quyền kháng nghị bằng văn bản kháng nghị riêng (không nằm trong kết luận kiểm sát) và do lãnh đạo Viện ký. Đối với sơ hở, thiếu sót hoặc nguyên nhân, điều kiện có thể dẫn đến vi phạm pháp luật thì tùy tình hình, điều kiện thực tế có thể kiến nghị ngay trong kết luận kiểm sát mà không nhất thiết phải ban hành kiến nghị bằng văn bản riêng.

- Mười là, về thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghịTại khoản 2 Điều 42 quy định bổ sung kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm quyết định tha tùtrước thời hạn có điều kiện, quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; khi thực hiện công tác kiểm sát, nếu phát hiện vi phạm của Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thu thập các tài liệu để báo cáo Viện trưởng VKS cấp mình xem xét, quyết định việc kháng nghị. Tại Điều 43 quy định bổ sung kiến nghị trong trường hợp “hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền và cá nhân có liên quan trong tạm giữ, tạm giam, THAHS có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị quy định tại Điều 42 Quy chế này”.

- Mười một là, về quyết định trả tự do: Tại Điều 45 sửa đổi, bổ sung quy định trả tự do trong trường hợp VKS không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợpkhẩn cấp và người đã có quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện;trình tự, thủ tục trả tự do cho người đang bị giam giữ không có căn cứ và trái pháp luật.

Trên đây là một số điểm cần chú ý của Quy chế công tác kiểm sát việc kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, cán bộ, Kiểm sát viên cần nghiên cứu, thực hiện đúng Quy chế khi được phân công thực hiện công tác này./.

Lương Kim Thanh- PTP8 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:28,523,095
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.139.105.38

    Thư viện ảnh