Nội dung vụ việc: Theo quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 65/QĐ-CCTHA ngày 01/02/2017 của Chi cục thi hành án huyện X đối với người phải thi hành án là Nguyễn Văn A phải trả cho chị Nguyễn Thị B số tiền 20.000.000 đồng. Quá trình thi hành án, Chi cục thi hành án huyện X đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đối với anh Nguyễn Văn A. Quá trình xác minh xác định anh Nguyễn Văn A có quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 75, tờ bản đồ số 17 có diện tích 200m2 trong đó có 80m2 đất ở và 120m2 đất vườn địa chỉ thửa đất ở thôn Y xã Z huyện X, qua định giá sơ bộ quyền sử dụng đất có giá trị khoảng 300 triệu đồng và xác định anh Nguyễn Văn A có điều kiện thi hành án. Ngoài ra, anh Nguyễn Văn A không có bất cứ tài sản nào khác. Quá trình thi hành án Nguyễn Văn A đã không tự nguyện thi hành án và nếu phải kê biên thì A không tự nguyện đề nghị kê biên.
Tại Điều 45, Điều 46 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 có quy định:
“Điều 45. Thời hạn tự nguyện thi hành án
1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.
Điều 46. Cưỡng chế thi hành án
1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
2. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.”
Tại Khoản 1 Điều 13 nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự quy định:
Điều 13. Áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án
1. Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; quyết định thi hành án; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; yêu cầu bằng văn bản của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp. Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 130 Luật Thi hành án dân sự.
Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định này. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án.
* Quan điểm thứ nhất: Đối với trường hợp của Nguyễn Văn A thì Chi cục thi hành án dân sự huyện X không thế tiến hành tổ chức cưỡng chế đối với quyền sử dụng đất đối với A vì giá trị quyền sử dụng đất đối với mảnh đất của A không tương ứng với nghĩa vụ phải thi hành án và các chi phí cần thiết (có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành) theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 62 của Chính phủ.
* Quan điểm thứ hai: Đối với trường hợp của Nguyễn Văn A thì Chi cục thi hành án dân sự huyện X phải tiến hành cưỡng chế quyền sử dụng đất vì quá trình xác minh đã xác định A có điều kiện nhưng không thi hành nên phải tiến hành tổ chức cưỡng chế theo Điều 46 Luật thi hành án dân sự vì:
Tại khoản 2 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định:
“2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.”
Việc xác định thứ bậc văn bản QPPL căn cứ vào Điều 4 Luật Ban hành văn bản QPPL, theo đó, thứ tự văn bản từ cao xuống thấp là:
1. Hiến pháp.
2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
...
Nghị định 62 của Chính phủ chỉ là văn bản hướng dẫn thi hành Luật và có giá trị pháp lý dưới Luật nên cần nên cần phải thi hành theo Luật thi hành án dân sự 2014.
Tôi đồng ý quan điểm thứ nhất, mong sự trao đổi của các đồng nghiệp./.
Dương Đức Thắng- VKSND huyện Tân Yên