Sau khi đọc bài viết “Quyết định thi hành án chủ động có thời hiệu hay không?" của tác giả Vũ Văn Thành- Viện KSND huyện Hiệp Hòa, tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:
+ Với hai quan điểm tác giả đã đưa ra, tôi đồng ý với quan điểm giải quyết thứ nhất của tác giả: Nguyễn Văn A vẫn phải thi hành khoản án phí hình sự sơ thẩm, bởi:
- Việc bản án hình sự sơ thẩm có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 nhưng đến 15/3/2018, Tòa án nhân dân huyện H mới chuyển giao bản án cho Chi cục THADS huyện để ra quyết định thi hành án là vi phạm của Tòa án nhân dân huyện H, bởi bản án trên thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 28 Bộ luật THADS năm 2008 về “Chuyển giao bản án, quyết định: “1. Đối với bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này thì Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật”.
- Chi cục trưởng Chi cục thi hành án huyện H đã ra quyết định thi hành án buộc Nguyễn Văn A phải thi hành 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm là phù hợp với điểm a, khoản 2, Điều 36 Luật THADS sửa đổi năm 2014 về việc “Ra quyết định thi hành án”. Bởi, Luật THADS hiện hành không quy định thời hiệu thi hành án với khoản thi hành án chủ động mà chỉ có quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án của đương sự theo Điều 30 Luật THADS sửa đổi năm 2014 (Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật). Theo tôi, Luật THADS hiện hành không quy định thời hiệu thi hành án với khoản thi hành án chủ động là phù hợp, bởi Luật THADS đã quy định cụ thể về thời gian tự nguyện thi hành án của đương sự (10 ngày – khoản 1 Điều 45 Luật THADS sửa đổi năm 2014) và khi hết thời hạn này, Chi cục THADS có 10 ngày để xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (khoản 1 Điều 44 Luật THADS sửa đổi năm 2014). Nếu hết thời gian này đương sự không tự nguyện thi hành án và Chi cục THADS xác minh người phải thi hành án có điều kiện thi hành án thì Chi cục THADS sẽ ra quyết định cưỡng chế Thi hành án theo quy định tại Điều 46 Luật THADS sửa đổi năm 2014.
Tuy nhiên, luật THADS lại không quy định cụ thể về thời hạn phải tổ chức cưỡng chế thi hành án sau khi đã có quyết định cưỡng chế nên dẫn tới nhiều trường hợp việc thi hành án bị kéo dài.
+ Với quan điểm thứ hai, việc căn cứ vào Điều 55 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 để cho rằng do đã hết thời hiệu 05 năm nên Nguyễn văn A không phải thi hành khoản án phí sơ thẩm 200.000 đồng là không phù hợp. Bởi, điểm a, khoản 2, Điều 55 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: “ … 2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định như sau: a) Năm năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ ba năm trở xuống…”. Tuy nhiên khoản tiền 200.000 đồng trên không phải là khoản tiền phạt mà là khoản án phí phải nộp ngân sách Nhà nước. Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Pháp lệnh “Án phí,lệ phí Tòa án” ban hành ngày 27/02/2009, án phí gồm:
“Điều 3. Án phí
1. Án phí bao gồm các loại sau đây:
a) Án phí hình sự … ”
Như vậy khoản án phí hình sự trên sẽ được thực hiện theo hướng dẫn tại mục 1.1Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt”: Thời hiệu thi hành bản án quy định tại Điều 55 của BLHS là thời hiệu thi hành bản án hành sự về quyết định hình phạt. Đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản thì việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Rất mong nhận được những ý kiến phản hồi từ các đồng nghiệp./.
Nguyễn Thanh Bình- VKSND huyện Sơn Động