Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Trong đó có quy định phạm vi xét xử của Tòa án là “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu”. Nếu trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án giải quyết ngoài phạm vi yêu cầu của đương sự hoặc giải quyết không hết yêu cầu của đương sự là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Anh Đào Văn V và chị Nguyễn Thị H kết hôn với nhau năm 1999, có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã Đ. Ngay sau khi kết hôn chị H, anh Vsống chung cùng bố mẹ đẻ của anh V là ông M, bà L đến năm 2010 thì ra ở riêng. Trong quá trình chung sống vợ chồng phát sinh mâu thuẫn nên anh V đã khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết cho anh và chị H được ly hôn.
Chị H đồng ý ly hôn với anh V và cho rằng chị và anh V có tài sản chung là ngôi nhà 02 tầng (được xây dựng trên đất ông M, bà L đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Chị H đề nghị Tòa án giải quyết phân chia tài sản cho chị và anh V. Đồng thời chị H cho rằng, trong thời gian 10 năm sống chung cùng gia đình ông M, bà L chị là lao động chính, có công sức đóng góp cùng gia đình xây dựng phát triển được tài sản là nhà 03 gian, mua đất cho em trai anh V ra ở riêng. Chị đề nghị Tòa án giải quyết buộc ông M,bà L trích chia công sức cho chị với số tiền là 100.000.000đ. Chị H đã nộp tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu chia tài sản.
Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện H đã giải quyết công nhận thuận tình ly hôn giữa anh V và chị H; giải quyết phân chia khối tài sản chung của anh V và chị H; giao cho ông M, bà L và anh V sở hữu tài sản ngôi nhà 02 tầng và buộc ông M, bà L và anh V phải trả chị H bằng tiền.
Xem xét việc giải quyết vụ án của Tòa án thấy rằng, chị H đã có yêu cầu Tòa án giải quyết buộcông M, bà L trích chia công sức cho chị với số tiền là 100.000.000đ. Chị H đã nộp tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của mình.
Nhưng khi giải quyết vụ án, Tòa án lại không nhận định, không xem xét giải quyết chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu này của chị H là giải quyết không hết các vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án; vi phạm phạm vi xét xử sơ thẩm được quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự.
Ngoài ra qua xem xét việc Tòa án giải quyết phân chia tài sản thấy rằng, tài sản ngôi nhà 02 tầng được xây dựng trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng của ông M, bà L (ông M, bà L đồng ý cho anh V chị H xây). Nhưng Tòa án không giải quyết giao toàn bộ tài sản ngôi nhà 02 tầng cho ông M, bà L sở hữu và trích trả cho anh V chị H bằng tiền mà lại giải quyết giao tài sản ông M bà L và anh V sở hữu là không phù hợp; sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án sau này.
Sau khi Tòa án xét xử sơ thẩm chị H đã có đơn kháng cáo về việc Tòa án không xem xét giải quyết hết yêu cầu của chị.
Để đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Viện KSND tỉnh B đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với một phần bản án sơ thẩm nêu trên của Tòa án và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xử hủy phần giải quyết về tài sản, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại./.
Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9