Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Trên thực tiễn áp dụng quy định về xóa án tích còn có khó khăn, vướng mắc về nhận thức.
Nội dung vụ án: Ngày 05/01/2018, Nguyễn Văn A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Ngày 15/02/2018, Tòa án xét xử vụ án, áp dụng Khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 xử phạt A 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 năm về tội trộm cắp tài sản. Thời điểm thực hiện hành vi phạm tội này thì A mới 17 tuổi. Bản án có hiệu lực pháp luật.
Ngày 20/3/2018, A tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trị giá 05 triệu đồng và bị khởi tố, truy tố về tội trộm cắp tài sản theo Khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015.
Khi xét xử hành vi phạm tội này còn có quan điểm khác nhau về việc có buộc Nguyễn Văn A phải chấp hành hình phạt của bản án trước hay không.
Quan điểm thứ nhất: Theo quy định tại Điều 107 BLHS năm 2015 về xóa án tích thì người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b, Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý.
Với quy định nêu trên thì Nguyễn Văn A được coi là không có án tích đối với lần bị xét xử lần đầu (dưới 18 tuổi, bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng). Vì vậy khi xét xử lần thứ 2 thì không buộc Nguyễn Văn A phải chấp hành hình phạt của bản án trước.
Quan điểm thứ hai: Theo quy định tại Điều 65 BLHS năm 2015 thì trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 BLHS.
Với quy định nêu trên thì khi xét xử và quyết định hình phạt đối với Nguyễn Văn A về hành vi phạm tội lần thứ 2 thì buộc A phải chấp hành hình phạt 01 năm tù của bản án trước. Vì A phạm tội mới trong thời gian thử thách của án treo. Điều 65 BLHS được hiểu là áp dụng đối với tất cả đối tượng phạm tội, bất kể là người thành niên hoặc người dưới 18 tuổi phạm tội.
Tuy nhiên khi xét xử A về hành vi phạm tội này thì không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm theo điểm h Khoản 1 Điều 52 BLHS.
Tôi đồng ý với quan điểm thứ hai. Mong các đồng nghiệp cùng trao đổi.
Nguyễn Ngọc Cường- Phòng 2