Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm, nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Sau đó, nguyên đơn lại kháng cáo có được Tòa án cấp phúc thẩm có chấp nhận hay không? Xung quanh vấn đề nêu trên hiện có các quan điểm khác nhau. Xin nêu một vụ án cụ thể để bạn đọc cùng trao đổi.
Ngày 06/02/2015 Tòa án nhân dân huyện H thụ lý giải quyết vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất" giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn M, bà Nguyễn Thị X với bị đơn là vợ chồng ông Trần Văn B, bà Nguyễn Thị T. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong đó có anh Trần Văn C và chị Vi Thị N.
Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 14/11/2017 nguyên đơn ông M và bà X có đơn trình bày do anh C và chị N đang quản lý sử dụng đất của ông bà nên xin rút đơn khởi kiện đối với ông B và bà T để làm lại thủ tục khởi kiện đối với anh C chị N.
Ngày 14/11/2017 Tòa án nhân dân huyện H ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Ngày 17/11/2017 bà X có đơn kháng cáo không đồng ý việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án, nội dung: Do không hiểu biết pháp luật nên đã rút đơn khởi kiện. Việc rút đơn khởi kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi về thời gian, tiền bạc (các chi phí tố tụng đã nộp), không phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của chúng tôi. Đề nghị Tòa án tỉnh B xem xét theo thủ tục phúc thẩm, hủy quyết định đình chỉ của Tòa án nhân dân huyện H.
Tại Quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ngày 12/01/2018, Tòa án nhân dân tỉnh B đã cho rằng do trong thời hạn kháng cáo nguyên đơn bà X có đơn thay đổi yêu cầu và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ của Tòa án cấp sơ thẩm; đây là quyền của đương sự nên đã quyết định: Chấp nhận kháng cáo của bà X. Hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án nhân dân huyện H. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện H tiếp tục giải quyết vụ án.
Hiện đang có 02 quan điểm khác nhau về quyết định giải quyết việc kháng cáo của Tòa án cấp phúc thẩm như sau:
+ Quan điểm thứ nhất và cũng là quan điểm của cá nhân tôi cho rằng: Do nguyên đơn đã tự nguyện rút đơn khởi kiện, căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự thì việc Tòa án sơ thẩm ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án là có căn cứ. Sau khi Tòa án ra quyết định đình chỉ, bà X vẫn có quyền khởi kiện lại theo quy định tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự. Pháp luật không có quy định về việc sau khi Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong thời hạn kháng cáo người rút đơn khởi kiện có quyền thay đổi yêu cầu. Do vậy, việc Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là không có căn cứ.
+ Quan điểm thứ hai cho rằng: Quyền thay đổi yêu cầu là quyền của đương sự. Trong thời hạn kháng cáo, bà X đã có đơn thay đổi yêu cầu, không đồng ý rút đơn khởi kiện nữa mà yêu cầu Tòa án hủy quyết định đình chỉ, tiếp tục giải quyết vụ án. Nguyên đơn sẽ không phải khởi kiện lại và Tòa án cũng không mất thời gian thụ lý lại vụ án. Do vậy, việc Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án sơ thẩm là có căn cứ.
Trên đây là vấn đề nghiệp vụ đưa ra trao đổi, mong nhận được ý kiến đóng góp phản hồi của các đồng nghiệp để việc nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất./.
Nguyễn Đức Sơn - Phòng 9