ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -18:54 PM

Một số điểm mới trong Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 và Nghị định số 144/2017/NĐ-CP của Chính phủ

 | 

Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 (Luật TGPL năm 2017) thay thế Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 (Luật TGPL năm 2006). Ngày 15/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2017/NĐ-CP (Nghị định số 144)quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL năm 2017. Nghị định này thay thế các Nghị định bao gồm: Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL năm 2006; Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL năm 2006; Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL năm 2006.

Luật TGPL năm 2017 và Nghị định số 144có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018, trong đó có một sốđiểm mớivề đối tượng được yêu cầu trợ giúp pháp lý. Theo quy định tại Điều 7 Luật TGPL năm 2017 thì người được trợ giúp pháp lý bao gồm:

1. Người có công với cách mạng.

2. Người thuộc hộ nghèo.

3. Trẻ em.

4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

b) Người nhiễm chất độc da cam;

c) Người cao tuổi;

d) Người khuyết tật;

đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;

h) Người nhiễm HIV.

Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.”

Nếu nhưLuật TGPL năm 2006 quy định chỉ có 04 đối tượng được trợ giúp pháp lý thì Luật TGPL năm 2017 đã mở rộng hơn, quy định 06 đối tượng đương nhiên được trợ giúp pháp lý và 08 đối tượng được trợ giúp pháp lý có điều kiện. Trong đó có đối tượng “người có công với cách mạng” quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật TGPL năm 2006 tiếp tục được quy định tại  khoản 1 Điều 7 Luật TGPL năm 2017, còn các đối tượng khác của Luật TGPL năm 2006 đều được sửa đổi, cụ thể là:  

Thứ nhất: Luật TGPL năm 2017 quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý là “người thuộc hộ nghèo” (Khoản 2 Điều 7). Hộ nghèo là hộ gia đình qua điều tra, rà soát hằng năm ở cơ sở, đáp ứng các tiêu chí về xác định hộ nghèo, được quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận thuộc danh sách hộ nghèo trên địa bàn (Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH). Thẩm quyền xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo là của UBND cấp xã.

Thứ hai: Luật TGPL quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý là trẻ em (là người dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em năm 2016), không phân biệt đó là người bị buộc tội hay là người tham gia tố tụng khác và cũng không phải kèm theo điều kiện là “không nơi nương tựa” như theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật TGPL năm 2006.

Thứ ba: Đối với người dân tộc thiểu số, Luật TGPL năm 2017 quy định từ "cư trú" (có nội hàm rộng hơn, có thể là thường trú hoặc tạm trú) thay thế cho từ “thường trú” quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật TGPL năm 2006.

Thứ tư: Luật TGPL năm 2017 bổ sung hai nhóm đối tượng mới được trợ giúp pháp lý là “Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi” và “Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo”- khoản 5, 6 Điều 7. Người bị buộc tội bao gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. 

Thứ năm: Ngoài những đối tượng đương nhiên được trợ giúp pháp lý nêu trên, Luật TGPL năm 2017 còn quy định những đối tượng được trợ giúp pháp lý có điều kiện kèm theo đó là “có khó khăn về tài chính”. Tại Điều 2 Nghị định số 144/NĐ- CP của Chính phủ quy định về người có khó khăn về tài chính đó là: “người thuộc hộ cận nghèo hoặc là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật”. Trong đó, đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là những đối tượng được quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013của Chính phủ. Thẩm quyền xác nhận hộ  cận nghèo, đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thuộc về UBND cấp xã.Cụ thể những đối tượng sau có khó khăn về tài chính thì được trợ giúp pháp lý:

- “Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ”: Theo Luật TGPL năm 2006, Nghị định số 07/2007/NĐ- CP thì các trường hợp này được quy định trong nhóm các trường hợp người có công với cách mạng. Luật TGPL năm 2017 quy định đối tượng này không nằm trong nhóm người có công với cách mạng để phù hợp với quy định tại Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/12/2012 của Quốc hội.

- “Người nhiễm chất độc da cam”: Luật TGPL năm  2006, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, Nghị định số 14/2013/NĐ-CP quy định những người bị nhiễm chất độc da cam phải kèm theo điều kiện "không có nơi nương tựa" mới thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý. Luật TGPL năm 2017 quy định những người bị nhiễm chất độc da cam mà có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý và bỏ điều kiện “không có nơi nương tựa”.

- “Người cao tuổi”: Luật TGPL năm 2006, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, Nghị định số 14/2013/NĐ-CP quy định người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) phải thuộc trường hợp "sống cô đơn, không có nơi nương tựa" mới được trợ giúp pháp lý. Luật TGPL năm 2017 quy định người cao tuổi có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý và bỏ điều kiện “sống cô đơn, không nơi nương tựa”.

- “Người khuyết tật”: Luật TGPL năm 2017 đã quy định cụm từ “người khuyết tật” thay cho “người tàn tật” quy định tại Luật TGPL năm 2006 để phù hợp với quy định tại Luật người khuyết tật năm 2010. Theo đó người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý, bỏ điều kiện “không có nơi nương tựa”.

- Ba nhóm đối tượng mới được bổ sung vào Luật TGPL năm đó là “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự”, “Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình”, “Nạn nhân của hành vi mua bán người”. 

- “Người bị nhiễm HIV”: Theo Nghị định số 14/2013/NĐ-CP thì người bị nhiễm HIV được trợ giúp pháp lý khi không có nơi nương tựa. Luật TGPL năm 2017 quy định người bị nhiễm HIV có khó khăn về tài chính được diện trợ giúp pháp lý, bỏ điều kiện “không có nơi nương tựa”. 

Như vậy, đối tượng được trợ giúp pháp lý của Luật TGPL năm 2017 đã được quy định mở rộng hơn so với Luật TGPL năm 2006, điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhóm người thuộcđối tượng chính sách,trường hợp khó khăn, yếu thế trong xã hội, góp phần vào bảo vệ quyền con người, sự bình đẳng trước pháp luật.

Khi áp dụng các quy định của Luật TGPL năm 2017, để tránh sai sót trong việc xác định người được trợ giúp pháp lý thì cần thiết phải nghiên cứu, vận dụng quy định của nhiều văn bản pháp luật khác có nội dung liên quan./.

Nguyễn Mạnh, Đoàn Thế Đức- Viện KSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,433,810
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.129.211.116

    Thư viện ảnh