ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 25/12/2024 -00:10 AM

Một số kinh nghiệm từ thực tiễn để nâng cao chất lượng giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp

 | 

Giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một khâu công tác quan trọng của Viện kiểm sát. Thực hiện tốt việc phân loại, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo sẽ hạn chế việc công dân khiếu kiện bức xúc, kéo dài đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên.

Năm 2017, Phòng 2 VKSND tỉnh Bắc Giang tiếp nhận 120 đơn khiếu nại, tố cáo, tăng 57 đơn so với năm 2016. Đến nay, đơn vị đã tham mưu Lãnh đạo Viện giải quyết 119 đơn các loại. Trong đó ban hành quyết định giải quyết, văn bản trả lời 53 đơn/30 việc; báo cáo VKSND tối cao, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy và ban hành văn bản thông báo cho các cơ quan chuyển đơn như Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an… về kết quả giải quyết đối với 18 đơn; chuyển cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền 48 đơn; còn lại 01 đơn thuộc thẩm quyền đang giải quyết. Tỷ lệ giải quyết đơn thuộc thẩm quyền đạt 96%.

Thông qua việc những đơn thuộc thẩm quyền thấy chủ yếu là đơn khiếu nại các quyết định tố tụng hoặc quyết định giải quyết khiếu nại của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cấp huyện. Trong đó có nhiều đơn khiếu nại có tính chất phức tạp như: Đơn của các ông Trần Quốc Hưng, Nguyễn Văn Kinh, Hà Thị Thu (thành phố Bắc Giang); Lưu Văn Thao, Đinh Văn Thống, Cam Văn Chinh, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Tuyên (Lục Ngạn); Nguyễn Văn Sản, Dương Văn Sinh, Phạm Thị Hưng, Cao Thị Nhàn (Tân Yên); Hà Văn Xuân, Trần Thị Thu Hà, Thân Văn Hòa, Nguyễn Quốc Khánh (Lạng Giang); Tạ Đức Là (Hiệp Hòa); Văn Thị Nga (Việt Yên); Trịnh Thị Hà (Yên Thế)...

Năm 2017, đơn vị đã tham mưu, đề xuất giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra việc công dân có đơn khiếu nại vượt cấp, bức xúc, kéo dài.

Đạt được những kết quả nêu trên là do một số nguyên nhân như: Phòng 2 luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và sát sao của Lãnh đạo VKSND tỉnh Bắc Giang đối với công tác này; mỗi cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị luôn nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong công tác giải quyết đơn; các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện luôn phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ…

Từ thực tiễn giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền trong thời gian qua, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

- Trước hết, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần xác định việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ quan trọng, cần được ưu tiên giải quyết. Lãnh đạo Phòng phải trực tiếp nghiên cứu đơn khiếu nại trước sau đó tùy theo tính chất vụ việc sẽ phân công cho Kiểm sát viên cho phù hợp nhằm phát huy tối đa năng lực, sở trường của Kiểm sát viên; đối với những đơn có tính chất phức tạp và cần thiết hoặc theo chỉ đạo của Lãnh đạo Viện thì Lãnh đạo Phòng phải trực tiếp nghiên cứu, đề xuất giải quyết.

- Sau khi tiếp nhận đơn, Lãnh đạo Phòng cần trao đổi trực tiếp với Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện về nội dung khiếu nại; đề nghị phối hợp, chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan để nghiên cứu, giải quyết. Trường hợp cần thiết thì mời Kiểm sát viên được phân công thụ lý, kiểm sát giải quyết đến cùng trao đổi, làm rõ, tìm hiểu thêm thông tin cần thiết phục vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 - Kiểm sát viên được phân công phải nghiên cứu chặt chẽ hồ sơ, nắm chắc và đầy đủ các tình tiết vụ việc. Sau khi nghiên cứu xong mới báo cáo, đề xuất lãnh đạo Phòng mời người có đơn để đối thoại. Kiểm sát viên cần chuẩn bị kỹ nội dung trước khi tiến hành đối thoại. Những vụ việc phức tạp cần nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá thì có văn bản thông báo cho người có đơn biết để chờ kết quả giải quyết.

- Phải thực sự làm tốt việc đối thoại và xác định đây là nhiệm vụ bắt buộc. Thực tiễn cho thấy nếu đối thoại đạt kết quả tốt thì có thể người khiếu nại sẽ rút đơn hoặc làm giảm căng thẳng, mâu thuẫn và giúp họ hiểu hơn về nhưng quy định của pháp luật liên quan đến nội dung khiếu nại. Tùy từng tính chất vụ việc nhất là vụ việc mà giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại có quan hệ gia đình, thân tích thì Kiểm sát viên có thể tiến hành làm việc với người bị khiếu nại trước để tìm hiểu, thu thập thông tin sau đó mới tiến hành đối thoại với người có đơn nhằm nâng cao hiệu quả đối thoại.

- Khi soạn thảo ban hành quyết định, kết luận giải quyết đòi hỏi Kiểm sát viên cần thận trọng, cẩn thận trong quá trình soạn thảo văn bản; chỉ nên khẳng định những nội dung đã có cơ sở chắc chắn, đầy đủ căn cứ, không nên nêu những nội dung dài dòng, không cần thiết, không liên quan; phải rà soát, kiểm tra văn bản tuyệt đối không để xảy ra sai sót không đáng có như lỗi về kỹ thuật, chính tả, các thông tin liên quan đến người có đơn (họ tên, địa chỉ, năm sinh..). Lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp kiểm tra, chỉnh sửa văn bản trước khi báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Viện duyệt và ký ban hành.

- Thông qua nghiên cứu, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo nếu phát hiện Cơ liên quan có vi phạm, thiếu sót trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, quá trình điều tra xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì cần ban hành văn bản kiến nghị để yêu cầu khắc phục./.

                         Nguyễn Ngọc Cường- Phòng 2

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,839,481
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.22.68.228

    Thư viện ảnh