ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -15:55 PM

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ đối với chức danh Kiểm tra viên

 | 

Đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức. Căn cứ vào những quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên VKSND hiện nay, tác giả đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ đối với chức danh Kiểm tra viên, nhằm tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên như sau:

Kiểm tra viên là chức danh tư pháp, được bổ nhiệm để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng.

Chức danh Kiểm tra viên không được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát năm 2002. Do đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự trước đây cũng không có quy định nào về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên. Kiểm tra viên lần đầu tiên được quy định tại Quyết định số 73/2005/QĐ-BNV ngày 27/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ và mã số các ngạch Kiểm tra viên ngành Kiểm sát và Quyết định số 208/QĐ/2005/VKSTC-V9 ngày 07/11/2005 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quy định về Kiểm tra viên các cấp của ngành Kiểm sát, Kiểm tra viên chưa được quy định là chức danh tư pháp của ngành Kiểm sát.

Để khẳng định vị trí, vai trò của Kiểm tra viên, chế định Kiểm tra viên lần đầu tiên được đưa vào trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định rõ về chức danh Kiểm tra viên tại Điều 58 và Điều 90, theo đó, “Kiểm tra viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân”.

Các quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 nêu trên đã được cụ thể hoá trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, quy định rõ, Kiểm tra viên được coi là người tiến hành tố tụng, quy định đầy đủ về quyền hạn, nhiệm vụ của Kiểm tra viên.

Điều 43 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm tra viên gồm có:

1. Kiểm tra viên thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây theo sự phân công của Kiểm sát viên:

a) Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác trong tố tụng hình sự;

b) Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

c) Giúp Kiểm sát viên trong việc lập hồ sơ kiểm sát, hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm và tiến hành hoạt động tố tụng khác.

2. Kiểm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên về hành vi của mình.

 Điều 59 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên:

1. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, báo cáo kết quả với Kiểm sát viên;

2. Lập hồ sơ kiểm sát vụ việc dân sự theo phân công của Kiểm sát viên hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát;

3. Giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự”.

Căn cứ vào những quy định nêu trên, Kiểm tra viên Viện Kiểm sát là người tiến hành tố tụng, là người giúp việc cho Kiểm sát viên trong hoạt động tố tụng. Thực tế trong thời gian qua Kiểm tra viên đã làm được rất nhiều việc giúp cho Kiểm sát trong nhiều khâu công tác và là nguồn chính để tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm Kiểm sát viên. Tuy nhiên, trong thực tiễn, các đơn vị chưa phân công Kiểm tra viên giúp việc cho Kiểm sát viên trong công tác THQCT và Kiểm sát các hoạt động tư pháp tại phiên toà (cả hình sự và dân sự). Theo quy định của pháp luật thì chỉ có chức danh Kiểm sát viên có quyền tham gia xét xử và kiểm sát các hoạt động tư pháp tại phiên toà và thực tiễn cho thấy, trong khi tham gia xét xử tại phiên toà, Kiểm sát viên phải thực hiện đồng thời cùng một lúc rất nhiều các công việc khác nhau như: Phải kiểm sát tất cả các hoạt động, thủ tục tại phiên toà,đọc cáo trạng, quyết định của Viện kiểm sát liên quan đến việc giải quyết vụ án; hỏi, đưa ra chứng cứ và thực hiện việc luận tội; phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, tranh luận với những người tham gia tố tụng tại phiên toà; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, của những người tham gia tố tụng và kiểm sát các bản án, quyết định của Toà án. Trong giai đoạn này, Kiểm sát viên phải đảm bảo kiểm sát chặt chẽ hoạt động xét xử, đảm bảo xét xử công khai, khách quan, liên tục, đảm bảo việc truy tố của Viện kiểm sát là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ quá trình xét hỏi, trình tự xét hỏi, nội dung xét hỏi, cách thức xét hỏi; ghi nhật ký phiên toà, đối đáp với luật sư, khi tranh tụng phải ghi chép các câu hỏi, tìm kiếm chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ, các văn bản pháp luật để đối đáp ngay …, thông thường thì mỗi vụ chỉ có một Kiểm sát viên tham gia (trừ những trường hợp án phức tạp), như vậy áp lực của Kiểm sát viên tại phiên toà là rất lớn, dẫn đến hiệu quả công việc trong một số hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên toà chưa cao.

Mặt khác, đối với những Kiểm sát viên mới được bổ nhiệm, kinh nghiệm chưa nhiều, cho nên khi tham gia xét xử tại phiên toà sẽ bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định về việc thực hiện chức năng của Kiểm sát viên tại phiên toà như về tác phong, về kinh nghiệm xét hỏi, đối đáp với Luật sư, về kiểm sát các hoạt động tư pháp tại phiên toà….nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ án.

Để khắc phục được những tồn tại, hạn chế nêu trên, vừa nâng cao được hiệu quả công tác đào tạo tại chỗ đối với Kiểm tra viên, giúp cho Kiểm sát viên tại phiên toà giảm tải được áp lực và nâng cao chất lượng, hiệu quả, vai trò của Viện kiểm sát tại phiên toà; giúp cho Kiểm tra viên khi được bổ nhiệm Kiểm sát viên tham gia phiên toà không bị bỡ ngỡ, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của Kiểm sát viên tại phiên toà. Căn cứ vào những quy định của pháp luật nêu trên, tác giả đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại chỗ đối với Kiểm tra viên là: Khi phân công Kiểm sát viên THQCT, KSXX vụ án hình sự, tham gia phiên tòa dân sự, lãnh đạo đơn vị nên phân công thêm một Kiểm tra viên giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên toà, nhất là những Kiểm tra viên đã tham gia giúp việc cho Kiểm sát viên tham gia giải quyết vụ án đó ở những giai đoạn trước; đối với những vụ án mà Kiểm tra viên không tham gia giúp việc cho Kiểm sát viên ở trước giai đoạn xét xử phải yêu cầu nghiên cứu hồ sơ trước khi tham gia phiên tòa; khi được phân công giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên toà, Kiểm tra viên chỉ thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Kiểm sát viên, người lại Kiểm sát viên không được giao cho Kiểm tra viên thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tại phiên toà. Tương tự như vậy, đối với cấp tỉnh thông thường chỉ có Kiểm sát viên trung cấp mới được phân công tham gia phiên toà, cho nên khi phân công, nếu đơn vị có Kiểm sát viên sơ cấp thì nên phân công 01 kiểm sát viên sơ cấp tham gia phiên toà để giúp việc cho Kiểm sát viên trung cấp.

Thực tế, việc phân công Kiểm tra viên giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên toà từ trước đến nay chưa có đơn vị nào thực hiện (ở Bắc Giang). Tuy nhiên ở các khâu công tác khác, các đơn vị đều thực hiện việc phân công Kiểm tra viên giúp việc cho Kiểm sát viên; nhưng căn cứ vào những quy định của pháp luật như đã nêu ở trên và yêu cầu thực tiễn, theo quan điểm của tác giả thì việc phân công Kiểm tra viên tham gia giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên toà là đúng quy định vì Kiểm tra viên là chức danh tư pháp, là người tiến hành tố tụng, có nhiệm vụ giúp việc Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và hình sự.

Trên đây là quan điểm của tác giả về giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại chỗ đối với Kiểm tra viên Viện kiểm sát, rất mong nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của bạn đọc.

                                                                        Trần Ngọc Nam- Thanh tra VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,432,782
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.135.206.166

    Thư viện ảnh