ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -15:47 PM

Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án

 | 

Điều 246 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Chủ tọa phiên tòa hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không; trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án.

Vấn đề đặt ra là tại phiên tòa sơ thẩm khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án như trên thì Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu về những nội dung gì?

Hiện đang có hai quan điểm về việc phát biểu của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án:

Quan điểm thứ nhất: Điều 246 Bộ luật tố tụng dân sự quy định Chủ tọa phiên tòa hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không là một thủ tục Chủ tọa phiên tòa phải thực hiện trong phần “Thủ tục bắt đầu phiên tòa”. Theo quy định tại Điều 262 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 1 Điều 28 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao thì sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên mới phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Như vậy, Kiểm sát viên phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án trong phần thủ tục “Tranh tụng tại phiên tòa”, sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong. Trong trường hợp này, khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án ngay mà không phải tiến hành thủ tục “Tranh tụng tại phiên tòa”. Do vậy, Kiểm sát viên căn cứ vào Điều 246 Bộ luật tố tụng dân sự đề nghị Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án, không phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.

Quan điểm thứ hai: Kiểm sát viên tham gia phiên tòa nên Kiểm sát viên phải phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử xét xử vụ án đến giai đoạn nào thì Kiểm sát viên phát biểu quan điểm đến giai đoạn đó.  

Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

                                             Phạm Thu Hà- VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,432,750
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.191.192.109

    Thư viện ảnh