ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -07:31 AM

Không đưa đầy đủ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng, bản án sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm xử hủy

 | 

Khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định:Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (QLNVLQ) trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có QLNVLQ. Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có QLNVLQ thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có QLNVLQ.

Việc đưa đầy đủ người có QLNVLQ vào tham gia tố tụng có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết đúng vụ án dân sự. Việc đưa thiếu người có QLNVLQ vào tham gia tố tụng, là một trong những lỗi Tòa án cấp sơ thẩm thường mắc phải khi giải quyết các vụ án dân sự. Dẫn đến việc Tòa án cấp phúc thẩm phải xử hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án. Cụ thể như vụ án sau:

Ngày 10/12/2016 Chi cục thi hành án dân sự thành phố B (Chi cục THADS) đã có quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản nhà đất của bà T để đảm bảo cho việc thi hành bản án dân sự sơ thẩm đã xử buộc bà T phải trả cho bà H số tiền 5.000.000.000đ và tiền án phí. Đồng thời Chi cục THADS thành phố B đã có thông báo cho các bên liên quan biết có quyền khởi kiện tranh chấp liên quan đến tài sản cưỡng chế thi hành án.

Bà B cho rằng, bà T đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho bà (hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng tại Văn phòng công chứng số 1 tỉnh B). Nên ngày 12/12/2016 bà B đã có đơn khởi kiện đối với bà T, đề nghị Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà với bà T có hiệu lực pháp luật.

Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý vụ án "Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự" giữa nguyên đơn là bà B, bị đơn là bà T và người có QLNVLQ là Chi cục THADS thành phố B, Văn phòng công chứng số 1 tỉnh B. Bà T không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà B và đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng giữa bà và bà B là vô hiệu, bà đồng ý việc cơ quan thi hành án cưỡng chế kê biên tài sản của bà để thi hành án cho bà H. Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà B. Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà B với bà T có hiệu lực pháp luật.Bà T kháng cáo; Viện KSND tỉnh B kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm.

Xem xét việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm thấy rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định quan hệ pháp luật các đương sự tranh chấp trong vụ án là"Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự". Việc giải quyết vụ án có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người được thi hành án là bà H. Nhưng khi giải quyết vụ án, Tòa án không thông báo thụ lý vụ án cho bà H biết và đưa bà H vào tham gia tố tụng với tư cách người có QLNVLQ. Làm cho bà H không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà H không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.

Việc Tòa án cấp sơ thẩm không đưa bà H vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không đúng quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.  Đây là một trong những lý do Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bà T; chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tỉnh B; xử hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

Vụ án trên, Viện KSND cấp sơ thẩm đã thực hiện kiểm sát việc giải quyết vụ án. Nhưng trong quá trình kiểm sát, Viện kiểm sát không phát hiện được vi phạm này của Tòa án để kịp thời yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm đưa bà H vào tham gia tố tụng. Khi tham gia phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên đã phát biểu nhận xét Thẩm phán thực hiện đúng quy định của pháp luật. Bản án sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm xử hủy, có phần trách nhiệm của VKS cấp sơ thẩm cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết án sơ thẩm, góp phần hạn chế số lượng án dân sự sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm xử sửa hủy án./. 

Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,827,713
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.16.49.213

    Thư viện ảnh