Bộ luật tố tụng dân sự đã có các điều luật quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của đương sự; quy định về các căn cứ để Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Việc hiểu, áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong việc giải quyết án dân sự còn có những ý kiến, quan điểm khác nhau. Sau đây tôi nêu một vụ án cụ thể để trao đổi cùng các đồng nghiệp.
Ngày 14/02/2017 Tòa án nhân dân huyện H (TAND) đã thụ lý giải quyết vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đòi lại tài sản" giữa nguyên đơn là Nguyễn Thị N và bị đơn là ông Lê Văn T. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có 04 người.
Ngày 01/4/2017 nguyên đơn bà N có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn ông T có lời khai đồng ý với việc bà N rút đơn khởi kiện.
Tại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 02/2017/QĐST-DS ngày 02/4/2017 TAND huyện H đã nhận định nguyên đơn bà N có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện; bị đơn ông T đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn; vụ án không có yêu cầu độc lập và yêu cầu phản tố nên đã áp dụng điểm c khoản 1, 2 Điều 217, khoản 3 Điều 218, Điều 219; khoản 2 Điều 235; khoản 4 Điều 157; khoản 4 Điều 165; Điều 271; khoản 2 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Hoàn trả bà N 300.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp.
Ngày 3/4/2017 Tòa án đã giao quyết định đình chỉ cho các đương sự.
Ngày 5/4/2017 bà N có đơn kháng cáo. Nội dung đơn kháng cáo, bà N cho rằng do không hiểu biết nên bà đã rút đơn khởi kiện. Nay bà thay đổi không rút đơn khởi kiện, đề nghị Tòa án tiếp tục giải quyết yêu cầu khởi kiện của bà.
Khi giải quyết yêu cầu kháng cáo của bà N, Tòa án cấp phúc thẩm đã nhận định bà N đã rút đơn khởi kiện. Nhưng trong thời hạn kháng cáo bà N lại thay đổi không rút đơn khởi kiện và tiếp tục yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án. Đây là quyền của đương sự. Nên Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà N. Xử hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết vụ án.
Về việc giải quyết yêu cầu kháng cáo của bà N có hai quan điểm.
Quan điểm thứ nhất, đồng nhất với quan điểm giải quyết của Tòa án cấp phúc thẩm như đã nêu trên.
Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của cá nhân tôi cho rằng, do bà N đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, việc rút đơn hoàn toàn là tự nguyện, không trái pháp luật. Vụ án không có yêu cầu phản tố của bị đơn, không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Nên việc Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là đúng với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự. Việc Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng trong thời hạn kháng cáo đương sự thay đổi không rút đơn khởi kiện, là quyền của đương sự nên đã chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà N, hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là không đúng. Bộ luật tố tụng dân sự không có quy định trong thời hạn kháng cáo đương sự có quyền thay đổi việc đã rút đơn khởi kiện.
Để việc hiểu, áp dụng đúng quy định của pháp luật trong việc kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự. Rất mong nhận được sự quan tâm, cho ý kiến trao đổi từ các đồng nghiệp./.
Nguyễn Thị Tuyết- P9