Do có mối quan hệ quen biết nên bà Trần Thị D đã bán cám chăn nuôi cho vợ chồng ông Vũ Đình V và bà Nguyễn Thị M. Trên hợp đồng mua bán thể hiện ngày 20/3/2013 ông V và bà M còn nợ bà D tổng số tiền 20.000.000 đồng, hai bên thống nhất việc mua, bán hàng bằng phương thức thanh toán trả chậm, thống nhất ngày trả nợ cuối cùng là ngày 28/02/2014. Đến hạn bà D đôn đốc việc trả nợ nhiều lần nhưng ông V và bà M không trả. Ngày 05/6/2017bà D khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Vvà bà M trả số tiền gốc và lãi suất theo quy định của pháp luật từ ngày 20/3/2013 đến ngày xét xử.
Quá trình giải quyết vụ án trên, có hai quan điểm về thời điểm tính lãi suất như sau:
Ý kiến thứ nhất: Yêu cầu tính lãi của bà D từ ngày 20/3/2013 là có căn cứ vì đó là thời điểm mua hàng cuối cùng của ông V và bà M, là ngày chốt nợ vì từ ngày 20/3/2013 ông V và bà M không mua hàng nữa nên phải có nghĩa vụ thanh toán ngay từ thời điểm đó. Việc bà D thống nhất thời hạn trả nợ cuối cùng là ngày 28/02/2014 để ông ông V và bà M tự nguyện thanh toán, nếu ông V và bà M thanh toán đầy đủ cho bà D trước ngày 28/02/2014 thì không phải tính lãi suất.
Ý kiến thứ hai: Theo hợp đồng hai bên đã thỏa thuận việc mua hàng thức thanh toán bằng phương trả chậm là đúng quy định tại khoản 4 Điều 431 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “Phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận”. Theo hợp đồng hai bên đã thỏa thuận thời điểm trả nợ cuối cùng là ngày 28/02/2014 là đúng quy định tại khoản 3 Điều 432 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “Khi các bên không có thỏa thuận về thời hạn thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay khi nhận tài sản”. Như vậy, căn cứ sự thỏa thuận của các bên theo hợp đồng thì từ ngày 28/02/2014 trở đi mới được coi là chậm trả, cho nên yêu cầu tính lãi suất của bà D chỉ được tính kể từ ngày 28/02/2014.
Tôi đồng ý với quan điểm thứ hai. Rất mong được sự quan tâm, cho ý kiến trao đổi từ các đồng nghiệp./.
Trần Văn Trí- VKSND huyện Yên Thế