ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -08:07 AM

Khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 194 - Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

 | 

So với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 (Bộ LTTDS năm 2011), Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung thêm một số nội dung rất tiến bộ nhằm đảm bảo quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã làm đơn khởi kiện nộp cho Tòa án nhưng bị Tòa án từ chối giải quyết; đồng thời mở ra hành lang pháp lý cho Viện kiểm sát nhân dân trong việc thực hiện hoạt động này.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 168 Bộ LTTDS năm 2011 thì khi đương sự nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự cho Tòa án, nếu thấy có một trong các căn cứ nêu tại khoản 1 Điều 168 Bộ LTTDS năm 2011, Tòa án có quyền trả lại đơn khởi kiện cho đương sự và không thụ lý vụ án. Khi trả lại đơn khởi kiện cho đương sự, Tòa án phải có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Điều 170 Bộ LTTDS năm 2011 cũng quy định, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án trả lại, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời đơn khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Chánh án Tòa án, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.

Thực tiễn thi hành các quy định nêu trên cho thấy, khi Tòa án có thông báo trả lại đơn khởi kiện không chính xác, Viện kiểm sát chỉ kiểm sát được về mặt hình thức thông báo trả lại đơn khởi kiện, tức là kiểm tra xem Tòa án có ra văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện không? Viện kiểm sát không có tài liệu để kiểm tra xem lý do trả lại đơn được nêu trong văn bản của Tòa án có đúng căn cứ, quy định pháp luật không? Bởi vì, thực tế khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện thì cũng trả lại toàn bộ tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện. Muốn biết được lý do trả lại đơn có đúng quy định hay không, Kiểm sát viên phải nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện. Đồng thời, luật không quy định rõ thời hạn Tòa án phải gửi thông báo trả lại đơn khởi kiện cho Viện kiểm sát. Điều đó dẫn đến thực trạng là, có trường hợp, Tòa án không gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện nên Viện kiểm sát cũng không nắm được. Viện kiểm sát chỉ nắm được khi người khởi kiện khiếu nại, Chánh án giải quyết khiếu nại và gửi kết quả tới Viện kiểm sát. Để khắc phục vướng mắc này, Khoản 2 Điều 192 Bộ LTTDS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung quy định rõ "Khi trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Toà án phái có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao chụp và lưu lại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu". Khi kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án, nếu phát hiện thấy vi phạm thì theo quy định tại Điều 194 Bộ LTTDS 2015, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. So với Bộ LTTDS 2011, thời hạn Viện kiểm sát kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu được quy định dài hơn (Điều 170 Bộ LTTDS 2011 quy định là 03 ngày làm việc). Bên cạnh đó, Bộ LTTDS năm 2015 cũng bổ sung thêm quyền kiến nghị đối với Chánh án TAND cấp cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh (khoản 7, Điều 194).

Tại Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ LTTDS cũng có quy định: “Kiểm sát viên được phân công có nhiệm vụ tham gia phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp, trừ trường hợp Viện kiểm sát kiến nghị”. Trong một số trường hợp, Viện kiểm sát không tham gia phiên họp nên phần nào sẽ ảnh hưởng đến chất lượng kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.

Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án quy định tại Điều 194 Bộ LTTDS năm 2015, tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất,Viện kiểm sát cần phải phân công Kiểm sát viên tham gia đầy đủ các phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu để bảo đảm kiểm sát chặt chẽ; Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo xin ý kiến chỉ đạo Viện kiểm sát cấp trên trong trường hợp kiến nghị Chánh án Tòa án trên một cấp giải quyết.

Thứ hai, trước khi tham gia phiên họp giải quyết khiếu nại, kiến nghị, Kiểm sát viên cần nghiên cứu các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện đã được Tòa án sao chụp lại tránh trường hợp đương sự không đồng ý và khiếu nại, kiến nghị tiếp lên cấp trên đồng thời đảm bảo thực hiện quyền kiến nghị trong thời hạn luật định; chuẩn bị ý kiến phát biểu, nội dung phát biểu tại phiên họp; lập phiếu kiểm sát trình Lãnh đạo viện ký.

Thứ ba,Viện kiểm sát hàng tháng cũng cần phối hợp với Tòa án trong việc cung cấp các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện; đối chiếu số liệu, sổ sách để phát hiện được các thông báo thụ lý, trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà Tòa án không gửi cho Viện kiểm sát.

Thứ tư,trong quá trình nghiên cứu việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, thấy việc trả lại đơn khởi kiện là đúng nhưng Viện kiểm sát lại nhận được đơn khiếu nại của người khởi kiện gửi đến thì hướng dẫn cho đương sự thực hiện quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án có thẩm quyền đồng thời thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết của Tòa án (về hình thức, thẩm quyền, thời hạn)…

Thiết nghĩ, thực hiện tốt các giải pháp trên Viện kiểm sát sẽ đảm bảo quyền năng kiểm sát và kiến nghị của mình trong hoạt động trả lại đơn khởi kiện của Tòa án được chính xác, minh bạch, rõ ràng./.

Nguyễn Hồng Hạnh- P12 VKSND tỉnh

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,828,131
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.21.12.41

    Thư viện ảnh