ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -08:08 AM

Một số vướng mắc khi Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

 | 

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Viết tắt là Bộ LTTDS) được Quốc hội XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 (trừ các quy định cụ thể hóa các quy định mới có liên quan của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có hiệu lực từ ngày 01/01/2017). Bộ LTTDS năm 2015 với nhiều nội dung mới, trong đó có những quy định mới liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự. Trong các nhiệm vụ quyền hạn của Viện trưởng, Kiểm sát viên có một quyền quy định khá chi tiết, cụ thể hơn so với Bộ LTTDS 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011) và là cơ sở để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, đó chính là quyền yêu cầu.

 Quyền yêu cầu của Viện trưởng được quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 57 Bộ LTTDS năm 2015;

Quyền yêu cầu của Kiểm sát viên được quy định tại khoản 3, 6, 8 Điều 58 Bộ LTTDS năm 2015. Trong đó có quyền, yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ LTTDS năm 2015; yêu cầu Tòa án thực hiện đúng các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ LTTDS năm 2015.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 220 BLTTDS: “Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Bộ luật này thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp; trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án”. Như vậy sau khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án mới gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát, Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ xong phát hiện cần phải xác minh thu thập thêm chứng cứ hoặc có một số hoạt động tố tụng chưa đúng thì sẽ ra văn bản yêu cầu và gửi kèm theo hồ sơ trả cho Tòa án, thời điểm đó phần lớn các vụ án đã gần đến ngày xét xử nên Tòa án không có thời gian thực hiện các nội dung Viện kiểm sát yêu cầu, dẫn đến một số vi phạm trong hoạt động tố tụng không được khắc phục triệt để hoặc phải tạm ngừng phiên tòa để bổ sung tài liệu chứng cứ hoặc khắc phục vi phạm tố tụng.

Tại Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 đã quy định trách nhiệm của Tòa án khi thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát, đó là: “Trường hợp việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Kiểm sát viên là không thể thực hiện được hoặc Tòa án xét thấy không cần thiết thì chậm nhất là đến ngày hết thời hạn mở phiên tòa, phiên họp theo quyết định của Tòa án, Tòa án thông báo cho Kiểm sát viên bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Tuy Thông tư liên tịch đã quy định cụ thể như vậy nhưng trên thực tiễn, một số yêu cầu của Viện kiểm sát không được thực hiện hoặc thực hiện không triệt để nhưng Tòa án cũng không có văn bản phản hồi ý kiến. Việc Tòa án không thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát, dẫn đến Kiểm sát viên bị động trong quá trình nghiên cứu hồ sơ để đề xuất hướng giải quyết, báo cáo án với Lãnh đạo, tham gia phiên tòa.

Tại phiên tòa phát sinh tình tiết mới, Kiểm sát viên thấy nội dung tình tiết mới chưa được làm rõ, chưa đủ cơ sở để phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, cần thiết phải tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập thêm chứng cứ nên đã yêu cầu HĐXX tạm ngừng phiên tòa theo điểm c khoản 1 Điều 259 Bộ LTTDS. Tuy nhiên HĐXX hội ý và cho rằng không cần thiết phải xác minh, thu thập chứng cứ và quyết định vẫn xét xử vụ án. Trong trường hợp này Kiểm sát viên phải phát biểu như thế nào? Có thể không phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án được không?

Từ một số những vướng mắc nêu trên, chúng tôi đề xuất một số nội dung để VKS thực hiện quyền yêu cầu trong tố tụng dân sự hiện nay như sau:

 Các Viện kiểm sát địa phương cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong việc thực hiện quyền yêu cầu, đặc biệt là thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp đã được quy định tại Chương III – Thông tư liên tịch số 02/2016/VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016. Khi Tòa án không thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này, Kiểm sát viên cần tham mưu Lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

Để Tòa án có thời gian thực hiện các nội dung yêu cầu của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết và tham gia phiên tòa cần có mối quan hệ phối hợp tốt với Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án. Đặc biệt Kiểm sát viên cần nâng cao trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ, rút ngắn thời gian nghiên cứu, sớm đề ra các yêu cầu khi thấy cần thiết, tránh trường hợp khi ngày xét xử đã đến gần Kiểm sát viên mới đề ra yêu cầu.

Nâng cao trách nhiệm của Lãnh đạo đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành, bố trí khoa học cán bộ làm công tác kiểm sát án dân sự, đảm bảo tính ổn định.

Tăng cường hình thức họp rút kinh nghiệm giữa hai cơ quan Tòa án và Viện kiểm sát.

Thân Mạnh Thắng - Viện KSND huyện Lục Nam

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,828,138
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.95.167

    Thư viện ảnh