ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -15:57 PM

Giá trị chứng minh của dữ liệu điện tử trong giải quyết án hình sự.

 | 

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, trong đó có quy định mới “dữ liệu điện tử” là nguồn chứng cứ. Theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì “Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử”. Với quy định này, khi Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có một trong những nguồn chứng cứ khách quan, chính xác phục vụ tốt cho công tác đấu tranh, phòng, chống và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm.

Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến “dữ liệu điện tử” là hình ảnh, đoạn video, tin nhắn thu giữ được qua các vụ án đã xảy ra mà giá trị chứng minh của nó là căn cứ duy nhất ban đầu để làm cơ sở đấu tranh, chuyển hóa thành chứng cứ tố tụng khi giải quyết các vụ án hình sự. Thực tiễn giải quyết những vụ án có thông tin từ “dữ liệu điện tử” thì thấy có hai dạng chứng cứ có thể khai thác từ các thiết bị điện tử, đó là các thông tin trực tiếp chứng minh hành vi phạm tội như tin nhắn trong vụ án đánh bạc, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… và các thông tin ghi lại diễn biến hành vi vi phạm, hình ảnh người phạm tội như các vụ tai nạn giao thông, các vụ trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích… . Dưới góc độ khoa học điều tra hình sự, loại chứng cứ này có thể được gọi là chứng cứ điện tử và có giá trị chứng minh tội phạm. Do vậy khi thực hiện chức năng Kiểm sát thì Kiểm sát viên cần chú ý yêu cầu Cơ quan điều tra sử dụng biện pháp nghiệp vụ để tìm kiếm, ghi nhận, phân tích thông tin và sử dụng chúng làm chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội.

Trong thời gian qua trên địa bàn huyện Lạng Giang xảy ra nhiều vụ trộm cắp tài sản, tai nạn giao thông, buôn bán hàng cấm không xác định được đối tượng. Thông qua camera thu được gần nơi xảy ra tội phạm, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, kết quả kiểm tra điện thoại, rút list điện thoại… Cơ quan điều tra đã nhanh chóng xác định được đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật như: Vụ tai nạn giao thông xảy ra vào khoảng 02 giờ ngày 01/02/2017 tại Quốc lộ 1A thuộc địa phận thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang khi lái xe ô tô BKS 29K-3571gây tai nạn khi tham gia giao thông, lợi dụng không có phương tiện, người tham gia giao thông biết sự việc, lái xe ô tô đã lái xe bỏ chạy, song thông qua hệ thống camera an ninh của một số hộ dân gần đó, cùng với camera của Trạm thu phí Cơ quan điều tra đã nhanh chóng đấu tranh xác định được phương tiện, qua đó nhanh chóng xác định được đối tượng gây tai nạn để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng vào khoảng 21 giờ ngày 02/3/2017, đối tượng Ngô Quang Điền, sinh năm 1977 ở Liên Sơn, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang có hành vi dùng tua vít phá khóa xe mô tô trộm cắp ở thôn Trại Nội, xã Hương Lạc xong khi vừa cho tua vít vào thì bị chủ nhà phát hiện, Điền bỏ chạy thông qua camera của gia đình bị hại Cơ quan điều tra đã nhanh chóng xác định và đưa đối tượng Điền ra xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là những vụ án điển hình mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã biết khai thác “dữ liệu điện tử” để làm căn cứ đấu tranh với tội phạm.

Như vậy căn cứ vào “dữ liệu điện tử” có thể thấy nó có giá trị chứng minh rất lớn, hơn nhiều loại chứng cứ khác như lời khai nhận tội của bị can, của người làm chứng bởi thông qua “dữ liệu điện tử” này đã xác định được ngay đối tượng, mặt khác chính hình ảnh đó cũng chứng minh hành vi vi phạm của đối tượng mà không thể chối cãi được.

Tuy nhiên, việc sử dụng “dữ liệu điện tử” để làm chứng cứ cũng sẽ có hai mặt, nhất là trong thời đại “kỹ thuật số” hiện nay, việc tạo ra một “dữ liệu điện tử” chứa đựng thông tin theo ý chủ quan của người tạo ra nó cũng không khó. Do đó, theo quan điểm cá nhân, để “dữ liệu điện tử” sử dụng làm chứng cứ thì cần thiết phải đảm bảo những thuộc tính sau:

Một là, tính khách quan: Phải chứa đựng những thông tin có thật, tồn tại một cách khách quan. Trong quá trình thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử phải đặc biệt chú ý đến tính xác thực của nó. Chỉ được coi dữ liệu điện tử là chứng cứ khi và chỉ khi đó là dữ liệu gốc;

Hai là, tính liên quan: Phải có liên quan đến vụ án mới có khả năng làm rõ những vấn đề cần chứng minh và do đó mới được coi là chứng cứ. Tính liên quan của dữ liệu được thể hiện ở nhiều khía cạnh, qúa trình hình thành, tồn tại của dữ liệu điện tử phải liên quan đến hành vi phạm tội; thời gian, địa điểm phạm tội; quy luật, nguyên lý để lại dấu vết điện tử…;

Ba là, tính hợp pháp: Thể hiện ở chỗ dữ liệu điện tử dùng làm chứng cứ phải được phát hiện, thu thập theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cơ quan tiến hành tố tụng và các chuyên gia thu thập dữ liệu bằng các biện pháp do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Khi thu thập dữ liệu phải tuân thủ quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn thu thập dữ liệu và khi sử dụng dữ liệu phải chú ý kiểm tra tính hợp pháp của biện pháp thu thập.

Tôi mong nhận được ý kiến chia sẻ của các đồng nghiệp./.

Lê Văn Cường-VKS huyện Lạng Giang.

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,432,791
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.188.76.209

    Thư viện ảnh