ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -07:14 AM

Ngành Kiểm sát Bắc Giang tích cực tham gia góp ý dự thảo Luật tố cáo sửa đổi.

 | 

Chỉ thị số 01/CT-VKSNDTC ngày 28/12/2016 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2017 đã yêu cầu toàn Ngành tích cực tham gia xây dựng các dự án luật, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật. Thực hiện yêu cầu đó, trong thời gian qua, ngành Kiểm sát Bắc Giang đã tích cực tham gia góp ý vào các dự án luật theo chương trình công tác của Quốc hội khóa XIV, trong đó có Luật tố cáo (sửa đổi).

Luật tố cáo đã được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012. Sự ra đời của Luật tố cáo đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện cho thấy, Luật tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi Luật tố cáo nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay, đồng thời cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo.

 Để có cơ sở phục vụ công tác chỉnh lý Dự án Luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang có văn bản số 330/ĐĐBQH-VP ngày 17/5/2017 đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi).

Ngay sau khi nhận được văn bản của Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo Viện Kiểm sát tỉnh Bắc Giang đã kịp thời ban hành văn bản số 748/VKS-P12 ngày 22/5/2017, chỉ đạo yêu cầu 22 đơn vị trong ngành tổ chức cho toàn thể cán bộ trong các đơn vị nghiên cứu, thảo luận, đóng góp vào Dự thảo Luật tố cáo(sửa đổi).   

Qua nghiên cứu Dự thảo và tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đơn vị trong ngành Kiểm sát Bắc Giang, thấy rằng: Trên cơ sở kế thừa Luật tố cáo hiện hành, Dự thảo Luật tố cáo sửa đổi lần này gồm 9 Chương, 64 Điều, quy định cụ thể hơn về các vấn đề như giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, về tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo, về xử lý hành vi vi phạm đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo và người tố cáo...Trong bản dự thảo có nhiều nội dung được quy định mới như: Về phạm vi điều chỉnh; Về vấn đề bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo; Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo; Về giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; về trình tự , thủ tục giải quyết tố cáo… Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung, quy định cần đưa ra nghiên cứu thảo luận để tiếp tục bổ sung, sửa đổi trước khi Quốc hội thông qua, những nội dung chính được ngành kiểm sát Bắc Giang tham gia góp ý vào Dự thảo Luật tố cáo cụ thể là:

Ảnh: Phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang tiếp công dân

- Về phạm vi điều chỉnh quy định tại Khoản 2, Điều 1: Ngoài các lĩnh vực về tố tụng, đề nghị bổ sung nội dung tố cáo trong lĩnh vực thi hành án (thi hành án hình sự và thi hành án dân sự) cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này; Luật thi hành án hình sự và Luật thi hành án dân sự hiện hành đã có quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đảm bảo rõ ràng, cụ thể.

- Về nguyên tắc giải quyết tố cáo quy định tại Khoản 2 Điều 4: Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, sửa nội dung " bình đẳng không phân biệt đối xử về giới " vì: Nếu chỉ quy định bình đẳng không phân biệt đối xử về giới là chưa bao quát và chưa đầy đủ, toàn diện, chưa thống nhất với nguyên tắc của các luật khác như Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính… Vì vậy, nội dung này nên sửa thành " … bảo đảm bình đẳng, không phân biệt đối xử dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội " để đảm bảo quyền tố cáo được bình đẳng.

-Về quy định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan tổ chức trong việc giải quyết tố cáo tại Điều 6: Đề nghị bổ sung thêm nội dung “Đối với những nội dung thuộc bí mật Nhà nước hoặc có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, các lĩnh vực không được phép tiết lộ theo quy định của pháp luật thì việc không cung cấp phải nêu rõ lý do". Vì thực tế có những trường hợp theo quy định của pháp luật không được cung cấp thông tin vì nếu cung cấp thông tin sẽ ảnh hưởng đến bí mật Nhà nước hoặc an ninh quốc gia nhưng dự thảo chưa quy định nội dung này.

- Về quy định những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8: Tại khoản 6, Dự thảo quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là "phân biệt về giới trong giải quyết tố cáo". Thực tế thấy rằng, bình đẳng về giới chỉ là một vấn đề cần phải bình đẳng trước pháp luật, do vậy, quy định như Dự thảo là chưa đầy đủ, đề nghị sửa thành “không được phân biệt, đối xử không bình đẳng khi giải quyết tố cáo”.

Tại Khoản 8 Dự thảo chỉ quy định nghiêm cấm hành vi: “ Đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo". Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra trường hợp người bị tố cáo đe dọa, trả thù, xúc phạm người thân thích của người tố cáo, vì vậy, đề nghị bổ sung thêm vào khoản 8 nội dung“hoặc người thân thích của người tố cáo”.

-Về nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo quy định tại Điều 11: Tại điểm a khoản 2 quy định khi giải quyết tố cáo phải bảo đảm" khách quan, trung trực, đúng pháp luật" cần quy định thêm nội dung việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; như vậy sẽ toàn diện hơn. Tại điểm d khoản 2 nên quy định phải " Thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo cho người tố cáo" " Gửi thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo" ngay cả khi người tố cáo không có yêu cầu; như vậy mới đảm bảo quyền của người tố cáo, đồng thời để ràng buộc trách nhiệm của người giải quyết tố cáo.

-Về quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp tại Điều 14: Dự thảo chỉ quy định đối tượng mà Chánh án và Viện trưởng có thẩm quyền giải quyết đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp là chưa đầy đủ. Thực tế hiện nay,  Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đều có các đối tượng là người lao động khác (như lái xe, bảo vệ, tạp vụ…). Do vậy, đề nghị bổ sung người lao động khác cũng là đối tượng mà Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân các cấp có thẩm quyền giải quyết khi họ bị tố cáo.

-Về quy định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo tại Điều 24:

+ Khoản 3: Dự thảo quy định " Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết tố cáo được gửi cho cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên trực tiếp" là chưa phù hợp và đầy đủ.  Đề nghị bổ sung nội dung  quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ phải được thông báo cho người tố cáo và người bị tố cáo.

+ Khoản 4: Trong thực tế xảy ra các trường hợp, thời hạn tạm đình chỉ đã hết nhưng các căn cứ tạm đình chỉ như dự thảo nêu vẫn còn (ví dụ: trong trường hợp chưa có kết quả giải quyết của các cơ quan khác, chưa có kết quả giám định bổ sung, giám định lại…) thì việc giải quyết sẽ được thực hiện như thế nào. Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung “Trong trường hợp cần đợi kết quả giải quyết của các cơ quan khác; đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại; kết luận giám định xác định người bị tố cáo bị tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo; khi người bị tố cáo đang mang thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì thời hạn tạm đình chỉ giải quyết tố cáo kéo dài đến khi có kết quả. Trong trường hợp này, người giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo biết rõ lý do của việc tạm đình chỉ.”

 Ngoài những nội dung chính quy định tại các điều luật cụ thể của Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi), ngành Kiểm sát Bắc Giang còn tham gia vào các nội dung không quy định trong các điều luật cụ thể của Dự thảo gồm:

Về việc quy định thời hạn trong dự thảo Luật: Trong Dự thảo chỉ ấn định thời gian cụ thể là 10 ngày, 15 ngày, 60 ngày…là chưa phù hợp với thực tế vì có những đợt nghỉ  dài như nghỉ tết âm lịch, 30/4, 2/9…Nên xây dựng một điều luật riêng quy định chung về các tính thời hạn trong các điều luật cụ thể là ngày làm việc ( không tính thời hạn liên tục) mới khả thi trong thực tiễn thi hành Luật.

Đối với tố cáo mà người tố cáo không nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc thông tin cá nhân, hoặc người tố cáo rút đơn nhưng có gửi kèm theo chứng cứ rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.

Việc bảo vệ người tố cáo: Nội dung này đã được LuậttTố cáo năm 2011 và Nghị định số 76/20012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo. Tuy nhiên, quy định “khi có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm...” còn rất chung chung, khó xác định ở chỗ những biểu hiện nào, hành vi nào thì được coi là có căn cứ. Luật tố cáo (sửa đổi) đã bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ người tố cáo nhưng không quy định cụ thể về “căn cứ” nào để áp dụng. Vì vậy, đề nghị Quốc Hội trong thời gian tới có hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 76/20012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ hướng dẫn cụ thể, chi tiết nội dung này để việc áp dụng pháp luật được dễ dàng hơn.

- Về quy định thời hiệu tố cáo: Thực tế hiện nay có nhiều tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra từ lâu, không còn tính nguy hiểm cho xã hội nhưng cơ quan nhà nước vẫn thụ lý và xem xét, giải quyết. Điều này gây tốn kém, lãng phí trong quá trình giải quyết tố cáo. Pháp luật hiện hành không quy định về thời hiệu tố cáo. Do vậy, cần phải nghiên cứu để có quy định về thời hiệu tố cáo hành vi vi phạm pháp luật (chưa phải là tội phạm) trong lĩnh vực hành chính để phù hợp với pháp luật hình sự và Luật xử lý vi phạm hành chính.

Với những góp ý cụ thể, sát thực như trên sẽ là cơ sở để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thảo luận, có ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định, để Dự thảo Luật tố cáo khi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân./.

Lưu Thị Lệ Phương - Phòng 12, VKSND tỉnh Bắc Giang (tổng hợp)

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,827,523
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.118.126.51

    Thư viện ảnh