ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -07:37 AM

Trao đổi một số kỹ năng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính.

 | 

Vừa qua Tòa án cấp phúc thẩm đã xét xử sửa, hủy một số bản án, quyết định giải quyết án hành chính của Tòa án cấp sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và nội dung giải quyết. Việc sửa, hủy án của Tòa án cấp sơ thẩm do nhiều nguyên nhân, nhưng có một phần nguyên nhân do Kiểm sát viên của một số Viện kiểm sát cấp huyện không làm hết trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Là Kiểm sát viên công tác trong lĩnh vực này chưa nhiều, song  trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án và kiểm sát các bản án, quyết định sơ thẩm theo kinh nghiệm của tôi tích lũy được, đồng thời học hỏi, tham khảo những kiến thức, kinh nghiệm của những đồng nghiệp, tôi mạnh dạn nêu lên một số kỹ năng như sau:

- Về kiểm sát thủ tục nhận và xem xét đơn khởi kiện của Tòa án: 

Khoản 2 Điều 25 Luật tố tụng hành chính qui định “Viện kiểm sát kiểm sát vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án”…Nếu  hiểu đơn giản thì cho rằng Viện kiểm sát chỉ kiểm sát vụ án từ khi Tòa án thụ lý vụ án đến khi giải quyết xong vụ án. Hiểu như vậy là chưa đúng với chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát được qui định trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và khoản 1 Điều 25 Luật tố tụng hành chính (Viện KSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính, nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được kịp thời, đúng pháp luật). Điều 121 Luật tố tụng hành chính qui định về thủ tục nhận và xem xét đơn khởi kiện, trong đó qui định Tòa án nhận đơn (trực tiếp hoặc qua bưu điện) phải vào sổ nhận đơn và Thông báo trên cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có); thời hạn xem xét đơn tổng cộng là 6 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn thì Thẩm phán phải có một trong 4 quyết định theo qui định tại  khoản 3 Điều này (yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; thụ lý vụ án…). Trong thực tế hiện nay, việc Tòa án nhận đơn, chậm vào sổ thụ lý đơn diễn ra khá phổ biến và Tòa án chưa thực hiện Thông báo trên cổng thông tin điện tử, vậy để kiểm sát được hoạt động tố tụng này của Tòa án là một trong những khó khăn của Kiểm sát viên, đòi hỏi Kiểm sát viên phải có kỹ năng nghiệp vụ mới đạt được hiệu cao trong công tác, nên có thể là qua các kênh thông tin hoặc phối hợp với các phòng nghiệp vụ chúng ta xác định ngày Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện, qua đó kiểm sát thời hạn xem xét đơn khởi kiện và thụ lý vụ án của Tòa án có đúng quy định hay không; trong trường hợp Tòa án gửi thông báo trả lại đơn khởi kiện, chúng ta yêu cầu Tòa án cho sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu có liên quan để thực hiện kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án mới đảm bảo mọi thiếu sót, vi phạm của Tòa án trong giai đoạn này đều phát hiện kịp thời; có căn cứ để Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị nếu Tòa án trả lại đơn không đúng quy định của pháp luật.

- Quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án của Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử chúng ta cần nắm chắc người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề gì đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính và quyết định hành chính, hành vi hành chính đó về lĩnh vực gì. Từ đó chúng ta xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án, tư cách của người tham gia tố tụng phải đúng, đủ. Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A khởi kiện Quyết định về giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND thì người bị kiện ở đây là Chủ tịch UBND chứ không phải UBND vì thẩm quyền giải quyết khiếu nại là Chủ tịch UBND (theo Luật khiếu nại); trường hợp khởi kiện Quyết định của UBND về việc thu hồi đất, nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình thì Tòa án phải đưa tất cả các thành viên trong gia đình vào tham gia tố tụng và trong trường hợp này chúng ta cần phải xem quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền có đúng trình tự, thủ tục và căn cứ theo qui định của pháp luật hay không?

- Kiểm sát bản án, quyết định: Xem xét thời hạn gửi bản án, quyết định; đọc kỹ bản án, quyết định về hình thức, nội dung và lỗi chính tả; đối chiếu phần quyết định với phần nhận định của bản án có phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa hay không, từ đó xác định tính đúng, sai trong phần quyết định của bản án.

Các vụ án hành chính nói chung, đặc biệt là các vụ án hành chính sơ thẩm liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai là loại án khó, phức tạp, liên quan đến nhiều nhiều lĩnh vực, được điều chỉnh bởi Luật đất đai qua các thời kỳ, đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ ngoài việc phải nắm vững các quy định của Luật tố tụng hành chính còn phải nghiên cứu nắm vững luật nội dung và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Trong thực tế công tác phải tích cực nghiên cứu, học tập để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng công tác, đề ra các giải pháp cụ thể để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác kiểm sát được giao./.

Lương Thất Tùng- P10, VKSND tỉnh

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,827,795
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.128.168.219

    Thư viện ảnh