ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -12:15 PM

Trao đổi quan điểm về bài viết “Bàn Văn B phạm tội gì” ?

 | 

Sau khi đọc bài viết “Bàn Văn B phạm tội gì” của tác giả Nguyễn Văn Hưng -VKSND huyện Sơn Động đăng trên Trang thông tin điện tử của Viện KSND tỉnh Bắc Giang ngày 14/4/2017, tôi có quan điểm như sau:

>>> Hành vi của Bàn Văn B phạm tội gì ?

1. Tôi đồng ý với quan điểm thứ ba đó là hành vi của Bàn Văn B phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”theo Điều 250 BLHS. Bởi lẽ:

Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó (Thông tư liên tịch 09/TTLT ngày 30/11/2011).

Khi mua xe, Bàn Văn B không biết đó là tài sản do Triệu Văn A trộm cắp nhưng sau khi mua xong, B đã biết rõ chiếc xe là tài sản do A trộm cắp mà có và sau đó đã bán xe cho người khác để thu lời 3.000.000 đồng. Triệu Văn A đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 BLHS.

Như vậy, hành vi của Bàn Văn B thỏa mãn các dấu hiệu của tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 250 BLHS (Hành vi mua xe chưa thỏa mãn nhưng hành vi bán xe đã thỏa mãn):

+ Biết rõ chiếc xe SH là tài sản do người khác phạm tội (trộm cắp) mà có.

+ Bán xe  cho người khác để thu lợi sau khi đã biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội (trộm cắp) mà có.

2. Bàn Văn B không phạm tội “Che giấu tội phạm” theo Điều 313 BLHS như quan điểm thứ nhất trong bài viết, bởi lẽ: Sau khi mua chiếc xe,  B biết rõ là tài sản do Triệu Văn A trộm cắp mà có nhưng không trình báo với cơ quan Công an không phải là hành vi che giấu tội phạm vì  hành vi che giấu tội phạm quy định tại Điều 313 BLHS phải là hành vi hành động (ví dụ giúp người phạm tội lẩn trốn, tiêu hủy tang vật, xóa dấu vết…) trong khi hành vi không trình báo là hành vi không hành động (không tố giác sự việc với cơ quan Công an). Còn việc B bán xe cho người khác sau khi biết rõ đó là tài sản do A trộm cắp mà có không phải là để che giấu cho việc phạm tội của A mà vì mục đích vụ lợi; hành vi này thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà cónhư đã phân tích ở trên.

3. Bàn Văn B không tố giác Triệu Văn A mà lại đem bán xe cho người khác cũng không thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội “Không tố giác tội phạmtheo Điều 314 BLHS, bởi lẽ:

Hành vi của B biết rõ chiếc xe là tài sản do A trộm cắp mà có là điều kiện cần để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với B về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, (điều kiện đủ là bán xe SH đó cho người khác) và không đồng nghĩa với việc B biết rõ về hành vi trộm cắp của A nên việc B không tố giác A trong trường hợp này không thỏa mãn quy định tại Điều 314 BLHS.

Việc B bán xe cho người khác không thỏa mãn dấu hiệu khách quan trong tội “Không tố giác tội phạm”vì hành vi khách quan mô tả trong Điều 314 BLHS phải là hành vi không hành động (không tố giác) trong khi hành vi B bán xe cho người khác là hành vi hành động, thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Trên đây là quan điểm của cá nhân về bài viết, rất mong nhận được ý kiến trao đổi lại của tác giả,các đồng nghiệp và quý độc giả.

Trịnh Anh Tuấn - VKS huyện Lục Nam

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,430,351
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.188.59.124

    Thư viện ảnh