ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -11:52 AM

Một số phương pháp, kinh nghiệm tổ chức và tham gia phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát.

 | 

Trong những năm gần đây công tác tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm là một trong những nhiệm vụ của ngành Kiểm sát được lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp quan tâm, chỉ đạo. Việc tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động kiểm sát xét xử; giúp cho Kiểm sát viên nâng cao trình độ, kỹ năng tham gia phiên tòa; phát huy vị thế, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự; đáp ứng yêu cầu của  nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tình hình mới. Thông qua thực tiễn tham gia phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm, tác giả xin chia sẻ và giới thiệu một số kinh nghiệm tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm như sau:

Về việc lựa chọn phiên tòa rút kinh nghiệm: Nên lựa chọn những phiên tòa giải quyết vụ án điển hình (loại tranh chấp xảy ra phổ biến ở địa phương, đa dạng người tham gia tố tụng, có người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các đương sự; có nhiều tình tiết để hỏi, tranh luận; để rút kinh nghiệm; nên lựa chọn những vụ án đảm bảo phiên tòa được diễn ra theo kế hoạch và Tòa án có thể tuyên án ngay). Không nên lựa chọn những vụ án quá phức tạp, quá nhiều người tham gia tố tụng, phiên tòa phải diễn ra trong nhiều ngày. Cần quan tâm lựa chọn những vụ án có tranh chấp về quan điểm giải quyết hoặc phải áp dụng thực hiện lĩnh vực pháp luật mới quy định như việc áp dụng án lệ, các quy định trong các văn bản pháp luật mới sửa đổi, bổ sung… Đối với phiên tòa sơ thẩm, cần lựa chọn những vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đã điều tra, thu thập đầy đủ chứng cứ. Đối với phiên tòa phúc thẩm, cần quan tâm lựa chọn những vụ án có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc những vụ án Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết có nhiều vi phạm dẫn đến phải hủy án hoặc sửa án. Để đảm bảo phiên tòa rút kinh nghiệm được tổ chức thành công, cần lựa chọn 02 vụ án, trong đó có 01 vụ án dự phòng, tránh việc Tòa án phải hoãn phiên tòa mà không có vụ án khác thay thế.

Về công tác phối hợp: Phải xây dựng kế hoạch, thống nhất với Tòa án cùng cấp trong việc lựa chọn phiên tòa rút kinh nghiệm; cần chọn những vụ án do Thẩm phán có nhiều kinh nghiệm làm chủ tọa phiên tòa. Đơn vị chủ trì, cần chủ động có kế hoạch thông báo và chuẩn bị đăng tải đầy đủ các tài liệu cần thiết để phục vụ việc theo dõi cho các đơn vị Viện kiểm sát tham gia rút kinh nghiệm. Phối hợp với Tòa án trong việc chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị kỹ thuật (ánh sáng, âm thanh, máy móc),  lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ phiên tòa... bảo đảm cho phiên tòa diễn được ra thông suốt và thành công. 

Kiểm sát viên thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm: Phải là người có năng lực, trình độ và kinh nghiệm tham gia phiên tòa; có khả năng đối đáp, thuyết trình rõ ràng, mạch lạc, có khả năng xử lý nhạy bén các tình huống phát sinh tại phiên tòa;  có tư thế tác phong chững chạc; có khả năng gây ấn tượng  tốt về hình ảnh người Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự. Trước khi chuẩn bị tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên cần sắp xếp hồ sơ tinh gọn, chuẩn bị riêng từng tập tố tụng, nội dung; những chứng cứ quan trọng và lời khai để chủ động tham gia hỏi làm rõ bản chất của vụ án, nắm vững hồ sơ vụ án cả về thủ tục tố tụng và nội dung, chuẩn bị kỹ nội dung, đề cương xét hỏi, dự kiến tình huống phát sinh tại phiên tòa, nhất là những tình huống có khả năng xảy ra việc Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa như việc điều tra, thu thập chứng cứ còn thiếu, đương sự yêu cầu hoãn phiên tòa để định giá, thẩm định, giám định chữ ký…. Tại phiên tòa Kiểm sát viên phải có tác phong chững chạc, thái độ bình tĩnh, tự tin, biết quan sát và bao quát phiên tòa để nắm được diễn biến phiên tòa, thái độ của các đương sự; kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, đương sự tại phiên tòa để yêu cầu sửa chữa, khắc phục. Muốn thực hiện tốt được công việc trên, những diễn biến tại phiên tòa Kiểm sát viên cần ghi chép tổng hợp, ngắn gọn để dành thời gian cho việc tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh tại phiên tòa. Khi tham gia hỏi, Kiểm sát viên cần đối chiếu giữa bản dự kiến hỏi với những câu hỏi HĐXX đã hỏi, những câu hỏi nào được chuẩn bị nhưng HĐXX đã hỏi thì không hỏi lại trùng lặp với HĐXX. Về nguyên tắc hỏi, Kiểm sát viên chỉ hỏi những câu hỏi mang tính đột phá, có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vụ án, đặc biệt là những vấn đề còn mâu thuẫn trong vụ án chưa được làm sáng tỏ. Về tranh luận, Kiểm sát viên phải theo dõi chủ tọa phiên tòa thực hiện việc tranh luận có đúng trình tự và phạm vi tranh luận theo quy định của pháp luật không để kiến nghị, yêu cầu khắc phục. Đối với Viện kiểm sát cấp phúc thẩm phải chuẩn bị tốt việc thực hiện tranh luận đối với đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về tính hợp pháp và có căn cứ của kháng nghị để bảo vệ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm.

Về phát biểu Kiểm sát viên, Bản phát biểu Kiểm sát viên cần ngắn gọn, bố cục chặt chẽ, theo đúng mẫu quy định, không nêu lại nội dung vụ án mà tập trung vào việc nhận xét, đánh giá việc thu thập chứng cứ của Tòa án. Trên cơ sở phân tích, đánh giá  chứng cứ đề xuất quan điểm giải quyết về nội dung. Đối với Viện kiểm sát cấp phúc thẩm, cần tập trung giải quyết những vấn đề có kháng cáo của đương sự và kháng nghị của Viện kiểm sát. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải bổ sung quan điểm về những vấn đề mới phát sinh tại phiên tòa. Kiểm sát viên phải có nhận xét, đánh giá về các quan điểm, yêu cầu của Luật sư và các đương sự là có căn cứ hay không có căn cứ chấp nhận, lý do. Từ đó đề nghị HĐXX chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của đương sự.    

Về công tác rút kinh nghiệm: Sau khi kết thúc phiên tòa các đơn vị  tham gia tổ chức rút kinh nghiệm, chỉ ra những ưu điểm, tồn tại, thiếu sót của Kiểm sát viên cũng như Hội đồng xét xử để rút kinh nghiệm. Đồng thời nêu lên những vướng mắc, khó khăn về thực tiễn và lý luận, về  nhận thức và áp dụng pháp luật  để trao đổi, thống nhất.

Trên đây là một số phương pháp, kinh nghiệm trong việc tổ chức và tham gia phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm. Tác giả xin nêu ra cùng các đồng nghiệp trao đổi, để công tác này ngày càng được thực hiện có chất lượng và hiệu quả hơn,  đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới./.

Nguyễn Đức Sơn - Phòng 9- Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,430,130
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.216.42.225

    Thư viện ảnh