ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -00:53 AM

Vướng mắc trong giải quyết bồi thường tổn thất về tinh thần trong vụ án hình sự.

 | 

Sức khỏe của con người hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Bộ luật dân sự quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần do có hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân.

Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu”

Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân tích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này”

Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. …”

Từ các quy định trên có thể thấy pháp luật dân sự phân chia ra 2 nhóm chủ thể hưởng bồi thường tổn thất về tinh thần:

Nhóm 1: Chính người bị xâm phạm, nếu đối tượng bị xâm phạm là sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Nhóm 2: Những người thân thích của người bị xâm phạm, nếu đối tượng xâm phạm là tính mạng.

Trên thực tế trong những vụ án hình sự  liên quan đến tội phạm xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự  của con người thì ngoài người xâm phạm còn những người khác bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề khi trực tiếp chứng kiến sự việc, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi là những người thân thích của người bị xâm phạm. Có những trường hợp bị khủng hoảng về tinh thần sau khi chứng kiến cha, mẹ, vợ, chồng, con bị xâm phạm về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Do sức khỏe về tinh thần bị ảnh hưởng dẫn đến sức khỏe về thể chất cũng bị suy giảm. Vậy những trường hợp này có được bồi thường tổn thất về tinh thần hay không?

Ví dụ một vụ án cụ thể: Chu Văn A và Trịnh Văn B có mâu thuẫn với nhau từ trước. Khoảng 20 giờ ngày 16/7/2015 sau khi đã uống rượu, A nghĩ lại nhiều lần bị B bắt nạt nên cầm 01 con dao phớ sang nhà B mục đích để dọa. Khi đó chỉ có B và con trai 4 tuổi  là cháu Trịnh Văn C đang ngồi ăn cơm. A và B xảy ra mâu thuẫn cãi chửi nhau. A cầm dao chém B liên tiếp nhiều nhát vào người. B chạy vào trong bếp, A vẫn tiếp tục cầm dao đuổi theo. B chạy ra ngoài đường kêu cứu. A không đuổi theo nữa mà cầm dao về nhà. B được mọi người đưa đi cấp cứu. Kết quả giám định thương tích của B là 22% do vật sắc gây nên.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, căn cứ vào lời khai của những người trong gia đình B về tình trạng tinh thần của cháu C sau khi sự việc xảy ra (cháu hay tỏ ra sợ hãi và hay nhắc lại việc bố bị đánh), luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị hại đề nghị Tòa án xem xét vấn đề bồi thường tổn thất về tinh thần cho cháu C.

Tòa án đã xét xử Chu Văn A về tội cố ý gây thương tích nhưng không chấp nhận đề nghị của luật sư về yêu cầu bị cáo phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho cháu C.

Sau khi xét xử có 2 quan điểm khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất: Cần chấp nhận đề nghị của luật sư vì khi sự việc xảy ra, cháu C còn quá nhỏ, hành vi của A lại có tính chất côn đồ nên cháu C đã bị ảnh hưởng về tâm lý do hành vi phạm tội của A gây nên. Trên thực tế có thể xác định cháu C bị tổn thất về tinh thần.

Quan điểm thứ 2: Không chấp nhận đề nghị của luật sư vì pháp luật không quy định những đối tượng này được bồi thường, hơn nữa chỉ căn cứ vào lời khai của những người trong gia đình B về việc cháu bé bị ảnh hưởng tâm lý thì chưa đủ căn cứ xác định tổn thất về tinh thần của cháu bé.

Tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp.

Ngô Thị Thắm-VKS huyện Lục Nam

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,823,494
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.226.17.3

    Thư viện ảnh