Tranh chấp đất đai hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến công tác quản lý và các thủ tục: Tặng cho, chuyển nhượng đăng ký thế chấp, cấp, cấp đổi quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân với các cơ quan hành chính nhà nước của huyện; tỉnh. Thông qua công tác kiểm sát, chúng tôi có một vụ việc cần trao đổi như sau:
Hộ gia đình ông T, bà A có 01 thửa đất ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất năm 2001 với diện tích là 600m2 đất ở nông thôn. Ngày 01/02/2005, ông T có đơn xin cấp đổi GCNQSD đất của thửa đất này với lý do: Theo đo đạc bản đồ địa chính, biên bản xác định ranh giới, mốc giới diện tích tăng lên thành 800m2. Tại Quyết định số 09/QĐ-UB ngày 20/12/2005 của UBND huyện H đã quyết định cấp và cấp đổi GCNQSD đất ở nông thôn cho 2.501 hộ gia đình, trong đó có thửa đất diện tích 800m2 của hộ ông T, bà A (quyết định số 09/QĐ của UBND huyện không ghi thu hồi GCNQSD đất số Q1117); do vậy, thửa đất này tồn tại 02 GCNQSD đất và đều do gia đình ông T quản lý. Năm 2011 ông T và bà A đã dùng 02 GCNQSD đất này thế chấp vào hai Ngân hàng để vay hai khoản tiền và đều được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện H xác nhận việc thế chấp.
Hậu quả: Ông T, bà A đã vay được tiền của hai Ngân hàng và không có khả năng trả nợ tổng số trên 2.000.000.000đ. Theo quyết định của Tòa án và đơn yêu cầu thi hành án của các Ngân hàng, hiện nay Chi cục Thi hành án dân sự huyện H đang tổ chức kê biên tài sản thế chấp của ông T, bà A để thi hành án nhưng gặp khó khăn vì chỉ có một thửa đất thế chấp để bảo đảm cho 02 khoản vay khác nhau, giá trị tài sản không đủ để thanh toán nợ cho hai Ngân hàng; có sự tranh chấp quyền bảo đảm tài sản hợp đồng vay tài sản của 02 Ngân hàng.
Thông qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự, có một số quan điểm khác nhau về xác định chủ thể để ban hành kiến nghị phòng ngừa cụ thể là:
Quan điểm thứ nhất: Cần kiến nghị Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện H khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ còn có sơ hở, thiếu sót và yêu cầu chấm dứt vi phạm vì:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai:
“3. Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp hoặc đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp trước đây cùng với hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận, hồ sơ đăng ký biến động.
Văn phòng đăng ký đất đai quản lý Giấy chứng nhận đã nộp sau khi kết thúc thủ tục cấp đổi, thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Theo quy định tại Điều 20 Thông tư liên tịch số 20/TTLT ngày 18 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tư pháp - Bộ Tài nguyên và môi trường Hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất quy định:
1. Sau khi nhận hồ sơ yêu cầu đăng ký, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất kiểm tra hồ sơ yêu cầu đăng ký.
2. Trường hợp có căn cứ từ chối đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất từ chối đăng ký bằng văn bản và chuyển hồ sơ đăng ký, văn bản từ chối đăng ký cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ để trả lại hồ sơ đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện đúng quy định.
Quan điểm thứ hai: Không kiến nghị phòng ngừa đối với Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện H, tỉnh B vì các lý do sau:
Theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh B thành lập Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh B trên cơ sở hợp nhất văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh thuộc Sở tài nguyên và môi trường và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng tài nguyên và môi trường các huyện và có 10 chi nhánh đặt tại 10 huyện, thành phố có tên gọi là: Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai kèm theo tên huyện, thành phố.
Năm 2011, khi xác nhận cho ông T thế chấp vay tiền của các ngân hàng thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện H trực thuộc Phòng tài nguyên và môi trường huyện là cơ quan hành chính thuộc UBND huyện H quản lý, nhưng sau năm 2015 lại trực thuộc Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh B. Bên cạnh đó, khi Văn phòng đăng ký QSD đất huyện H xác nhận thế chấp (năm 2011) thì diện tích trong 2 giấy chứng nhận QSD đất không giống nhau, Quyết định số 09/QĐ của UBND huyện không ghi thu hồi GCNQSD đất cũ mà chỉ ghi là “cấp, cấp đổi” chính vì vậy mới có sự nhầm lẫn khi xác nhận thế chấp; hiện 02 giấy chứng nhận QSD đất nêu trên chưa được cấp có thẩm quyền thu hồi để bãi bỏ. Chính vì vậy,Viện kiểm sát nhân dân huyện H không thể ban hành kiến nghị phòng ngừa đối với Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện H (là đối tượng vi phạm) được mà đối tượng bị kiến nghị phòng ngừa trong trường hợp này là cấp trên trực tiếp của đối tượng có vi phạm. (tức Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh B)
Tôi đồng ý với quan điểm thứ hai. Rất mong các đồng nghiệp trao đổi cho ý kiến./.
Giáp Thị Thủy - VKSND huyện Hiệp Hòa