ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 24/12/2024 -00:53 AM

Căn cứ để huỷ kết quả đấu giá tài sản trong hoạt động thi hành án và thẩm quyền giải quyết

 | 

Bán đấu giá tài sản là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng để “xử lý tài sản thi hành án dân sự”; quá trình thực hiện cho thấy việc bán đấu giá tài sản thi hành án thực sự là thủ tục phức tạp, khó khăn nhất trong hoạt động thi hành án dân sự. Thực tế hiện nay, có không ít trường hợp vì các lý do khác nhau phải hủy kết qủa đấu giá, vậy để giải quyết vấn đề này dựa trên căn cứ pháp luật nào; cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có quyền ra quyết định hủy kết quả đấu giá.

 Căn cứ để thực hiện việc bán đấu giá tài sản thì phải xác định được giá của tài sản. Việc định giá tài sản kê biên được quy định tại Điều 98 Luật thi hành án dân sự năm 2008 và Điều 26 Nghị định 62/NĐ - CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, theo đó giá của tài sản kê biên do các đương sự thỏa thuận với nhau, khi các đương sự thỏa thuận được với nhau thì giá đó được lấy làm giá khởi điểm để bán đấu giá, nếu các đương sự không thỏa thuận được về giá tài sản thì bắt buộc phải có tổ chức thẩm định giá để tiến hành định giá tài sản; khi có kết quả của tổ chức thẩm định giá có thể tiến hành bán tài sản đã kê biên theo hình thức đấu giá.

Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp trên thực tề vì các lý do khác nhau mà phải hủy kết quả đấu giá tài sản. Như vậy việc chúng ta cần quan tâm để giải quyết vấn đề này cần dựa trên căn cứ pháp luật nào; cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có quyền ra quyết định hủy kết quả đấu giá?

Theo quy định tại Điều 102 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì kết quả bán đấu giá tài sản sẽ bị hủy trong các trường hợp sau:

            Điều 102 Luật thi hành án dân sự quy định:

          “1. Việc hủy kết quả đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy thì việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật này.

           2. Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản.

          3. Việc xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ được giải quyết theo quy định của pháp luật.”

         Ngoài ra theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản thì kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy trong các trường hợp sau:

           Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ quy định:

            “1. Kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy trong các trường hợp sau đây:

          a) Do thoả thuận giữa người có tài sản bán đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với tài sản thi hành án, thì còn phải có thoả thuận của người phải thi hành án; 

        b) Hợp đồng bán đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá bị Toà án tuyên bố vô hiệu hoặc bị huỷ theo quy định của pháp luật dân sự;

        c) Kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Nghị định này.”

Khoản 13 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: “Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”. Do vậy xác định Tòa án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với các yêu cầu khởi kiện tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản.

Ngoài quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản được nêu trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản còn được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 48 Nghị định 17/2010/NĐ-CP, ngày 04/3/2010 của Chính phủ: “Kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Nghị định này.”

Khoản 3 Điều 56 Nghị định số 17/2010/NĐ- CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả bằng biện pháp “hủy kết quả bán đấu giá tài sản” đối với  hành vi vi phạm hành chính “không thực hiện quy định về việc niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản” quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

Như vậy, kết quả bán đấu giá tài sản đối với các trường hợp có vi phạm hành chính thì trong từng trường hợp cụ thể có thể bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh thanh tra Sở tư pháp, Chánh thanh tra Bộ tư pháp hủy kết quả bán đấu giá tài sản.

Tôi xin nêu những nội dung trên để các đồng nghiệp trong ngành cùng nghiên cứu và trao đổi.

Nguyễn Thị Thủy - P11, VKSND tỉnh

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,823,498
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.191.233.198

    Thư viện ảnh