ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -22:25 PM

Hà Văn C có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm hay không ?

 | 

Nội dung vụ án: Năm 2014, Hà Văn C, sinh năm 1983 ở xã H, huyện Y mua 02 thùng pháo  nổ gồm 1.076 quả pháo, loại pháo dạng bóng đèn điện tròn có tổng khối lượng 42 kg sau đó đem về cất dấu ở nhà mục đích để bán kiếm lời nhưng chưa kịp bán thì đến ngày 22/8/2016 bị Công an huyện phát hiện thu giữ tang vật. Về nhân thân ngày 29/10/2014, Hà Văn C buôn bán pháo nổ bị Công an huyện Đ, Hà Nội bắt và bị Tòa án xử 6 năm tù, hiện C đang thi hành án. (hành vi phạm tội sau xử trước). Hành vi của Hà Văn C đã bị truy tố về tội “Buôn bán hàng cấm” theo Khoản 1 điều 155 BLHS.

Tuy nhiên việc truy tố Hà Văn C có 2 quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Căn cứ Chỉ thị số 406/TTg ngày 8/8/1994 của Thủ tướng chính phủ và Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008  hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo, Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/03/1999 của Chính Phủ về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện thì các loại pháo là hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại.

 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ ban hành  quy định về quản lý, sử dụng pháo có quy định các hành vi sau đây bị cấm:

1. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ.

2. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa.

Theo các quy định của pháp luật thì các loại pháo thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Căn cứ Bộ luật hình sự 1999 thì hành vi mua bán trái phép pháo nổ của Hà Văn C đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 155 BLHS. Việc truy tố C  là thỏa mãn quy định của pháp luật.

Quan điểm thứ hai: Việc xử lý, buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là pháo nổ hiện nay còn bất cập, chưa có sự thống nhất nên hành vi của Hà Văn C không xử lý hình sự  mà được xử lý bằng các biện pháp khác. Bởi lẽ:

 Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015) thì “pháo các loại” thuộc Danh mục “ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” (Phụ lục 04 - Luật Đầu tư năm 2014).

Thực tiễn  tại địa phương đã có việc nhận thức và áp dụng pháp luật không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.  Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đều thống nhất quan điểm: Hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại năm 2005 cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư năm 2014 nên vẫn tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố đối với những người có hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo lậu nếu đủ số lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 BLHS năm 1999 thì việc xác định người có hành vi vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì căn cứ vào số lượng hàng phạm pháp. Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT hướng dẫn tình tiết xác định “có số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn” để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo.

Tại điểm b, c Khoản 1 của Điều 190  BLHS năm 2015 “Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm” quy định  đối với mặt hàng “Pháo các loại” được coi là hàng phạm pháp khác và căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào giá trị của số hàng phạm pháp đó hoặc số tiền hưởng lợi bất chính

Như vậy, quy định tại Thông tư 06/2008/TTLT và BLHS năm 2015 có sự không thống nhất trong cách xác định căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội khóa XIII về việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự 2015 theo đó thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số109/2015/QH13. Từ đó  BLHS năm 2015 quy định đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (là pháo nổ) quy định  có lợi cho người phạm tội nên các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định giá trị hàng phạm pháp (pháo nổ ) để làm căn cứ xử lý. Nếu giá trị hàng phạm pháp dưới 100.000.000 đồng thì không xử lý hình sự (ngoài các yếu tố cấu thành cơ bản khác). Các quy định có lợi nêu trên đều phải được xem xét vận dụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Do đó, để việc xử lý hành vi phạm tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” theo Điều 155 BLHS năm 1999, Cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải trưng cầu định giá tài sản xác định trị giá hàng phạm pháp để làm căn cứ xử lý.

 Theo Nghị định 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự và Thông tư 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thìđã là hàng cấm, không được phép lưu hành trên thị trường thì sẽ không có giá, do đó sẽ không xác định được giá.Từ đó các cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ để xử lý.

 Mặt khác,  ngày 26/01/2016, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 06/TANDTC-PC hướng dẫn các Tòa án địa phương xử lý các tội mua bán, tàng trữ vận chuyển pháo nổ: Khi xác định có hành vi vận chuyển, buôn bán pháo và thuốc lá ngoại nhập lậu qua biên giới thì xử lý theo Điều 153, Điều 154 BLHS năm 1999 nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, nghĩa là vẫn xác định pháo, thuốc lá là hàng cấm. Nhưng nếu chỉ thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo và thuốc lá ngoại nhập lậu trong nội địa  thì Tòa án nhân dân tối cao sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải thích, làm rõ; công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục nhắc các địa phương thực hiện Công văn số 06 trên và nêu quan điểm các vi phạm về trật tự quản lý kinh tế cần được tăng cường xử lý bằng  hình thức phạt tiền và các chế tài khác về kinh tế để đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý các vi phạm này. Thực tế qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy thời gian qua, lực lượng Công an bắt nhiều vụ buôn bán pháo lậu có vụ với số lượng rất lớn nhưng việc xử lý hình sự rất hạn chế.

Hiện nay Cơ quan cấp trên chưa có hướng dẫn mới về việc xử lý những vụ việc liên quan đến buôn bán hàng cấm là pháo nổ như nêu ở trên. Đây là vướng mắc trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ. Quan điểm của tôi thì Hà Văn C phạm tội “Buôn bán hàng cấm”.

 Để xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ được triệt để, thống nhất đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không làm oan, sai, không bỏ lọt tội phạm. Xin nêu quan điểm vụ việc trên để mọi người tham gia bình luận.

Nguyễn Văn Thụ - VKS huyện Yên Dũng

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,821,779
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.224.51.49

    Thư viện ảnh